Đường vào xã Khánh Lộc, Hà Tĩnh những ngày này vẫn bụi mù mịt vì phù sa sông Nghèn để lại sau con nước lớn. Lớp bùn nhuộm màu bàng bạc vẫn bám dính lấy hai hàng cây bên đường.
Tay cầm chiếc chổi đót, mặt lem nhem nước vôi trắng xóa, anh Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã cũng hăng hái phụ mấy anh em trong xã quét lại mấy bức tường đã loang lổ vì ngâm nước lâu ngày.
Tuềnh toàng tiếp chúng tôi trong căn phòng chỉ vẻn vẹn 3 chiếc ghế nhựa và chiếc bàn cũ đã ngả màu tro, anh Sơn bảo: “Nhà báo đến đúng lúc xã đang khắc phục lại sau lũ nên hơi bề bộn, toàn bộ cơ sở vật chất bị nước lũ tàn phá, nay mới có thời gian chỉnh trang tu sửa.”
Anh Sơn vẫn nhớ những ngày kinh hoàng, Khánh Lộc bị nhấn chìm trong biển nước ngập quá đầu người. Chiều 16/10, trời mưa to không ngớt, mưa cứ nối mưa đổ ầm ầm về Khánh Lộc. Nhận thấy tình thế nguy hiểm, anh và các đồng chí lãnh đạo xã đã có cuộc họp khẩn cấp đưa ra kế hoạch giúp bà con nhanh chóng di chuyển đồ đạc và lương thực.
Chỉ vài tiếng sau cuộc họp, anh Sơn cùng đội dân quân địa phương phản ứng nhanh đã khẩn trương chia làm ba đội, mỗi đội hai thuyền đến nhà dân để sơ tán và cứu giúp người dân.
Anh Sơn bảo, lúc đó chỉ kịp tạt qua nhà được nửa tiếng, lấy tạm mấy chiếc đèn pin rồi lại lại lên thuyền, lao vào dòng nước xoáy. Chiếc thuyền của ông Phó chủ tịch xã xoay tít, cứ dềnh lên, ngụp xuống trong đêm.
“Lúc nớ, tôi cùng anh em chỉ còn biết dò đường theo trí nhớ hoặc thấy tiếng kêu cứu ở mô thì đánh thuyền về đấy,” anh Sơn nhớ lại.
Ròng rã suốt mấy tiếng đồng hồ, đội cứu hộ Khánh Lộc cũng đã hoàn thành sơ tán 14 xóm trong xã. Đến tận 3 giờ đêm, anh Sơn mới tranh thủ trở về mặc tạm bộ quần áo để lên xã trực. Lúc này, vợ anh ở nhà một mình nên chỉ có thể vác được dăm bao thóc lên chỗ cao, số còn lại đã nằm im lìm trong dòng nước dữ.
Kể tới đó, anh Sơn chỉ cười hiền bảo: “Làm lãnh đạo xã đôi khi cực nhọc lắm, việc nhà chưa bao giờ lo được. Đảm bảo cuộc sống của người dân những ngày lũ lớn mới là quan trọng nhất.”
Trải qua 4 ngày lũ ăn ngủ tại Ủy ban xã, anh cùng mọi người ăn tạm mấy gói mì tôm sống và uống nước mưa nhằm ứng trực 24/24 giờ khi có biến cố của lũ xảy ra có thể phản ứng kịp thời.
Thậm chí, vợ anh không đi được nên đã phải gửi quần áo cho anh qua người trong xóm làm công tác địa chính để anh mặc trong mấy ngày xa nhà.
Lo sợ dân không có gì ăn, anh bàn với các đồng chí trong xã gom góp tiền đi mua mì tôm còn lại của tất cả các quầy tạp hóa xung quanh xã để phân chia đưa đến từng hộ gia đình. Ngày hai lần chèo thuyền bằng tay và đưa từng gói mì tôm đến dân, anh mới thấm thía được nỗi khổ của bà con trong lũ.
Có lúc thấm mệt bởi đoạn đường vào các thôn xóm dài, sóng to, gió lớn anh tự nhủ còn bao nhiêu hộ dân đang đói không có gì cho vào bụng nên anh lại gắng gượng chèo thuyền đi tiếp.
Anh vẫn nhớ lần chèo thuyền vào gia đình ông Nguyễn Đình Trương, xóm Kiều Mộc có vợ và 3 đứa cháu, bố mẹ chúng đi làm xa nên ông bà sức yếu không thể di chuyển được đồ đạc gì chỉ còn cách trèo cao lên sát nóc nhà để chạy trốn nước lũ dữ dâng.
Khi đến nhà, ông Trương đang đóng tạm chiếc bè bằng mấy cây chuối trôi theo nước qua nhà để ra ngoài mua mì tôm ăn. Mấy ngày nay, ông cháu ông vẫn cầm hơi với mấy chai nước bể.
“Đến nơi, cả nhà họ đã kiệt sức, thấy thuyền đến, ai cũng cố xin đồ ăn chống đói. Nhìn cảnh ấy, tôi thấy nao cả lòng,” anh Sơn tâm sự.
Những người dân Khánh Lộc, cho đến tận lúc này, vẫn cứ rưng rưng bảo nhau, nếu không nhờ ông phó chủ tịch, không có đội cứu hộ xã, họ chẳng biết sống thế nào. Những ngày lũ, quần áo dân có lúc ướt, lúc khô, nhưng quần áo những người như anh Sơn chưa lúc nào được ráo./.