Phát huy vai trò tổ chức Đảng ở cơ sở trong phòng, chống tham nhũng

Để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đạt được mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đưa ra, cần kết hợp các nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài.
Phát huy vai trò tổ chức Đảng ở cơ sở trong phòng, chống tham nhũng ảnh 1Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong khối cơ quan - doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên. (Ảnh minh họa: Mai Ngoan/TTXVN)

Theo dõi Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, nhân dân tỉnh Nam Định vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng, chỉnh đốn Đảng của đất nước thời gian qua; đồng thời tin tưởng vào những chủ trương, định hướng phát triển đất nước thời kỳ mới vừa được thảo luận tại Hội nghị này. 

Cán bộ, đảng viên địa phương cũng đưa ra những đề xuất để phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Đảng ở cơ sở trong phòng, chống tham nhũng, vi phạm, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa"...

Nâng cao vai trò tổ chức Đảng ở cơ sở

Ông Nguyễn Quang Hoạt (đảng viên gần 45 năm tuổi đảng), Chánh Văn phòng Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Nam Định nhìn nhận Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng vì đã đưa ra bàn thảo nhiều vấn đề mang tính chất sống còn của đất nước như công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng... mang lại niềm tin cho nhân dân.

Tại Hội nghị Trung ương 6 cũng đã quyết định thi hành kỷ luật, để những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương. Đây là việc làm rất mới, thể hiện sự cương quyết, đúng đắn để giữ gìn uy tín, sự trong sạch, lớn mạnh của Đảng.

Theo ông Hoạt, để công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng và những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" thực sự hiệu quả, cần phát huy vai trò của tổ chức Đảng ở cơ sở; đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt Chi bộ theo hướng thiết thực, phù hợp.

[Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương]

Thực tế cho thấy không ít các buổi sinh hoạt chi bộ mới chỉ đi vào những vấn đề thường niên như phổ biến các văn bản của Đảng; quán triệt việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Đảng, đảng viên. Trong khi tinh thần phê bình, tự phê bình, tính chiến đấu của đảng viên còn yếu.

Trong sinh hoạt Đảng, các đảng viên dù nắm được những vấn đề tồn tại, bất cập diễn ra trên địa bàn như ô nhiễm môi trường, tình trạng lấn chiếm đất đai, song không phản ánh với Ban Chi ủy, nhất là trong Chi bộ có cả đảng viên là lãnh đạo, quản lý cấp ủy cấp trên sinh hoạt cùng.

Ông Hoạt cho rằng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn cán bộ, đảng viên vi phạm quy định, cần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở; thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.

Tổ chức Đảng cần gắn sinh hoạt Đảng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và đảng viên; quan tâm, tìm cách xử lý, giải quyết những vấn đề tồn đọng ở địa phương, đơn vị; phát huy hơn nữa vai trò của công tác kiểm tra, giám sát tại tổ chức Đảng ở cơ sở nhằm phát hiện kịp thời những biểu hiện lệch lạc của cán bộ, đảng viên để kịp thời uốn nắn, giáo dục, ngăn chặn.

Hiện nay, nhiều địa phương đang thực hiện việc cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp ủy cấp trên tham gia sinh hoạt Đảng tại khu dân cư. Tuy nhiên, Trung ương cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để Chi bộ thực hiện kiểm tra, giám sát đối với những đảng viên này, tránh tình trạng né tránh do tâm lý nể nang, ngại va chạm...

Còn theo đảng viên Nguyễn Văn Chiến ở Tổ dân phố số 5, phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định, trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, cần nêu cao vai trò kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng mà đảng viên là lãnh đạo, quản lý đang sinh hoạt; khuyến khích ý thức đấu tranh, tố cáo sai phạm, tiêu cực của nhân dân, báo chí, nhất là phải có cơ chế bảo vệ những người tố cáo sai phạm, tham nhũng. 

Đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phát huy vai trò nêu gương, trung thực, ý thức trách nhiệm trong thực hiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước...

Tạo đà cho sự phát triển

Theo sát các vấn đề được bàn thảo, quyết định tại Hội nghị Trung ương 6, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Trường Chinh, tỉnh Nam Định đánh giá Hội nghị xác định tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, xem đây là một yêu cầu tất yếu khách quan, nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước... có ý nghĩa lớn, tạo đà cho sự phát triển của đất nước.

Phát huy vai trò tổ chức Đảng ở cơ sở trong phòng, chống tham nhũng ảnh 2Hội nghị tổng kết công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh 5 năm (giai đoạn 2016-2020) tại Nam Định. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Tiến sỹ Vũ Ngọc Hoàng cho hay quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, vẫn chưa đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Chính vì vậy, Đại hội XIII của Đảng đã xác định trong bối cảnh mới, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, cần tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo là cần thiết đối với nước ta hiện nay và phù hợp với xu thế tiến bộ của nhân loại.

Để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đạt được mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đưa ra, cần kết hợp các nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài; gắn kết chặt chẽ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với xây dựng nông thôn mới, phát triển văn hóa, xã hội, con người, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; sử dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất; tập trung đầu tư công nghệ cho ngành công nghiệp phụ trợ...

Về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo Tiến sỹ Vũ Ngọc Hoàng, trong giai đoạn mới cần hoàn thiện các yếu tố đặc trưng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tập trung cải cách bộ máy Nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng tiêu chuẩn, năng lực, đồng bộ, đạo đức; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...

Ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thuỷ sản Lenger Việt Nam (Cụm Công nghiệp An Xá, thành phố Nam Định) hy vọng, việc xây dựng và từng bước hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sẽ mang lại niềm tin, sự yên tâm cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Vì các doanh nghiệp sẽ căn cứ vào quy hoạch được ban hành để xác định chủ trương, chiến lược, kế hoạch đầu tư sản xuất, kinh doanh nhằm tận dụng tối đa lợi thế của từng vùng, miền, địa phương để phát triển, mở rộng sản xuất.

Theo ông Nguyên, các quy hoạch huyện, tỉnh, vùng, miền cần có sự phù hợp, thống nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia để tránh sự thay đổi trong công tác quy hoạch, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội nói chung và sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp nói riêng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục