Chính phủ Philippines ngày 29/9 đã cáo buộc mạng xã hội Facebook kiểm duyệt những nội dung ủng hộ chính phủ nước này.
Manila cho rằng động thái này cũng tương tự như việc hạn chế quyền tự do ngôn luận, qua đó kêu gọi cần có những biện pháp mới nhằm chỉnh đốn tập đoàn truyền thông xã hội này.
Tổng thống Rodrigo Duterte thời gian qua đã được củng cố vị thế với sự ủng hộ mạnh mẽ trên các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook - một yếu tố quan trọng giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016.
Tuy nhiên, Facebook hồi tuần trước thông báo đã loại bỏ hai mạng lưới phát tán thông tin ủng hộ chính phủ, trong đó một mạng lưới có nguồn gốc từ Philippines và mạng lưới còn lại thuộc tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), do "vi phạm các quy tắc" của nền tảng trực tuyến này.
[Facebook phải đối mặt với vụ kiện mới về theo dõi người dùng]
Tối 28/9, ông Duterte đã cảnh báo rằng Facebook cần giải thích mục đích hoạt động của mạng xã hội này tại Philippines, nếu muốn tiếp tục hoạt động tại đây.
Giải thích rõ hơn về tuyên bố trên, người phát ngôn của Tổng thống Philippines - ông Harry Roque cho biết Tổng thống Duterte sẽ không buộc Facebook phải ngừng hoạt động, nhưng ông muốn nắm được cách thức mạng này điều chỉnh các nội dung đăng tải ở Philippines - nơi có tới 65% trong tổng dân số 107 triệu người là người dùng Facebook.
Ông Roque nhấn mạnh: “Chúng tôi cần có những chính sách mới để bình đẳng sân chơi trên Facebook.”
Trong những năm gần đây, Facebook đã bị chỉ trích mạnh mẽ về cách thức kiểm soát thông tin giả mạo, những chiến dịch thông tin sai lệch được nhà nước hậu thuẫn và những nội dung bạo lực lan truyền trên nền tảng mạng xã hội này, khiến dư luận quốc tế yêu cầu mạng xã hội này phải đưa ra các quy định mới chặt chẽ hơi.
Đáp lại những chỉ trích này, Giám đốc điều hành (CEO) của Facebook - ông Mark Zuckerberg tuyên bố công ty sẽ ưu tiên những tin tức "đáng tin cậy" trong nguồn cung dữ liệu của mình bằng cách xác định các nguồn tin có chất lượng cao./.