Nỗi lo về biến đổi khí hậu tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải đối mặt với những thách thức to lớn không chỉ trong việc đối phó với các tác động địa vật lý của biến đổi khí hậu, mà còn cả những rủi ro về năng lực thích ứng.
Nỗi lo về biến đổi khí hậu tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Những ngôi nhà ở thành phố Đồng Giang (Trung Quốc) chìm trong nước lũ do mực nước sông Hắc Long Giang dâng cao. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Năm 2021, Báo cáo đánh giá thứ sáu do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) công bố cho rằng biến đổi khí hậu đang diễn biến nhanh chóng và ngày càng gia tăng ở mọi khu vực trên thế giới. Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được biết đến rộng rãi là khu vực hứng chịu nhiều thiên tai nhất khi biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên và dữ dội hơn.

Đặc biệt, tại khu vực này, các quốc gia quần đảo, các quốc đảo nhỏ và các trung tâm dân cư lớn ven biển phải đối mặt với tình trạng mực nước biển dâng cao, trong khi nhiệt độ khắc nghiệt đang ảnh hưởng đến các khu vực địa lý rộng lớn và các khu dân cư đô thị đông đúc.

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải đối mặt với những thách thức to lớn không chỉ trong việc đối phó với các tác động địa vật lý của biến đổi khí hậu, mà còn cả những rủi ro về năng lực thích ứng, phát triển kinh tế và quản trị kém hơn.

Đối với các quốc gia trong khu vực đang có xung đột ở trong nước, các tác động kinh tế và văn hóa của biến đổi khí hậu - chẳng hạn như việc các nhóm dân cư và cộng đồng dễ bị tổn thương buộc phải di dời - có khả năng làm trầm trọng thêm xung đột.

Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu khoa học thiết thực, các hội thảo và hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu, nhưng tính cấp bách trong việc đối phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu thường bị bỏ qua trong các chi tiết kỹ thuật.

[Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cuộc sống của 88% dân số châu Phi]

Các loại khuôn khổ liên quan đến biến đổi khí hậu cũng cho thấy bản chất của các phản ứng chính sách. Các chính sách giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu được đóng khung trong khuôn khổ môi trường và phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, nền kinh tế tuần hoàn, khả năng phục hồi và công bằng khí hậu.

Điều còn thiếu trong cuộc tranh luận chính sách này là ngôn ngữ về an ninh-an ninh khí hậu. Điều đó có thể giúp nâng vấn đề lên ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự chính trị và an ninh của các quốc gia.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của an ninh con người. Các tác động an ninh trên phạm vi rộng có thể được nhận thấy trong thời điểm xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Trong năm 2021, 174 thảm họa thiên nhiên đã xảy ra ở khu vực châu Á, với khoảng 66,8 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó có hơn 12 triệu người ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương buộc phải di rời khỏi nơi ở - tất cả những con cố đó đều tăng đáng kể so với những năm trước. Từ năm 2017-2021, khoảng 36.000 người đã thiệt mạng vì thiên tai.

Thiệt hại kinh tế của những thảm họa này rất đáng kinh ngạc. Lũ lụt ở Thái Lan năm 2011 đã gây thiệt hại kinh tế hơn 45 tỷ USD. Khi lũ lụt làm ngập phần lớn các khu dân cư, trang trại và cơ sở hạ tầng, gần 10.000 nhà máy đã bị ảnh hưởng, làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng quốc tế.

Báo cáo của IPCC lưu ý rằng tác động của biến đổi khí hậu đối với an ninh lương thực có thể được nhận thấy qua việc giảm năng suất cây trồng và chất lượng sản phẩm, gia tăng tỷ lệ sâu bệnh và bệnh dịch, ức chế sinh trưởng, gia súc bị chết và thu nhập của các trang trại chỉ ở mức thấp.

Ở Trung Quốc, chiều hướng diễn biến của lũ lụt dự kiến sẽ làm thay đổi diện tích cây trồng và việc sử dụng đất. Ở Đông Nam Á, các khu vực ở Campuchia, Tây Bắc Việt Nam, Đông Bắc Thái Lan và Philippines dự kiến sẽ bị giảm năng suất đáng kể, mặc dù điều đó sẽ diễn ra trong một khoảng thời gian dài hơn.

Biến đổi khí hậu gây ra các mối đe dọa đối với sức khỏe con người vì những thay đổi môi trường có thể ảnh hưởng đến sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm. Sốt xuất huyết dự kiến sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và các vấn đề sức khỏe liên quan đến tình trạng nhiệt độ tăng sẽ trở nên phổ biến hơn.

Cuộc khủng hoảng y tế COVID-19 đang diễn ra cũng đã báo hiệu tỷ lệ mắc các bệnh có nguồn gốc từ động vật sẽ ngày càng tăng. Đại dịch COVID-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu mà còn là một cuộc khủng hoảng kinh tế. Nghèo đói toàn cầu gia tăng đáng kể khi có thêm 150 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực và thêm 100 triệu người rơi vào tình trạng thiếu ăn trên toàn cầu.

Mức độ nghiêm trọng của tình trạng khẩn cấp về khí hậu lớn đến mức ảnh hưởng của nó không chỉ dừng lại ở thực phẩm, môi trường và sức khỏe. Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là đấu trường địa chiến lược của căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh giữa các cường quốc trong khu vực.

Điều này giải thích tại sao Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã gọi tình trạng khẩn cấp về khí hậu là mối nguy hiểm đối với hòa bình và an ninh toàn cầu. Khu vực này cần phải khẩn trương chủ động tham gia vấn đề an ninh khí hậu.

Đối với một khu vực mà các ý tưởng về an ninh toàn diện, an ninh con người và an ninh phi truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức và được thể hiện qua thực tiễn của các quốc gia, việc thúc đẩy chương trình nghị sự về an ninh khí hậu sẽ giúp các quốc gia giải quyết các rủi ro an ninh liên quan đến khí hậu trong khi thúc đẩy hợp tác khu vực.

Các tổ chức khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nên đi đầu trong cam kết về an ninh khí hậu và hối thúc các tổ chức khu vực khác lồng ghép an ninh khí hậu vào các chương trình nghị sự tương ứng của họ.

Các tổ chức khu vực này nên đầu tư nhiều nỗ lực hơn vào các lĩnh vực hợp tác chống biến đổi khí hậu, bao gồm hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, lương thực, năng lượng, sức khỏe và môi trường.

Các cơ chế khu vực hiện có như Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (ASEAN và 3 quốc gia Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc) và Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi cần được củng cố. Cần chú ý nhiều hơn đến việc xây dựng năng lực thích ứng cho khu vực, bao gồm cả tài chính khí hậu. Cũng cần đầu tư nhiều hơn để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng, chẳng hạn như xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững về năng lượng tái tạo.

Việc học hỏi giữa các cơ quan cũng sẽ hữu ích và nên học tập cách giới quân sự đã nâng cao khả năng sẵn sàng tác chiến để phản ứng khẩn cấp trong điều kiện khí hậu thay đổi.

Các khoản đầu tư quân sự vào công nghệ xanh và điều chỉnh huấn luyện quân sự để đối phó với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt phản ánh quân đội thực sự coi trọng các mối đe dọa an ninh của biến đổi khí hậu. Những nỗ lực của Hàn Quốc và Singapore nhằm tăng cường “nỗ lực phủ xanh quân đội” và sử dụng năng lượng tái tạo là rất đáng chú ý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục