Phật giáo vùng Mekong tăng hợp tác bảo vệ môi trường và di sản

Phật giáo các nước vùng Mekong cần bảo tồn và tôn tạo những giá trị di sản văn hóa Phật giáo của đất nước mình, đồng thời đoàn kết và có hành động cụ thể bảo vệ môi trường sinh thái sông Mekong.
Phật giáo vùng Mekong tăng hợp tác bảo vệ môi trường và di sản ảnh 1Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 13/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn-Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế "Phật giáo vùng Mekong: Lịch sử và phát triển."

Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu là các giảng viên, nhà khoa học, nhà quản lý và công tác tôn giáo, giới nghiên cứu Phật học trên khắp cả nước và quốc tế tham gia, trong đó có hơn 40 đại biểu là các nhà nghiên cứu Phật giáo đến từ các nước Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào...

Phó giáo sư-tiến sỹ Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn-Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết tại hội thảo, nhiều vấn đề học thuật thú vị về Phật giáo vùng Mekong với những chủ đề như quá trình du nhập và phát triển; quá trình giao lưu và hội nhập; những di sản văn hóa cần bảo tồn và nghiên cứu; vấn đề môi trường, bảo vệ, ứng xử môi trường; vấn đề toàn cầu hóa và phát triển bền vững.

Hội thảo đề cập đến nhiều vấn đề nóng bỏng và thiết thực, ảnh hưởng trực tiếp với đời sống con người như vấn đề môi trường, môi sinh của sông Mekong đang bị ô nhiễm; những di tích Phật giáo vùng Mekong hiện có nguy cơ bị hủy hoại hoặc bị mai một dưới tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và xâm hại của con người...

Phát biểu tại phiên toàn thể hội thảo, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam nhấn mạnh đứng trước các thách thức của những hiểm họa về môi trường tại khu vực Mekong, các nhà nghiên cứu Phật học và các học giả thể hiện sự quan tâm đến các mục tiêu xây dựng môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực, định hướng sự phát triển kinh tế vững chắc, đồng thời đảm bảo sự hài hòa, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế của các quốc gia tiểu vùng Mekong và bảo vệ môi trường của toàn khu vực.

Theo Hòa thượng Thích Trí Quảng, ngoài những hợp tác chặt chẽ của Chính phủ các nước tiểu vùng Mekong, các Giáo hội và cộng đồng Phật giáo trong khu vực cần hợp tác chặt chẽ, góp phần duy trì hòa bình và bảo vệ môi trường, gìn giữ các di sản văn hóa, phát triển bền vững trong khu vực và trên thế giới.

Phật giáo vùng Mekong tăng hợp tác bảo vệ môi trường và di sản ảnh 2Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Thông qua hội thảo, Hòa thượng Thích Trí Quảng mong muốn các đại biểu nỗ lực trao đổi, chia sẻ để hướng đến các mục tiêu: tăng cường kết nối Phật giáo trong tiểu vùng Mekong với Phật giáo trong khu vực và trên thế giới; tăng cường hợp tác bảo vệ môi trường vì Mekong xanh; tăng cường các chương trình giao lưu văn hóa, giao lưu Giáo hội Phật giáo, giao lưu quần chúng Phật tử giữa các nước tiểu vùng Mekong; đẩy mạnh sự hợp tác về phát triển nguồn nhân lực, củng cố tình hữu nghị, đoàn kết giữa các nước lưu vực sông Mekong.

Các đại biểu cho rằng, Phật giáo các nước vùng Mekong cần bảo tồn và tôn tạo những giá trị di sản văn hóa Phật giáo của đất nước mình, nhất là đối với những di sản đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Mặt khác, Phật giáo các nước cần đoàn kết và thống nhất lập trường, cùng có những hành động cụ thể trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh thái của dòng sông Mekong, nhất là thực hiện những định hướng mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc đề ra.

Tại hội thảo, các đại biểu, học giả cũng thảo luận, trao đổi nhằm tìm ra những mối quan hệ tương quan, những điểm tương đồng và khác biệt giữa Phật giáo của cá nước thuộc vùng Mekong, chỉ ra bản sắc riêng của Phật giáo tại mỗi quốc gia dân tộc, với mục đích hướng đến tương lai, góp phần phụng sự cho đất nước và nhân dân trong khu vực, hướng đến một đời sống hòa bình, an lạc, hướng thiện cho nhân loại, cho tất cả các dân tộc trong khu vực, với sự phát triển bền vững trong thời đại hội nhập toàn cầu hóa như hiện nay./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục