Peru coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực Đông Nam Á

Các lãnh đạo đại diện Bộ/ngành của Peru thể hiện quan tâm tăng cường quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực Đông Nam Á.
Peru coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực Đông Nam Á ảnh 1Đại sứ Kim Hoa làm việc với Bộ Ngoại giao Peru. (Nguồn: thoidai.com.vn)

Từ ngày 4-9/4, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Brazil kiêm nhiệm Cộng hòa Peru Phạm Thị Kim Hoa đã có chuyến thăm, làm việc tại nước Cộng hòa Peru.

Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa đã tới chào xã giao Bộ trưởng Ngoại giao César Landa Arroyo và có các cuộc gặp làm việc với Thứ trưởng Bộ Giáo dục Walter Hernandez Alcántara, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương và Du lịch Ana Cecilia Gervasi, Cố vấn Đặc biệt Bộ Y tế Karin Pardo và Cố vấn Bộ Vận tải-Truyền thông nước Cộng hòa Peru.

Tại các cuộc trao đổi và làm việc, Đại sứ đã giới thiệu về Việt Nam, mối quan hệ tốt đẹp, hữu nghị giữa Việt Nam và Peru trong 28 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 14/11/1994, cơ hội, tiềm năng cũng như những khó khăn, thách thức trong hợp tác giữa Việt Nam-Peru.

[Peru: Mảnh đất tiềm năng thời kỳ hậu COVID-19 với doanh nghiệp Việt]

Trong quan hệ kinh tế, hai nước đã ký kết nhiều Hiệp định và Thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực như kinh tế-thương mại, hải quan, nông nghiệp, thủy hải sản, khoa học kỹ thuật..., góp phần hình thành mạng lưới hợp tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp của Peru thâm nhập vào thị trường Việt Nam và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Peru.

Đại sứ Kim Hoa cũng vui mừng thông báo kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Peru tiếp tục duy trì đà tăng, từ 108 triệu USD năm 2010 lên 633 triệu USD năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19.

Hiện nay, hàng hóa của Việt Nam xuất sang Peru chủ yếu gồm giày dép, clanke và xi măng, máy tính, đồ điện tử và linh kiện, chất dẻo, sơ sợi dệt may, cao su, hàng thủy sản và sản phẩm nội thất... Việt Nam chủ yếu nhập khẩu của Peru bột cá, dầu cá, sợi acrylic, nguyên phụ liệu chế biến.

Riêng trong lĩnh vực đầu tư, hiện nay, Việt Nam có hai tập đoàn lớn về năng lượng và truyền thông đang hoạt động tại Peru là Tập đoàn dầu khí Quốc gia (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel).

Vietel chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông tại Peru năm 2014 với thương hiệu Bitel và nhà mạng có hạ tầng cáp quang lớn nhất với hơn 8,3 triệu thuê bao.

Trong thời gian qua, Bitel đã có nhiều hoạt động đồng hành hợp tác với các cơ quan Chính phủ Peru và được đánh giá cao như cung cấp Internet miễn phí cho 4.743 trường học, tặng 450 máy tính bảng, 450 điện thoại thông minh (smartphone) và hỗ trợ trang thiết bị y tế cho 3 bệnh viện tỉnh tại Peru.

Tại các cuộc gặp, Đại sứ Kim Hoa bày tỏ mong muốn tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác, đặc biệt về kinh tế, thương mại và đầu tư trên cơ sở hai nước đều tham gia các cơ chế, thể chế hợp tác quốc tế như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đặc biệt, Đại sứ Kim Hoa đề nghị Chính phủ Peru tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ triển khai hiệu quả các dự án đầu tư viễn thông, dầu khí của Viettel và PVN.

Hai bên đã cùng trao đổi nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy hơn quan hệ song phương Việt Nam-Peru trong thời gian tới như tăng cường trao đổi đoàn các cấp, duy trì thường xuyên và hiệu quả cơ chế hợp tác song phương gồm Ủy ban Liên Chính phủ và tham khảo Chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, đồng thời nhằm mở ra các lĩnh vực hợp tác mới như du lịch, giáo dục, công nghệ.

Về phía Peru, các lãnh đạo đại diện Bộ/ngành cũng thể hiện quan tâm tăng cường quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực Đông Nam Á.

Peru là một trong những quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định so với các nước khác trong khu vực Nam Mỹ nói riêng và khối các nước Mỹ Latinh và vùng Caribe nói chung.

Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý của Peru khá mở, rất có lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện Peru đang nỗ lực trở thành nền kinh tế toàn cầu hóa với ưu tiên tiếp cận những thị trường lớn trên thế giới thông qua các hiệp định thương mại, trong đó ưu tiên kêu gọi đầu tư, hợp tác thương mại trong các lĩnh vực giàu tiềm năng như nông nghiệp, công nghiệp dệt may, hóa chất, khai khoáng...

Peru tin tưởng sẽ nhận được sự phối hợp tích cực từ phía các Bộ, ngành Việt Nam để cùng cập nhật thông tin thị trường; qua đó tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp cùng khai phá hiệu quả mọi tiềm năng kinh tế của hai nước, phục vụ cho công cuộc phát triển của Việt Nam cũng như Peru, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Cũng trong chuyến thăm, Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa đã chủ trì tiệc chiêu đãi và giới thiệu ẩm thực Việt Nam đến đại diện các Bộ/ngành và các doanh nghiệp quan tâm tới hợp tác với Việt Nam...

Cộng hòa Peru có dân số 32,97 triệu người, diện tích hơn 1,285 triệu km2, ngôn ngữ chính là tiếng Tây Ban Nha; là một quốc gia nằm ở khu vực Nam Mỹ, phía Bắc giáp với Ecuador và Colombia, về phía Đông giáp Brazil, về phía Đông Nam là Bolivia, phía Nam là Chile và phía Tây là Thái Bình Dương.

Peru là cái nôi của nhiều nền văn hóa cổ đại, trải dài từ văn minh Norte Chico - một trong các nền văn minh cổ xưa nhất trên thế giới, đến Đế quốc Inca - quốc gia lớn nhất châu Mỹ thời kỳ tiền Colombo./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục