Ông Trần Thanh Mẫn tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovski

Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị Phó Chủ tịch EC, Cao ủy Thương mại EU tiếp tục ủng hộ phát triển quan hệ Việt Nam-EU, quan hệ ASEAN-EU; thúc đẩy hợp tác thương mại, duy trì các chuỗi cung ứng Việt Nam-EU.
Ông Trần Thanh Mẫn tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovski ảnh 1Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu-Cao ủy Thương mại EU Valdis Dombrovkis. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Chiều tối 2/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovski đang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao những kết quả tích cực, quan trọng trong quan hệ Việt Nam-EU cũng như giữa Việt Nam với các nước thành viên EU trên các trụ cột: chính trị, ngoại giao; kinh tế-thương mại-đầu tư; nông-lâm-ngư nghiệp; quốc phòng-an ninh; hợp tác phát triển; đối thoại...

Việt Nam hoan nghênh những kết quả tích cực trong thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ thương mại hai bên, nhất là trong bối cảnh kinh tế, giao thương và chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, bất ổn như hiện nay.

Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực xử lý các vấn đề mà EU quan tâm, nhất là vấn đề mở cửa thị trường đối với dược phẩm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Phó Chủ tịch EC, Cao ủy Thương mại EU tiếp tục ủng hộ phát triển quan hệ Việt Nam-EU, quan hệ ASEAN-EU; thúc đẩy hợp tác thương mại, duy trì các chuỗi cung ứng giữa Việt Nam-EU, ASEAN-EU; thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao nhằm tăng cường tin cậy chính trị, tạo đà thúc đẩy hợp tác hai bên.

[Đưa kim ngạch thương mại Việt Nam-EU sớm đạt mốc 100 tỷ USD] 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị Phó Chủ tịch EC, Cao ủy Thương mại EU thúc đẩy Nghị viện một số nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) để Hiệp định sớm có hiệu lực và được thực thi hiệu quả, bảo hộ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp hai bên, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, đầu tư Việt Nam-EU cũng như giữa Việt Nam với các nước thành viên.

Bên cạnh đó, EC và Ủy ban Thương mại EU khuyến khích các doanh nghiệp EU đầu tư vào Việt Nam, nhất là các dự án chất lượng cao trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, logistics; hỗ trợ Việt Nam về vốn, công nghệ, pháp luật, nhân lực, phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công bằng, ứng phó với biến đổi khí hậu, hiện thực hóa tuyên bố chính trị về thiết lập đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam với các nước G7...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn EC sớm gỡ "thẻ vàng" IUU đối với Việt Nam và nhấn mạnh, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với EU để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc, hướng đến hợp tác thủy sản bền vững giữa hai bên; đề nghị EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các dự án khai thác thuỷ sản bền vững và chuyển đổi sinh kế cho ngư dân Việt Nam.

Phó Chủ tịch EC, Cao ủy Thương mại EU Valdis Dombrovski nêu rõ Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của EU cũng như các nước thành viên EU. Chuyến thăm của Đoàn lần này nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU trong lĩnh vực thương mại. Hiện còn nhiều lĩnh vực tiềm năng để hai bên hợp tác như dược phẩm, thực phẩm, công nghiệp ôtô… và hy vọng hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng này trong thời gian tới.

Việc Việt Nam và EU cùng các đối tác khác ký kết JETP là dấu mốc quan trọng trong hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Phó Chủ tịch EC, Cao ủy Thương mại EU Valdis Dombrovski vui mừng thông báo, EC đang soạn thảo và xây dựng kế hoạch huy động vốn nhằm thực hiện JETP và dự kiến sẽ công bố tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc (COP 28), diễn ra trung tuần tháng 12 tới, tại Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Về chống khai thác IUU, EC ghi nhận những nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong hoàn thiện khung khổ pháp lý về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. EC sẽ sớm cử đoàn sang Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến "thẻ vàng" IUU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục