Nội bộ ban lãnh đạo Arsenal lại chia rẽ

Sự chia rẽ giữa những cổ đông chính trong hội đồng quản trị ngày càng bị đào sâu, khi Usmanov nghi ngờ chính câu lạc bộ của mình.
Sự chia rẽ giữa những cổ đông chính trong hội đồng quản trị Arsenal đã ngày càng bị đào sâu vào tối 8/7 sau khi Alisher Usmanov bày tỏ sự nghi ngờ với khả năng của câu lạc bộ London có đủ nguồn tài chính để thách thức những danh hiệu lớn.
 
Đề nghị của Usmanov cung cấp một ngân sách chuyển nhượng mới cũng như trả bớt một phần các khoản nợ của đội bóng bằng cách phát hành những cổ phiếu mới đã bị hội đồng quản trị Arsenal phủ quyết vào ngày 8/7.
 
Quyết định này không hề gây ngạc nhiên, nhưng Usmanov, tỷ phú người gốc Uzbekistan, hiện là cổ đông lớn thứ hai với 25% số cổ phần của đội bóng, sẽ tận dụng thất bại của Arsenal trong việc có được chữ ký của Felipe Melo, được định giá 20 triệu bảng, để củng cố thêm sức nặng cho đề nghị mua đứt lại đội chủ sân Emirates của ông. Hiện tiền vệ người Brazil có thể sẽ rời Fiorentina để gia nhập Juventus, chứ không phải tới London.
 
Đề nghị của Usmanov đã đánh trúng tâm lý những cổ động viên Arsenal đang lo lắng sau mùa giải thứ tư liên tiếp không có danh hiệu nào và cả vị trí dự Champions League bị các đội bóng tốp sau ở Premier League thách thức nghiêm trọng, chưa kể tương lai của huấn luyện viên Arsene Wenger cũng không còn rõ ràng sau những tin đồn liên hệ ông với Real Madrid cùng sự chia rẽ ngày càng lớn giữa các chủ sở hữu của đội bóng.
 
Thêm vào đó, dự án bất động sản ở mảnh đất là sân Highbury cũng gặp vấn đề khi thị trường bất động sản tại Anh đang rất ảm đạm và hội đồng quản trị câu lạc bộ sẽ phải thương lượng lại một khoản vay 133 triệu bảng đáo hạn vào tháng 4/2010. Việc Arsenal thiếu tiền mặt hiện giờ một phần là do hệ quả của việc xây sân Emirates, tốn kém khoảng 440 triệu USD.
 
Usmanov khẳng định rằng việc cải thiện tình hình tài chính hiện giờ hoàn toàn nằm trong khả năng của Arsenal. “Hội đồng quản trị đã thông báo với chúng tôi rằng họ tự tin có đủ nguồn tài chính cần thiết để hỗ trợ huấn luyện viên trong việc tăng cường đội hình, vượt qua tình trạng suy thoái bất động sản và thương lượng lại khoản vay để đầu tư vào Highbury theo những điều khoản có lợi cũng như đối phó với các vấn đề về tài chính khác”, ấn bản trên mạng của tờ Times dẫn lời một tuyên bố từ công ty của Usmanov quản lý cổ phần ông nắm giữ tại Arsenal, Red and White Holdings, “Chúng tôi không chia sẻ quan điểm đó”.
 
Hội đồng quản trị câu lạc bộ hiện đang xem xét để huy động 70 triệu bảng, 100 triệu bảng hay 150 triệu bảng bằng cách phát hành thêm cổ phiếu mới, cũng như cân nhắc sẽ sử dụng số tiền đó ra sao. Arsenal thông báo chính thức rằng đề nghị của Usmanov bị từ chối vì nó sẽ chỉ giúp huy động được một khoản tiền để ký hợp đồng với vài cầu thủ giữa tình hình thị trường chuyển nhượng đang ở trong tình trạng lạm phát cao như hiện nay. Còn về tình hình nợ nần, hội đồng quản trị Arsenal nói họ có thể xoay xở được.

Tuy nhiên, theo Times, lý do quan trọng nhất có ý nghĩa quyết định là kế hoạch của Usmanov sẽ khiến các cổ đông lớn hiện tại phải mua phần cổ phiếu phát hành thêm theo tỷ lệ tối thiểu là như hiện nay nếu như không muốn đánh mất quyền kiểm soát đội bóng vào tay Usmanov.
 
Chẳng hạn, riêng nhà tài phiệt Mỹ Stan Kroenke, cổ đông lớn nhất hiện nay với 28,3% cổ phần, sẽ phải bỏ ra 20 triệu bảng để giữ được tỷ lệ kiểm soát của ông nếu Arsenal phát hành thêm 70 triệu bảng cổ phần mới.

Usmanov đã tuyên bố ông không có ý định giành quyền kiểm soát Arsenal, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, hội đồng quản trị câu lạc bộ London vẫn sẽ phải hết sức cảnh giác bởi lẽ ngoài các biện pháp tài chính, Usmanov còn có thể gây sức ép thông qua các cổ động viên nếu đội bóng không tăng cường lực lượng mạnh mẽ vào mùa hè này và khởi đầu không thuận lợi ở mùa giải tới.

“Chúng tôi đã xây dựng, chứ không phải mua, một đội bóng”, Giám đốc điều hành Ivan Gazidis giải thích về chính sách thận trọng của câu lạc bộ trên thị trường chuyển nhượng./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục