Phấn đấu giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo

Tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã nêu các giải pháp rút ngắn khoảng cách giàu-nghèo.
Sáng 14/6, tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã làm rõ các vấn đề liên quan đến việc giải quyết chế độ chính sách đối với những đối tượng không còn hồ sơ gốc; việc xây dựng chính sách đối với thanh niên xung phong; biện pháp rút ngắn khoảng các giàu nghèo giữa các vùng, miền...

Không để sót đối tượng người có công

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Đắc Lâm (Ninh Thuận) về giải pháp tháo gỡ cho việc quy tập hài cốt liệt sỹ, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết gần đây có hiện tượng thông qua các nhà ngoại cảm, thân nhân đưa hài cốt liệt sỹ về nhưng không đúng với liệt sỹ đó. Vì vậy, Chính phủ quy định việc xác định hài cốt liệt sỹ giao cho Bộ Quốc phòng triển khai.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khuyên các thân nhân liệt sỹ nên thông qua cơ quan có thẩm quyền là Bộ Quốc phòng để tìm hài cốt liệt sỹ. Với các trường hợp gia đình đã đưa hài cốt liệt sỹ về nhưng không đúng thân nhân của mình thì cho phép đặt vào nghĩa trang nhưng không khắc bia. Để bảo đảm chắc chắn, thân nhân liệt sỹ nên phối hợp với các cơ quan quốc phòng ở địa phương để thực hiện, với phương pháp xác định ADN, kinh phí do Bộ Quốc phòng chi trả.

Đối với việc giải quyết chế độ chính sách cho những đối tượng người có công bị mất hồ sơ gốc, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng trước đây do chiến tranh kéo dài nên thực hiện giải pháp phải có hai người chứng nhận dẫn đến điều kiện gian lận nhiều. Do vậy, quy định này đã được điều chỉnh lại theo hướng căn cứ vào các tài liệu có tham gia kháng chiến mới được xác nhận. Những trường hợp không còn hồ sơ gốc vẫn phải được giải quyết. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng chính quyền địa phương xác nhận, xem xét từng trường hợp một.

"Những người không có hồ sơ gốc vẫn có cơ hội. Nhà nước vẫn có trách nhiệm xác định, có tham gia kháng chiến, thì được hưởng chính sách,” Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh.

Giải đáp băn khoăn của đại biểu Phạm Minh Tấn (Đắk Lắk) về chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong đi thực hiện chương trình xây dựng kinh tế mới ở Tây Nguyên, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết từ sau năm 1975 đến 1980 có một bộ phận thanh niên thực hiện chương trình này. Tuy nhiên, đối tượng quy định trong Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng không phải là lực lượng Thanh niên xung phong. Vì vậy, vừa qua Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã nhận được đề nghị của tỉnh Thái Bình về Đề án giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng là thanh niên xung phong. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đồng ý quan điểm này và đề nghị tỉnh Thái Bình hoàn thiện Đề án để trình Chính phủ xem xét.

Giải pháp rút ngắn khoảng cách giàu-nghèo trong xã hội

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) về sáng kiến của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các đối tượng, vùng miền trong xã hội, đặc biệt là tại ba vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận đúng là trong thực trạng hiện nay do điều kiện kinh tế mỗi vùng khác nhau, đặc biệt là điều kiện tự nhiên của vùng sâu, vùng xa rất khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp, điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ phát triển còn hạn chế vì vậy đời sống của người dân còn khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo tại 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ còn rất nhiều chênh lệch.

Đề giảm nhanh khoảng cách chênh lệch giữa các vùng trên, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng cần tích cực thực hiện các giải pháp giảm nghèo đã có. Chính phủ cũng đã ưu ái với các vùng khó khăn, bằng cách bố trí hàng nghìn tỷ đồng, đầu tư cơ sở hạ tầng cho 62 huyện nghèo giúp người nghèo ở khu vực này.

Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý với ý kiến đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc bổ sung 23 huyện khó khăn gần như 62 huyện nghèo để được hỗ trợ 70% mức đối với hộ nghèo về cơ sở hạ tầng. Do khả năng ngân sách không nhiều nên Chính phủ chỉ có thể dành một khoản tạm ứng để giải quyết vấn đề trước mắt.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, cũng cần xem xét lại các chính sách đối với người dân ở từng vùng, miền để có những chính sách cụ thể. Mỗi một vùng lại có một khu vực đặc biệt khó khăn, vì vậy, nếu chỉ áp dụng chung một chính sách đặc thù sẽ không phù hợp.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng ở những khu vực đặc biệt khó khăn nên có chính sách riêng. Bên cạnh đó nên có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho con em vùng sâu, vùng xa đi học để có kiến thức, được ưu tiên về chính sách việc làm.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị các doanh nghiệp trong điều kiện tiếp nhận của mình cố gắng tạo điều kiện cho con em vùng đồng bào đặc biệt khó khăn để họ sớm thoát nghèo. Bên cạnh đó, các ngân hàng chính sách cần tạo điều kiện cho vay thêm đối với những người dân ở các vùng đặc biệt khó khăn thiếu vốn để phát triển sản xuất.

Bốn lưu ý Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần quan tâm thực hiện


Đánh giá các nội dung giải trình của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khá rõ ràng, ngắn gọn, súc tích, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đào tạo nghề là trọng trách rất lớn, có phạm vi ảnh hưởng rất rộng đối với toàn dân, đối với việc làm và đời sống của người dân.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần rà soát, củng cố, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề; xem xét lại chương trình, chất lượng dạy nghề cho các loại cơ sở nghề; giáo trình, giáo viên, công cụ và phương pháp đào tạo phải soát lại để tổ chức cho tốt, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trước tình hình nhiều lao động đã được đào tạo nghề nhưng không xin được việc làm hoặc vào nhà máy phải đào tạo lại, Chủ tịch Quốc hội khẳng định đây là sự lãng phí, phải xem xét lại, cân đối cho được đào tạo với yêu cầu, phải sát hợp, lo chất lượng đầu vào và ứng với nó là loại ngành nghề khác nhau, linh hoạt chuyển đổi để đảm bảo yêu cầu sử dụng.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cần mở rộng xã hội hóa công tác đào tạo nghề, liên kết với các nước để nâng cao chất lượng đào tạo, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp cũng có thể liên kết với nhau để đào tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của chính bản thân doanh nghiệp.

Về chủ trương hợp tác lao động để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài Chủ tịch Quốc hội khẳng định chủ trương này vừa là để tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo nhưng cũng là rèn luyện kỹ năng lao động, để người lao động khi trở về phục vụ đất nước tốt hơn.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm hơn đến lĩnh vực này, đảm bảo việc xuất khẩu lao động vừa có thu nhập, vừa thực hiện pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài thật tốt; quản lý chặt chẽ các công ty xuất khẩu lao động bởi đây là một loại hoạt động có điều kiện, đi liền với đó là quản lý xuất khẩu lao động chui, nâng cao chất lượng đào tạo lao động trước khi xuất khẩu để người lao động không chỉ biết ngôn ngữ của nước mình sẽ đến làm việc mà còn hiểu biết về pháp luật, văn hóa dân tộc của nước đó, tuân thủ tốt kỷ luật lao động, đây chính là yếu tố quan trọng để phát triển thị trường lao động ngoài nước.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu lao động. Đến nay, Việt Nam mới xuất khẩu được 500.000 lao động, so với chủ trương đề ra mới chỉ đạt được một nửa. Trong khi thị trường còn rộng, nhu cầu tuyển dụng còn lớn, Chủ tịch cho rằng nếu tổ chức tốt sẽ mở rộng được thị trường, đàm phán, ký kết được với nhiều đối tác và mở ra nhiều ngành nghề khác nhau.

Chủ tịch nhấn mạnh hướng ưu tiên trong lĩnh vực xuất khẩu lao động là quan tâm đến các khu vực vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa với đối tượng chính là người nghèo, người dân tộc thiểu số. Với những đối tượng này, để được đi lao động nước ngoài thì công tác chuẩn bị phải chu đáo hơn, thời gian học lâu hơn và chi phí đào tạo phải lớn hơn.

Nói về giải quyết chính sách đối với người có công, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ rà soát để tổ chức thực hiện cho tốt, không có hồ sơ gốc cũng phải giải quyết cho được, không để người có công ra đi mà chưa được hưởng chính sách. Các trường hợp giải quyết chậm trễ phải được truy lĩnh, tính từ thời điểm Luật, pháp lệnh có hiệu lực để bảo đảm quyền lợi cho đối tượng. Các thủ tục giải quyết cần tránh phiền hà, giải quyết nhanh nhất, đơn giản nhất nhưng phải đúng đối tượng.

Chủ tịch cũng lưu ý Bộ Lao động thực hiện thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, phấn đấu giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo./.

Phúc Hằng-Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục