Sáng 9/11, tại Hà Nội, Tiểu ban Kinh tế-Xã hội chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã họp Phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ; Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.
Dự phiên họp còn có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương là thành viên của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội và lãnh đạo một số địa phương.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Hội nghị Trung ương lần thứ tám Khóa XII đã quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng gồm: Tiểu ban Văn kiện; Tiểu ban Kinh tế Xã hội; Tiểu ban Điều lệ Đảng; Tiểu ban Nhân sự; Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội.
Thủ tướng nêu rõ, 51 thành viên của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội có nhiệm vụ hết sức quan trọng là xây dựng hai tài liệu: Chiến lược phát triển Kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 và Báo cáo Kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025 phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Văn kiện về Kinh tế-xã hội “phải đưa ra định hướng chiến lược cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới,” Thủ tướng nói và đề nghị các thành viên của Tiểu ban tập trung trí tuệ, thời gian, công sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ nặng nề này trong thời điểm từ nay đến Đại hội.
Do đó, việc sớm đưa Tiểu ban đi vào hoạt động là rất cần thiết nhằm triển khai khối lượng công việc lớn như Tổng kết, đánh giá kỹ thực tiễn của đất nước, đặc biệt là kết quả 10 năm, 5 năm qua; trong đó, đánh giá thẳng thắn những tồn tại, hạn chế tìm ra nguyên nhân, phân tích tình hình trong nước và thế giới, rút ra những bài học kinh nghiệm để trên cơ sở đó, đưa ra những định hướng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Các cấp ủy Đảng trong cả nước cũng quan tâm, lắng nghe về những định hướng phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian tới, Thủ tướng nói.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng các thành viên của Tiểu ban đều là những người có nhiều kinh nghiệm, trải qua nhiều cương vị công tác, lãnh đạo, quản lý, là điều kiện quan trọng để đảm bảo chất lượng thực thi các công việc của Tiểu ban.
Đưa ra những trọng tâm nhiệm vụ của Tiểu ban, Thủ tướng chỉ rõ yêu cầu gắn định hướng phát triển của đất nước với những xu hướng của thế giới như kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0; tránh để đất nước rơi vào tình trạng tụt hậu bằng việc tăng cường đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
[Sáng nay, 2/10, khai mạc Hội nghị lần thứ 8 BCH TW Đảng khóa XII]
Để đạt được mục tiêu này, theo Thủ tướng, đất nước cần có chiến lược, sách lược, lộ trình, hướng đi thực sự đột phá vươn lên, tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
“Cần có khát vọng mạnh mẽ để đưa dân tộc chúng ta tiến lên,” Thủ tướng nói và mong muốn các thành viên Tiểu ban đào sâu suy nghĩ, tìm ra những giải pháp, cách làm thực sự đổi mới, đột phá.
Trên cơ sở đó, nhắc lại mục tiêu của Phiên họp, Thủ tướng đề nghị xây dựng phương pháp, cách làm sao cho đạt hiệu quả tốt nhất trong hoạt động của Tiểu ban. Chú ý đến việc huy động các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu lớn của đất nước; tổ chức nhiều cuộc hội thảo để thu thập ý kiến vì mục tiêu xây dựng văn kiện đạt chất lượng tốt nhất, xúc tích, khoa học.
Cùng với đó là thành lập Cơ quan thường trực và Tổ Biên tập của Tiểu ban, xây dựng lộ trình tổng thể nhằm thực hiện 11 nhóm nhiệm vụ và thời gian hoàn thành các công việc quan trọng này.
Các ý kiến tại Phiên họp tán thành việc thành lập Tổ Biên tập của Tiểu ban với nền tảng là đội ngũ lãnh đạo các bộ, ngành, dự kiến gồm 6 nhóm: Tổng hợp; Kinh tế; Văn hóa-Xã hội; Tài nguyên, Môi trường, Biến đổi khí hậu; Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, pháp luật, thanh tra; Quốc phòng an ninh, đối ngoại.
Nhiệm vụ của Tổ Biên tập nhằm soạn thảo, biên tập, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền các văn kiện của Tiểu ban.
Các thành viên Tiểu ban lưu ý trong quá trình soạn thảo, biên soạn, Tổ Biên tập sẽ giúp Tiểu ban triển khai các công việc cụ thể như soạn thảo, biên tập, khảo sát, tổ chức hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến của cán bộ lão thành, các chuyên gia, ý kiến của nhân dân; huy động các thiết chế sẵn có, các hội đồng tư vấn, cơ sở nghiên cứu để tham gia đánh giá, tổng kết, đề xuất các ý kiến đóng góp vào các tài liệu của Tiểu ban.
Đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị Tiểu ban cần sớm thiết lập cơ quan thường trực để đôn đốc, điều hành việc thực hiện các nhiệm vụ của Tiểu ban.
Các thành viên của Tiểu ban cũng đề xuất xây dựng Kế hoạch hoạt động cụ thể, giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ được Tiểu ban giao.
Một vấn đề quan trọng khác cũng được nêu ra tại Phiên họp là xây dựng quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa Tiểu ban Kinh tế-Xã hội với các Tiểu ban khác, nhất là Tiểu ban Văn kiện nhằm đảm bảo tính nhất quán của các văn kiện phục vụ Đại hội.
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu huy động được trí tuệ, xây dựng phương pháp tiếp cận tốt, thu thập nhiều thông tin cả trong nước và quốc tế trong quá trình tổng kết, xây dựng các nội dung của văn kiện.
Thủ tướng lưu ý, quá trình này phải nhận định rõ tình hình để có giải pháp sát thực tiễn; đồng thời cần chú ý phát huy dân chủ, tập trung trong xây dựng văn kiện.
Thủ tướng nhấn mạnh phải đổi mới phương pháp nghiên cứu, làm văn kiện để đưa đất nước "hội nhập tốt, thấy được thách thức, khó khăn, thấy được cơ hội phát triển, nắm bắt tận dụng được để biến khó khăn thành cơ hội."
Thủ tướng cho rằng, đây là dịp để các thành viên của Tiểu ban đóng góp ý tưởng, quan điểm, kinh nghiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, từ đó xây dựng kế hoạch triển khai vào thực tiễn.
"Tôi mong các đồng chí suy nghĩ thật sự sâu sắc, trăn trở trước nhiệm vụ phát triển của ngành, của lĩnh vực, của đất nước trong giai đoạn tới," Thủ tướng nói.
Kết quả xây dựng văn kiện, theo Thủ tướng, cần tránh nội dung không cần thiết, sáo rỗng, không nội hàm cụ thể, khó vận dụng và phải "làm cho tư tưởng, tinh thần về phát triển kinh tế-xã hội trong văn kiện thấm sâu vào từng ngành, từng địa phương để vận dụng vào thực tiễn, chứ không phải văn kiện kinh điển để lưu trữ mà là văn kiện để hành động, triển khai."
Về việc thành lập Tổ Biên tập, Thủ tướng cho rằng đây là "nơi tinh luyện" để tổng hợp, chắt lọc đưa vào dự thảo văn kiện những ý kiến hay, chất lượng cao sau quá trình nghiên cứu.
Tổ Biên tập cần phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên trong việc triển khai soạn thảo từng nội dung và tổng hợp, biên tập, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền.
Việc xây dựng văn kiện tiến hành qua nhiều vòng như khảo sát, tổ chức hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến của cán bộ lão thành, các chuyên gia trong nước và nước ngoài, ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp, xin ý kiến Trung ương, Bộ Chính trị... trước khi trình Đại hội.
"Ý kiến nhân dân vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng văn kiện," Thủ tướng nói và đề nghị các thành viên Tiểu ban, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, nỗ lực cao nhất để hoàn thành tốt nhất, chất lượng cao nhất các nhiệm vụ, công việc của Tiểu ban được Ban Chấp hành Trung ương giao./.