Pháp cảnh báo về khuynh hướng ly khai của nhiều lãnh đạo địa phương

Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo rằng tất cả giới chức dân cử địa phương luôn tôn trọng các giá trị và luật lệ của nền Cộng hòa.
Tháp Eiffel tại thủ đô Paris, Pháp. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo nhận định của tờ Le Figaro, Bộ Nội vụ Pháp đang tập trung giám sát chặt chẽ năm tỉnh có nhiều ủy viên hội đồng địa phương do dân bầu đang thu hút sự chú ý vì những hành vi có khuynh hướng ly khai.

Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo rằng tất cả giới chức dân cử địa phương luôn tôn trọng các giá trị và luật lệ của nền Cộng hòa.

Hồi cuối tháng 7, cùng với Thứ trưởng phụ trách quyền công dân Marlène Schiappa, ông Darmanin tuyên bố trước Ủy ban Pháp luật của Hạ viện rằng đã yêu cầu các tỉnh trưởng xác minh xem có thị trưởng nào thực hiện các hành vi phân biệt đối xử giữa nữ giới và nam giới trong các cơ quan công quyền hay không.

[Pháp: Bãi công quy mô lớn phản đối kế hoạch cải cách của chính phủ]

Bộ trưởng Darmanin nhấn mạnh rằng trong trường hợp cần thiết, sẽ phải lập hồ sơ vụ việc và đề xuất Hội đồng Bộ trưởng cách chức các lãnh đạo địa phương vi phạm nguyên tắc.

Sự cảnh giác của chính phủ ngày càng mang tính cấp bách vì sau hai vòng bầu cử địa phương vào ngày 15/3 và 28/6, đã xuất hiện những thị trưởng và ủy viên hội đồng ủng hộ chủ nghĩa cộng đồng Hồi giáo cực đoan với những hành vi đáng nghi vấn.

Xuất hiện ngay từ thập kỷ 1990-2000, xu hướng bảo vệ chủ nghĩa cộng đồng cực đoan hoặc phong trào ly khai đã trở thành chủ đề thời sự được quan tâm hàng đầu trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2017, đặc biệt với các ứng cử viên công khai ủng hộ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Sau đó, trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019, Liên minh Dân chủ Hồi giáo Pháp (UDMF) đã chiếm được số phiếu bầu kỷ lục trong lịch sử của mình.

Dù chiếm chưa đến 0,5% tổng số phiếu toàn quốc, song số phiếu dành cho UDMF cao hơn rất nhiều ở một số địa phương: 16,74% ở Val- Fourré, 7,43% ở Garges-lès-Gonesse, 6,68% ở Montereau-Fault-Yonne, 6,39% ở La Courneuve và 6,36% ở Chanteloup-les-Vignes.

Vào mùa Thu năm 2019, Chủ tịch Hội đồng vùng Haut-de-France Xavier Bertrand và thượng nghị sỹ Bruno Retailleau thậm chí đã đề nghị cấm những nhóm ứng cử viên ủng hộ chủ nghĩa cộng đồng cực đoan hoặc ly khai tham gia tranh cử tại địa phương.

Tuy nhiên, tại hội nghị các thị trưởng Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã bác bỏ đề nghị trên và nhấn mạnh rằng không thể dùng lệnh cấm để xóa bỏ những tư tưởng cực đoan.

Dù hiện tượng này chỉ mới chiếm tỷ lệ rất nhỏ - Bộ Nội vụ Pháp thống kê được khoảng 15 nhóm ứng cử viên có xu hướng cực đoan hóa trong kỳ bầu cử địa phương vừa qua, song từ năm 2017, Tổng thống Macron đã luôn cảnh báo về những tư tưởng trên, và nhấn mạnh với giới chức địa phương rằng "không thể nhượng bất kỳ tấc đất nào của nước Cộng hòa cho những người đề nghị rời bỏ nền Cộng hòa."

Bộ trưởng Nội vụ Darmanin hiện đang duy trì cuộc họp thường kỳ với các Tỉnh trưởng của năm tỉnh - con số có thể tăng lên trong tương lai: Nord, Rhône, Hauts-de-Seine, Seine-Saint-Denis và Val-d'Oise.

Bộ Nội vụ đặc biệt quan tâm đến ba đối tượng là các nhóm tranh cử vào hội đồng địa phương có khuynh hướng cực đoan hóa, các ứng cử viên theo nhóm thế tục nhưng nhạy cảm với luận điểm Hồi giáo, và cuối cùng là sức ép mà một số nơi thờ tự hoặc hiệp hội tôn giáo gây ra.

Thậm chí còn có những nhóm ứng cử viên có những hoạt động gần gũi với Liên minh tôn giáo Thổ Nhĩ Kỳ-Hồi giáo (DITIB), vốn được cho là có mối liên hệ với Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bối cảnh mối quan hệ Pháp-Thổ hiện khá căng thẳng và quá trình cực đoan hóa đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, mối liên hệ giữa các ứng cử viên Pháp và Ankara được đặc biệt chú ý.

Một vài nhóm tranh cử được dẫn đầu bởi những nhân vật gây tranh cãi. Chẳng hạn tại Saint-Étienne-du-Rouvray, một nhóm như trên đã chiếm 13,69% số phiếu bầu với 2 người trúng cử.

Người đứng đầu nhóm, dù tự xưng là "thế tục" với vai trò tuyên úy tôn giáo tại nhà tù Rouen, lại đã từng mở một hiệu sách Hồi giáo và là tác giả của các tuyên bố chống Do Thái và chống Israel trong quá khứ.

Ông này cũng giảng dạy tại Viện Khoa học Nhân văn châu Âu ở Saint-Denis, được lãnh đạo một cơ quan tình báo mô tả là “ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo,” một tổ chức bị Ai Cập liệt vào danh sách khủng bố.

Đối với những cá nhân bị cô lập trong những nhóm truyền thống, có thể lấy ví dụ, tại Vénissieux, có một ứng cử viên được đưa vào nhóm thuộc đảng Nền Cộng hòa tiến bước (LREM) của Tổng thống Macron.

Ông là người duy nhất đã tranh cử trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2017 vói danh nghĩa thành viên của Đảng Bình đẳng và Công lý, theo đường lối Hồi giáo bảo thủ, và được mô tả là gần gũi với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Bên cạnh đó, trước các sức ép, tại một số thành phố, các nhà thờ Hồi giáo đã đưa ra định hướng bỏ phiếu hoặc khuyến khích tín đồ đăng ký danh sách cử tri để tác động đến số phiếu.

Trước những hiện tượng trên, Nhà nước Pháp đang tăng cường thực hiện quyền kiểm soát trước cuộc bầu cử địa phương, thậm chí trong các hoạt đông tuyên truyền của các đảng phái.

Các cử tri được lưu ý rằng việc lựa chọn các ứng cử viên "là một trách nhiệm chính trị" đối với tương lai của quốc gia.

Sau bầu cử, Nhà nước kiểm soát nghiêm ngặt về tính hợp pháp đối với các quan chức được bầu và các địa phương mà những cá nhân có vấn đề đang làm việc.

Việc kiểm soát tính hợp pháp này liên quan đến chủ nghĩa thế tục, bình đẳng giới, quy hoạch đô thị (giấy phép xây dựng, đặc biệt là nơi thờ tự), giáo dục (các trường học tư ngoài hợp đồng với Nhà nước, không dạy theo chương trình chung).

Một quan chức dân cử tại Paris nhận định rằng vấn đề cốt yếu nằm ở các khoản trợ cấp công được phân phối cho các thành phố khó khăn.

Theo các chuyên gia, trợ cấp Nhà nước phải được gắn với điều kiện. Dự luật chống phong trào ly khai quy định rằng để có quyền nhận các khoản trợ cấp trên, mỗi hiệp hội sẽ phải ký một bản cam kết tôn trọng các giá trị nền Cộng hòa.

Việc từ chối ký kết sẽ khiến hiệp hội đó không thể tiếp cận quỹ trợ cấp và sự vi phạm điều lệ đã cam kết sẽ dẫn đến việc ngừng cấp vốn.

Tại tỉnh Hérault, chính quyền đã thiết lập một một điều lệ về chủ nghĩa thế tục mà các hiệp hội phải ký kết, trong đó được ghi rõ rằng "không một tôn giáo hoặc hệ tư tưởng nào có thể áp đặt đạo lý của mình cho nền Cộng hòa.”

Giải pháp này có tác dụng làm rõ tình hình, song không ngăn chặn được sự cố tình giấu mặt. Nhà nước vẫn phải tăng cường quản lý các mạng lưới hiệp hội và các lãnh đạo của chúng, nhất là liên quan đến vấn đề tiền bạc và trợ cấp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục