Phiên chợ cuối năm trên cao nguyên đá Đồng Văn

Đến với Đồng Văn, ai cũng muốn có một lần được sống cùng không khí chợ phiên vùng cao và đặc biệt là với phiên chợ cuối năm nơi đây.
Đồng Văn, vùng đất địa đầu của tỉnh Hà Giang và cũng là nơi địa đầu của Tổ quốc. Nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang 144km, Đồng Văn đã và đang trở nên thân thuộc với tên gọi Cao nguyên Đồng Văn- miền đất hứa về tiềm năng phát triển du lịch và kinh tế nơi cực Bắc của đất nước hình chữ S.

Đến với Đồng Văn, ai cũng muốn có một lần được sống cùng không khí chợ phiên vùng cao. Chợ phiên Đồng Văn, Sà Phìn… luôn tấp nập đông vui, mỗi tuần một lần. Từ sáng tinh mơ, khắp các nẻo đường về chợ đã vang tiếng lọc cọc của vó ngựa thồ hàng, tiếng người í ới gọi nhau bằng các ngữ Mông, Mán, Giấy, Tày…

Chợ là nơi giao lưu văn hoá, nơi các đôi trai gái tìm đến với nhau qua tiếng hát giao duyên; nơi để nhân dân các dân tộc trong vùng thể hiện và thưởng thức các món ăn dân tộc đặc trưng như mèn mén, cháo ấu tẩu, thắng cố… Chợ cũng là nơi để bà con các dân tộc mang đền trao đổi, mua bán những sản phẩm do tự tay họ làm ra ở “vùng đất thừa đá thiếu nước” như ấu trùng ong, mật ong hoa bạc hà, chè Lũng Phìn…

Chợ phiên Đồng Văn áp phiên chợ 30 Tết được coi là phiên chợ chính nhất trong cả năm. Đường đất đi lại ở vùng núi cao buộc người ta phải tính toán. Phiên chợ 30 Tết không cho phép ai đó ở xa mải vui, mải chơi, nhất là khi “rượu ngô, men lá, thuốc lá em quấn” mà quên mất lối về gia đình trước khi năm cũ đi ra khỏi nhà, khỏi bản. Vì vậy, chợ ngày cuối cùng của năm cũ chỉ có bà con ở gần chợ mới đi. Chợ phiên áp Tết, ai cũng có cả tuần thời gian để đi về, để vui chơi chuẩn bị cho năm mới nên ở xa mấy cũng vượt đèo, dốc mà rủ nhau đi, về.

Chợ huyện Đồng Văn - từ lâu rồi vẫn là nơi họp chợ phiên của bà con các dân tộc. Mấy năm gần đây, huyện muốn giữ gìn khu chợ cũ cùng dãy phố cổ để phát triển du lịch trong tương lai nên lập khu chợ mới bên kia đường với diện tích rộng gấp hơn chục lần để người dân họp chợ.

Trên tuyến đường phố huyện, từng dòng người đang rảo bước trong sương mù với những loại hàng hóa “của nhà làm được” mang đến chợ. Chợ họp cả ngày, ai dậy sơm đi sớm, dậy muộn thì đi muộn thôi. Sương tan dần, tầm nhìn cũng xa hơn, mặt người cũng nhìn rõ dần. Trên đường dẫn vào khu chợ, các đoàn người xuống chợ ngày một nhiều.

Tôi sững sờ trước sự trưng diện của các cô gái người các dân tộc xuống chợ. Các cô gái người Mông hoa, Mông đỏ, Mông đen (phân biệt theo mầu sắc trang phục trên người), người Mán, người Giáy…không ngại mưa phùn gió bắc như muốn phô với mọi người bộ váy áo mình mặc trên người trong ngày chợ phiên. Nước da trắng của cô gái Mông, gái Tày, gái Mán…như càng nổi bật lên trong mầu áo trắng của cô gái Mông, mầu áo đen được điểm bằng những tua dây mầu đỏ của cô gái Mán, hay màu nhung đen xẫm của thiếu nữ Tày…Họ đi tay không, không gùi hàng nên tôi nghĩ là họ đi chơi chợ và nếu may mắn sẽ tìm được bạn tình.

Những chàng trai Mông trong bộ quần áo mầu đen, mũ cũng đen; nách cắp theo chú lợn đen nhỏ hoặc một túi hàng nông sản gì đó được bỏ gọn trong chiếc bao vắt vai hoặc đung đưa trên vai hai giỏ tre đựng đôi ba con gà…xuống chợ.

Chẳng ai biết, những thứ đem theo người các chàng trai, khi tan chợ có còn được bao tiền sau khi ngồi vào hàng “thắng cố” cùng say sưa với can rượu ngô. Và, cũng không ai biết, họ sẽ đi như thế nào để về đến bản ở tít tận lưng núi xa xa. Chợ phiên vùng cao đông vui mà yên bình, không ồn ào xô bồ như phiên chợ ở vùng xuôi. Bà con các dân tộc thiểu số sống là vậy mà; vui đấy, say đấy, thích đấy nhưng không nói to, không gây lộn; ai cũng thân thiện là bạn với nhau.

Đi một vòng quanh chợ, hàng hóa bày bán chủ yếu là hàng nông sản, bà con trồng và chăn nuôi được. Gia súc, gia cầm được bán ở chợ, lớn có con trâu, con bò, con dê, con lợn, nhỏ có con chó, con gà, con chim bẫy được trên núi… Được bán nhiều nhất vẫn là những con lợn đen nuôi hàng năm mà trọng lượng cũng chỉ 5 đến 7kg; đặc biệt là những can rượu được nấu bằng ngô được xếp hàng như đoàn quân trước giờ xung trận.

Bên cạnh đó là các loại cây, quả từ thiên nhiên có tác dụng làm thuốc chữa nhiều bệnh, bổ sức khoẻ như cây mật gấu, thảo quả, củ ấu tẩu; mật ong từ hoa cây bạc hà- chỉ có ở vùng cao nguyên đá…; đồ dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp là những công cụ do người dân tộc tự rèn với chất lượng tốt, đã có thương hiệu…Chợ cũng có nhiều sạp bán vải, quần áo, giày, dép do bà con tự dệt, may hoặc nhập từ nơi khác về. Tách biệt không xa sự đông vui của cảnh người bán kẻ mua là những làn khói bốc lên trên những mái lều chợ- nơi có đông các chàng trai, cô gái, có cả những người lớn tuổi và em nhỏ đang say sưa bên chén rượu trắng hay xì xụp bên bát thắng cố còn nghi ngút khói.

Trên gương mặt ai cũng thấy sự hài lòng và mãn nguyện như họ đã đạt được mong muốn khi ra khỏi nhà xuống chợ. Tại một góc của chợ, sắc mầu của các bộ trang phục dân tộc như được đan xen vào nhau bởi từng nhóm, từng cặp nam nữ đang tán tỉnh nhau bằng những lời tỏ tình mà chỉ người đang yêu mới hiểu hết. Trong suy nghĩ của tôi, hình như họ đang hẹn nhau ngày “bắt dâu” khi mùa Xuân đến.

Quá trưa, đã có những đoàn người ra khỏi chợ. Nhiều người gùi trên vai những chiếc chảo làm bằng gang, những chiếc can nhựa to, những thứ mà họ mua được ở chợ rảo bước ra về. Số đông đi bộ; cũng có đôi ba nhóm đứng chờ đi xe ôm một đoạn đường cho kịp thời gian về nhà. Nhiều chàng trai, cô gái đang ríu rít ghi lại số điện thoại di động cho nhau, chắc để hẹn ngày gặp lại.

Chợ chưa tan nhưng người đi không vững vì rượu cũng đã có rồi. Tôi đi cùng nhóm mấy cô gái mặc trang phục Tày, các cô gái cho tôi hay, năm nào họ cũng đi chợ phiên ngày cuối năm; sau này lấy chồng rồi cũng đi. Đi chợ vui vì được gặp bạn, được chơi, được mặc váy áo đẹp, được con trai nhìn thì đi chứ.

Tạm biệt chợ phiên Đồng Văn, tạm biệt Cao nguyên đá, lòng hẹn lòng lại trở lại nơi này. Xin gửi tới những ai chưa một lần đến Đồng Văn, đi chợ phiên vùng cao lời tâm sự của một nữ thi sỹ Hà Giang: "Xin đi ngược chiều dài đất nước. Lên cao nguyên. Cực Bắc mến thương. Nơi những con đường mù sương. Mây treo trên đá. Lên cao nguyên nhìn mây trắng quá. Cao nguyên mặt trời đang rạng tỏa. Vầng hào quang ánh sáng diệu kỳ"./.

Công Hải (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục