Nói không với bạo lực sân cỏ: Bằng cách nào?

Từ khán đài xuống đường piste, trong sân cỏ, đâu đâu cũng thấy màu sắc bạo lực và nó đang dần vượt ra ngoài tầm kiểm soát của VFF.
Từ trên khán đài xuống đường piste, trong sân cỏ, đâu đâu cũng nhận thấy màu sắc bạo lực và nó đang dần vượt ra ngoài tầm kiểm soát của VFF.

“Con bệnh nhờn thuốc…”


Ban tổ chức giải, ban kỷ luật cũng đã mạnh tay với các biện pháp xử lý, những hình thức kỷ luật, nhưng dường như “thuốc” chưa đủ liều. Án phạt mới đây nhất của VFF với Hoàng Đình Tùng của Lam Sơn Thanh Hóa là đình chỉ hai trận liên tiếp và nộp phạt năm triệu đồng.

Trước đó, Hải Lâm bị đình chỉ thi đấu bốn trận khi dùng “ngón tay thối” đối với cầu thủ Timothy trong trận SHB Đà Nẵng gặp Hòa Phát Hà Nội. Thế nhưng tất cả những án phạt như thế cứ dần trôi vào quên lãng và bạo lực cùng những hành vi phi thể thao thì vẫn cứ tiếp diễn trên tất cả các mặt sân.

Lý do là bởi, các hiện tượng, hành vi bạo lực giờ đây không còn chỉ xảy ra với nhóm nhỏ, trong một phạm vi hẹp mà đã lan tràn ra khắp sân cỏ cả nước. Các cầu thủ, ban huấn luyện quá “máu” ăn thua nên không còn “giữ được mình” trong những thời điểm nhạy cảm.

Bên cạnh đó, VFF với ban kỷ luật đang ngày càng mất uy tín trong cách hành xử và trong việc đưa ra các biện pháp xử lý kỷ luật của mình. Cách đây không lâu, Leandro đã dùng cùi chỏ với Duy Nam khiến cho cầu thủ này chảy máu mắt và rời sân, phải đi cấp cứu ngay lập tức. Sự việc rõ như ban ngày, diễn ra dưới sự chứng kiến của rất đông khán giả, các thành viên ban tổ chức giải trên sân và còn được tường thuật trực tiếp qua sóng truyền hình, nhưng chỉ ban kỷ luật lại … không thấy.

Hay sự cố sân Lạch Tray với cái đầu chảy máu của Duy Nam cùng án phạt tiền cho ban tổ chức sân Lạch Tray, câu lạc bộ Ximăng Hải Phòng vì để cho khán giả dùng lời lẽ thiếu văn hóa nhằm vào trọng tài, ban huấn luyện, cầu thủ đội khách, đi kèm với đó là cơn mưa vật thể lạ.

Và vụ ở sân Thiên Trường, phóng viên Duy Bùi của báo Thể thao 24H tố cáo bị người của ban tổ chức sân Thiên Trường hành hung, lôi kéo ra ngoài đường piste như một tên tội phạm, thậm chí, xóa các tấm ảnh mà anh đã chụp trước đó. Bất luận lời tố cáo đó có đi kèm theo cả hình ảnh và video clip do các đồng nghiệp của phóng viên Duy Bùi cung cấp, nhưng ban tổ chức sân Thiên Trường vẫn không chịu thừa nhận “người nhà mình sai”.

Ngay cả khi VFF tổ chức họp để hòa giải và yêu cầu ban tổ chức sân Thiên Trường tường trình lại thì phía Nam Định vẫn chỉ “làm cho có”.

Trên đây chỉ là hai vụ việc nổi cộm, tiêu biểu nhất trong hàng tá các vụ việc thể hiện cho nạn bạo lực sân cỏ hoành hành tại V-League ở giai đoạn đầu mùa giải 2010.

... Còn bạo lực, chừng nào còn dung túng

Ban kỷ luật vốn là thành tố hoạt động độc lập có trách nhiệm và quyền hạn xử phạt các cá nhân sai phạm. Thậm chí, ban tổ chức giải sai ban kỷ luật cũng có quyền xử. Thế nhưng, không phải ban kỷ luật có quyền “một tấc lên đến giời”.

Trường hợp xử lý Lê Công Vinh với hành vi vái lạy trọng tài Vũ Bảo Linh trong trận đấu trên sân Cao Lãnh (Đồng Tháp) tại vòng 6. Ban đầu, ban kỷ luật ra phán quyết treo giò Công Vinh sáu trận và phạt 10 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi Công Vinh và câu lạc bộ Hà Nội T&T làm văn bản khiếu nại gửi lên Ban giải quyết khiếu nại thì ban này xem xét, giảm xuống chỉ còn ba trận.

Ban khiếu nại có cái lý của mình, ban kỷ luật cũng vậy. Tuy nhiên, cứ theo cái cách “bẻ cong” quyết định như vậy thì chưa biết kết cục đúng sai như thế nào; nhưng “nhãn tiền” là cầu thủ, câu lạc bộ vi phạm sẽ không thực sự cảm thấy ăn năn, hối cải. Không những vậy, họ còn coi quyền khiếu nại là cứu cánh cho mình trong những lần vi phạm. Bất đồng trong cách xử lý vụ việc của Công Vinh làm cho uy tín của VFF bị suy giảm nghiêm trọng.

Trong khi đó, chính ngay tại một số câu lạc bộ, việc quản lý các cầu thủ, xử lý sai phạm cũng không được tiến hành đến nơi đến chốn, điển hình là Ximăng Hải Phòng. Có tới hai lần hai cầu thủ của đội bóng đất Cảng là Leandro và Aniekan đánh nhau trên sân.

Được biết, khi Aniekan vi phạm kỷ luật đội nhiều lần, huấn luyện viên Vương Tiến Dũng đề nghị lãnh đạo câu lạc bộ sớm thanh lý hợp đồng nhưng đề nghị này không được chấp nhận. Lãnh đạo câu lạc bộ Ximăng Hải Phòng chấp nhận để “gia quy” bất ổn còn hơn là khiến đội mất người, rơi vào khủng hoảng lực lượng.

Chứng kiến những gì đã xảy ra tại V-League 2010, hầu như ai cũng thấy cần phải nhanh chóng ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực sân cỏ. Vậy nhưng, câu hỏi: “Bằng cách nào?” đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục