Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Chiều 13/1, Chủ tịch UBTƯ MTTQVN đọc tham luận: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội.
Tại phiên họp chiều 13/1, Đại hội XI của Đảng, ông Huỳnh Đảm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày tham luận về vấn đề: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

TTXVN xin trích giới thiệu bài tham luận của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

... Đại đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam, được hun đúc trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước; là một trong những bài học lớn của cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để tăng cường và phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu của sự nghiệp cách mạng, Đảng và Bác Hồ đã sáng lập và lãnh đạo tổ chức Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, cũng như trong suốt 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, Nhà nước đã thể chế hóa nhiều chính sách, pháp luật để chăm lo các giai tầng trong xã hội, tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân.

Tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân là một trong những nhân tố hết sức quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, cũng như góp phần làm nên những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước qua 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Để sớm đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội, một trong những đòi hỏi không thể thiếu đó là phải tiếp tục tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường, mở rộng và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân trong thời kỳ mới . Việc này đòi hỏi:

- Trước hết, Đảng cần quan tâm lãnh đạo quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc và về Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam theo quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, vì hiện nay, nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về vấn đề này còn nhiều hạn chế, dẫn đến chưa quan tâm đúng mức đến việc chăm lo khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Đảng cần quan tâm lãnh đạo kịp thời cụ thể hóa, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng thành những chính sách, pháp luật, quy định cụ thể về đại đoàn kết toàn dân tộc và về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất là những chính sách, pháp luật, quy định liên quan đến từng giai cấp, tầng lớp, đặc biệt là đối với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, doanh nhân, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài…

- Đảng cần quan tâm lãnh đạo tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” một cách thiết thực, đi vào chiều sâu; ngăn chặn suy thoái phẩm chất, đạo đức, lối sống, đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu xa rời quần chúng của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

- Đảng cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể; thực hiện tốt vai trò Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc luôn gắn liền với yêu cầu mở rộng dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội và giữ vững kỷ cương trong đời sống xã hội, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... ở tất cả các cấp, các ngành. Do vậy, Đảng cần tăng cường lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, các cấp chính quyền chăm lo phát huy và bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân theo pháp luật, tăng cường đồng thuận xã hội; đồng thời, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh những biểu hiện vi phạm quyền dân chủ của nhân dân, cũng như những biểu hiện lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, kích động nhân dân, gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị, xã hội và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Trước yêu cầu đổi mới, chỉ có mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa thực sự mới có đồng thuận xã hội và đoàn kết thực sự, bền vững; cần thực hiện dân chủ và đoàn kết từ trong Đảng ra toàn xã hội; thực hiện thật tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; kết hợp thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng với nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức Mặt trận nhằm làm phong phú thêm nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Đảng cần quan tâm lãnh đạo xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể, nhất là cán bộ chủ chốt ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Đảng và Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cả về cơ chế, chế độ, chính sách, điều kiện, phương tiện làm việc để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy vai trò “rất quan trọng” của mình đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng, pháp luật của Nhà nước và trong thực tiễn đời sống xã hội, nay tiếp tục được khẳng định trong dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển) và dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội.

Đó là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân, thắt chặt mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

- Đảng cần lãnh đạo sớm cụ thể hóa, thể chế hóa các quy định để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục