Phát hiện loài cá mập 'tí hon' có thể phát sáng tại Vịnh Mexico

Loài “cá mập túi châu Mỹ” này có chiều dài chỉ khoảng 14cm,có 2 “túi” nằm gần mang, từ đây cá có thể phóng ra một loại chất lỏng phát sáng trong đêm để vừa có thể lẩn trốn vừa thu hút con mồi.
Phát hiện loài cá mập 'tí hon' có thể phát sáng tại Vịnh Mexico ảnh 1Cá mập tí hon vừa được phát hiện. (Nguồn: sciencealert.com)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, một nhóm các nhà khoa học thuộc trường Đại học Florida, Đại học Tulane và Cơ quan Hải dương và Khí quyển quốc gia (NOAA) của Mỹ vừa phát hiện một loại cá mập nhỏ có thể phát sáng trong đêm tại Vịnh Mexico.

Phát hiện được công bố trên tạp chí chuyên ngành Zootaxa, theo đó loài “cá mập túi châu Mỹ” này có chiều dài cơ thể chỉ khoảng 14cm.

Tên gọi của loài cá này xuất phát từ đặc điểm có 2 “túi” nằm gần mang, từ đây cá có thể phóng ra một loại chất lỏng phát sáng trong đêm để vừa có thể lẩn trốn vừa thu hút con mồi.

Tên khoa học của loài cá săn mồi này là “Mollisquama mississippiensis.”

[Ecuador phát hiện một 'vườn trẻ' cá nhám búa ở giữa đại dương]

Nhà khoa học Mark Grace cho biết từ trước đến nay mới chỉ có 2 lần bắt được cá mập này và ở 2 đại dương khác nhau. Lần đầu tiên bắt được một cá mập túi năm 1979 tại phía Đông Thái Bình Dương và hiện mẫu vật cá này đang thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Động vật Saint Peterburg (Nga). Lần thứ hai bắt được vào năm 2010 trong một đợt nghiên cứu về nguồn thức ăn của cá voi tại Vịnh Mexico (Đại Tây Dương).

Năm 2015, xác của sinh vật này được chuyển tới Viện Nghiên cứu Đa dạng sinh học thuộc trường Đại học Tulane ở New Orleans, nơi các nhà khoa học nghiên cứu kết hợp kiểm tra thực địa để đi tới khẳng định sự tồn tại của loài cá mới này.

Giám đốc Viện Nghiên cứu Đa dạng sinh học Đại học Tulane - ông Henry Bart nhận định: “Phát hiện này cho thấy chúng ta vẫn còn hiểu biết rất ít về Vịnh Mexico, đặc biệt là tại các vùng biển sâu, nơi chắc hẳn vẫn còn nhiều loài sinh vật mới chờ được khám phá”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục