Trưa 12/11, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng và đã thành công tốt đẹp.
Đây là lần đầu tiên các bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ thực hiện trả lời chất vấn trước Quốc hội khóa XV.
171 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường
Nhìn vào 4 lĩnh vực: y tế; lao động-thương binh và xã hội; giáo dục và đào tạo; kế hoạch và đầu tư được Quốc hội lựa chọn để chất vấn lần đầu tiên tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa mới có thể thấy đó đều là những vấn đề nóng bỏng của đời sống, đang được cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm theo dõi.
Điều đáng chú ý là trong 4 lĩnh vực được lựa chọn chất vấn, có tới 3 lĩnh vực liên quan đến vấn đề xã hội, chỉ có một nội dung liên quan đến lĩnh vực kinh tế. Đây là một điểm khác với trước đây thường cân đối 4 nội dung sẽ có 2 vấn đề xã hội và 2 vấn đề về kinh tế.
Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, "Quốc hội lựa chọn rất tinh tế, tựu trung lại có hai vấn đề mà đại biểu Quốc hội cũng như đồng bào, cử tri cả nước quan tâm là vấn đề phòng, chống dịch như thế nào, tác động đến vấn đề kinh tế-xã hội ra làm sao."
Cùng với các Bộ trưởng chịu trách nhiệm trả lời chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cùng tham gia trả lời, làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Qua 2,5 ngày thực hiện chất vấn, đã có 134 lượt đại biểu tham gia chất vấn; 171 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường. Các đại biểu Quốc hội hỏi nhưng chưa được trả lời hoặc nhiều đại biểu đăng ký nhưng do hết thời gian nên chưa được chất vấn sẽ gửi câu hỏi đến Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ để được trả lời bằng văn bản.
Đi đến cùng vấn đề người dân quan tâm
Theo dõi 2,5 ngày tiến hành chất vấn, có thể thấy cả 4 lĩnh vực đều được đại biểu chất vấn thẳng thắn, trực diện, có sự trao đi đổi lại. Những vấn đề then chốt của từng lĩnh vực như chính sách và giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế trong tình hình mới; việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch COVID-19; chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược vaccine trong thời gian tới hay giải pháp tổng thể để phục hồi, phát triển thị trường lao động trong cả nước đều được phân tích, mổ xẻ để đi đến cùng của vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm.
Đã không ít lần, không khí nghị trường nóng lên bởi đại biểu Quốc hội không ngại ngần khi đặt những câu hỏi là những vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đó là việc dạy thêm, học thêm trực tuyến trong mùa dịch; tiêu cực của ngành y trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng như việc giải ngân vốn ODA còn đạt thấp so với kế hoạch hay tình trạng “phát nhầm” và “nhận nhầm” tiền hỗ trợ tại một số địa phương... Tất cả những câu hỏi mang đến nghị trường đều cho thấy sự trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trước các vấn đề người dân quan tâm.
Có một điều thể hiện rất rõ tại phiên chất vấn là sự trách nhiệm, công tâm đối với từng nội dung được đề cập trước Quốc hội. Từ sự trao đi đổi lại thẳng thắn, các tư lệnh ngành nhìn rõ vấn đề đang đặt ra trong thực tế để nghiên cứu, có các quyết sách phù hợp hơn trong quản lý, điều hành, đáp ứng niềm tin, sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.
[Chủ tịch Quốc hội: Chất vấn là hoạt động giám sát trực tiếp hiệu quả]
Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) nêu lên một thực tế dù đã nghiêm cấm nhưng gần đây đã xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến trong mùa dịch, thậm chí có tình trạng học sinh bị ép học thêm trực tuyến khiến cử tri bức xúc.
Thẳng thắn trong trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định việc dạy thêm, học thêm là việc mà ngành ngăn chặn, nghiêm cấm.
“Quan điểm là chúng tôi sẽ tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và có đầy đủ các căn cứ để tích cực ngăn chặn việc này," Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên vấn đề này ở một góc độ khác, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) thấy rằng nếu giáo viên dạy thêm mà không dạy trước chương trình, dạy kèm học sinh giỏi, bồi dưỡng cũng sẽ giúp nâng cao tay nghề giáo viên, tăng thu nhập.
Theo đại biểu, học thêm là nhu cầu có thật của nhiều phụ huynh và học sinh, do đó Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu lại trên góc độ quản lý nhà nước để có những quy định, hướng dẫn cụ thể, tránh dạy và học thêm tràn lan chứ không phải ngăn cấm hoàn toàn.
Trong quá trình trao đổi, làm sáng tỏ vấn đề, nhiều nội dung đã được tiếp tục tranh luận lại để làm rõ hơn, đi đến cùng của vấn đề mà dư luận đang quan tâm. Đặt vấn đề về những tiêu cực ngành y thời gian qua trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế có nguyên nhân do thiếu kiến thức trong công tác quản lý, quản trị của người đứng đầu bệnh viện, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận định: bác sỹ làm chuyên môn giỏi nhưng chưa chắc đã quản trị tốt và chất vấn Bộ trưởng có ý kiến gì về đến lúc có thể tách bạch giữa quản trị, quản lý với chuyên môn riêng.
Giải đáp câu hỏi này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay Luật Khám, chữa bệnh và các hướng dẫn của Bộ Y tế đã cố gắng tách bạch riêng người quản lý về mặt tài chính. Song, một số địa phương do vấn đề về mặt tổ chức quản lý y tế theo địa bàn và quản lý nhân sự ở địa bàn đó là do Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố nên Bộ Y tế không chỉ đạo được.
Tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ, các cơ quan để minh bạch hóa toàn bộ quá trình đó, xây dựng các quy định, thể chế để cố gắng hạn chế tối đa những vấn đề sai phạm như trong thời gian qua.
Chưa đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Y tế, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) tranh luận lại: “Bộ trưởng có nêu lên vấn đề giải pháp tôi thấy chưa thỏa đáng."
Theo đại biểu, dù có phân công cho cấp phó, khi có sai phạm, người đứng trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm, quy trách nhiệm người đứng đầu. Nhiều việc có phân quyền, phân cấp cho phó, nhưng trưởng vẫn không thể không quyết định trong những tình huống khẩn cấp.
Làm rõ phần tranh luận này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thẳng thắn khẳng định người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện các hoạt động trong đơn vị của mình, kể cả những sai phạm.
Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, trưởng ngành với ý thức trách nhiệm cao đã trả lời nghiêm túc, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu trong quá trình chất vấn, đồng thời nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của mình, của ngành mình, lĩnh vực mình đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Đổi mới để nâng chất lượng hoạt động của Quốc hội
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhận được sự tán thành, đánh giá cao từ các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân cả nước.
Ở vị trí chủ tọa, điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu Quốc hội và cử tri.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhận xét Chủ tịch Quốc hội điều hành rất linh hoạt, không máy móc. Để tăng tính đối thoại trong hội trường, tất cả người tranh luận đều được mời ngay.
Theo đại biểu, đã có sự định hướng rất linh hoạt từ người điều hành bởi có những nội dung đại biểu hỏi nhiều khiến Bộ trưởng có thể trả lời chưa hết, chưa trúng, Chủ tịch Vương Đình Huệ với vai trò điều hành đã nhắc các Bộ trưởng những nội dung cần trả lời để các đại biểu đều cảm thấy hài lòng với câu trả lời.
Đã từng ngồi "ghế nóng," sự chia sẻ, thấu hiểu của Chủ tịch Vương Đình Huệ đối với các tư lệnh ngành thể hiện rất rõ khi bắt đầu tiến hành chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị "mỗi đại biểu Quốc hội chỉ nên lựa chọn một hoặc vài vấn đề tâm đắc nhất, quan trọng nhất để hỏi và cố gắng có tốc độ nêu vừa phải, rõ ràng để Bộ trưởng và trưởng ngành có thể ghi chép và lĩnh hội được vấn đề cần chất vấn của đại biểu Quốc hội."
Trong quá trình điều hành, để tăng hiệu quả, hợp lý, Chủ tịch Vương Đình Huệ đã đề xuất điều chỉ tối đa mỗi lần 3 đại biểu nêu câu hỏi để các vị bộ trưởng, trưởng ngành có thể ghi chép được đầy đủ những nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Rút kinh nghiệm từ các lần trước về việc tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu không dùng quyền tranh luận để tranh thủ đặt câu hỏi chất vấn và tiến hành tranh luận với bộ trưởng chứ không tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội với nhau, để dành nhiều thời gian cho bộ trưởng trả lời những vấn đề thuộc trách nhiệm giải trình của ngành, lĩnh vực với tư cách là người đứng đầu, tránh việc chất vấn và trả lời chất vấn thành phiên thảo luận.
Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân Thủ đô đánh giá Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn rất khoa học, linh hoạt. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi để làm rõ thêm những vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng và đi thẳng vào nội dung chất vấn.
Cử tri Phạm Văn Hoàng, Trưởng ban Dân vận thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai nhìn nhận phiên chất vấn tại kỳ họp lần này rất đổi mới, đại biểu Quốc hội chất vấn trọng tâm nội dung mà Đoàn Chủ tịch gợi ý. Nội dung đều có ý kiến xây dựng gợi mở, kể cả ý kiến tranh luận của các đại biểu đều hướng đến các nội dung xây dựng. Chủ tọa điều hành phiên chất vất rất linh hoạt, kỹ lưỡng từng câu chữ, sâu sắc từng nội dung. Sau mỗi ý kiến trả lời chất vấn, chủ tọa đã nêu những nội dung mà bộ trưởng chưa trả lời theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, từ đó tạo điều kiện cho các bộ tưởng nghiên cứu bổ sung thêm.
Sau phiên chất vấn đối với từng Bộ trưởng, chủ tọa dành thời gian để tóm tắt, đánh giá nội dung chất vấn và trả lời chất vấn một cách sâu sắc để có cơ sở cho Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vất và trả lời chất vấn cho sát đúng với nội dung.
Nhiều cử tri Thừa Thiên-Huế đánh giá các đại biểu đặt câu hỏi và các Bộ trưởng trả lời rất thẳng thắn, không né tránh những thiếu sót, hạn chế và đưa ra những giải pháp thiết thực để giải quyết. Đặc biệt, nhiều đại biểu đã tranh luận sôi nổi để làm rõ các vấn đề mà cử tri quan tâm.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hoạt động chất vấn trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua đã liên tục được đổi mới để nâng cao hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi chung của việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội tại các kỳ họp, làm cho hoạt động chất vấn không chỉ đơn thuần là một hình thức hoạt động giám sát, tăng cường trách nhiệm giải trình, nhất là của người đứng đầu, mà còn là một dịp để tương tác, bổ trợ cho hoạt động giám sát khác, cũng như thực hiện chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia của Quốc hội.
Thành công của phiên họp chất vấn lần này là một yếu tố để đảm bảo cho thành công của Kỳ họp thứ 2. Kết quả của phiên chất vấn đầu tiên này trong nhiệm kỳ cũng là tiền đề tiếp tục rút kinh nghiệm cho các phiên chất vấn của các kỳ họp sau được tốt hơn./.