Philippines thu giữ số lượng lớn vảy và thịt tê tê

Philippines thu giữ số lượng lớn vảy và thịt têtê

Ngày 6/1, giới chức Philippines cho biết đã thu giữ số lượng lớn vảy và thịt têtê đóng gói. Ước tính đã có hàng trăm con têtê bị giết thịt
Ngày 6/1, giới chức Philippines cho biết đã thu giữ số lượng lớn vảy và thịt têtê đóng gói. Ước tính đã có hàng trăm con têtê bị giết thịt. Têtê là một loài nằm trong danh sách động vật quí hiếm.

Ông Alex Marciada, người phát ngôn của Hội đồng Phát triển bền vững Palawan (Philippines) cho biết, trong hai cuộc kiểm tra vào các ngày 2/1 và 4/1, nhà chức trách sân bay Puerto Princesa thuộc đảo Palawan, đã thu giữ 26,5 kg thịt têtê, 90,5 kg vẩy têtê và rùa biển.

Đây là đợt bắt giữ số lượng thịt têtê lớn nhất từ trước đến nay tại Palawan, nơi duy nhất ở Philippines phát hiện có têtê sinh sống. Để có được số thịt và vẩy têtê lớn như vậy, ước tính có từ 80-100 con đã bị giết. Tuy nhiên, chưa có đối tượng nào bị bắt trong đợt kiểm tra này.

Các quan chức Philippines cho rằng có khả năng số hàng trên được vận chuyển tới Trung Quốc để sử dụng làm đặc sản trong các nhà hàng, chế biến thành thuốc cổ truyền và đồ thủ công mỹ nghệ.

Têtê là loài động vật ăn mối và kiến và được Hiệp hội quốc tế Bảo tồn thiên nhiên xếp xếp vào danh sách "động vật đang bị đe dọa" vì bị săn bắt trên diện rộng và môi trường sống bị hủy hoại.

Adelina Villena, một quan chức về bảo vệ động vật hoang dã của Philippines cho biết chính phủ nước này hiện đang truy tìm những đối tượng liên quan vụ giết thịt têtê. Thủ phạm có thể sẽ bị phạt đến 6 năm tù giam tương ứng với mỗi con têtê bị giết.

Cùng ngày, giới chức Hải quan Thái Lan cho biết đã phát hiện và thu giữ bốn bưu kiện trong đó chứa da và xương hổ buôn lậu, trị giá 60.000 USD. Trong bốn thùng hàng này, mỗi thùng nặng khoảng 5 kg, có chứa một bộ da, xương và một đầu hổ.

Ông Somchai Poolsawasdi, Tổng giám đốc Hải quan Hoàng gia Thái Lan nói những con hổ bị giết có thể có nguồn gốc từ Indonesia và các bộ phận của hổ thường được chuyển tới Trung Quốc.

Thái Lan là một trong 13 nước trên thế giới còn có hổ sinh sống và cũng là một trung tâm buôn lậu quốc tế đối với loài động vật này. Ước tính trên phạm vi thế giới, số lượng hổ đã giảm từ 100.000 con xuống chỉ còn 3.200 hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục