Ngày 9/1, tại Hà Nội, Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại đã họp phiên thứ 3. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban chủ trì Phiên họp.
25% doanh nghiệp kêu khó thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành
Theo báo cáo của cơ quan thường trực Ủy ban, đến ngày 15/12/2017, 11 bộ, ngành đã triển khai 47 thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia (tăng 8 thủ tục so với năm 2016), xử lý 790.708 hồ sơ của 19.977 doanh nghiệp. Từ 1/1/2017 đến 15/12/2017, đã có 554.505 hồ sơ được xử lý (tăng 272% so với cùng kỳ năm 2016).
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh năm 2017 cho thấy, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ; đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ. Chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho một lô hàng giảm 19 USD (bao gồm xuất khẩu và nhập khẩu). Số liệu đến 15/12/2017, ước tính doanh nghiệp tiết kiệm được trên 205 triệu USD cho thủ tục thông quan; trên 15 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu và trên 33 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu.
Theo rà soát của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), đến tháng 12/2017, các bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 74/87 văn bản về quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Một số văn bản về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm thời gian thông quan hàng hóa, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Tuy nhiên, những tồn tại được Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đưa ra là Bộ Y tế đến nay mới thực hiện được 5 thủ tục của Bộ (đạt 8,3% so với 60 thủ tục giai đoạn 2016-2018) và 6 thủ tục liên ngành (tàu biển và tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh). Năm 2017, ngoài 3 thủ tục liên ngành đường không, Bộ Y tế chưa triển khai thêm thủ tục mới nào trong số 22 thủ tục đã đăng ký.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, hiện còn 13 văn bản kiểm tra chuyên ngành chưa hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung; một số văn bản sửa đổi, bổ sung/mới ban hành nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Văn bản ban hành về Danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều bất cập, đã được yêu cầu sửa đổi từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhiều, phạm vi quản lý và kiểm tra rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã số HS, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra, còn có sự chồng chéo trong quản lý/kiểm tra chuyên ngành. Việc kiểm tra chuyên ngành thực hiện chủ yếu bằng phương thức thủ công, chưa áp dụng rộng rãi phương pháp quản lý rủi ro; chưa áp dụng việc công nhận kết quả kiểm tra; chưa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận xử lý hồ sơ, trao đổi dữ liệu về kiểm tra chuyên ngành.
Hiện 100.000 danh mục thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, có tới 50% là không có tiêu chuẩn, quy chuẩn, nhiều nhất là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương. Thí điểm một năm lấy 30.000 mẫu tại Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ phát hiện 18 mẫu vi phạm, chiếm 0,014%, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho hay.
Qua khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về hoạt động hải quan trong năm 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với 1.000 doanh nghiệp, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (VCCI) thông tin: có 25% doanh nghiệp cho biết thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành là khó và rất khó, 67% cho biết bình thường và chỉ có 8% cho là dễ và rất dễ. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá là khó và rất khó nhiều nhất ở lĩnh vực kiểm tra của ngành văn hóa (59%), tiếp đến là kiểm tra của ngành y tế ( 40%), kiểm dịch động vật (36%).
Liên quan đến đánh giá cụ thể về kiểm tra chuyên ngành, 39% doanh nghiệp cho biết các quy định về kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, chủ yếu nằm ở các văn bản khác nhau nên rất khó nắm bắt được thông tin và sự tuân thủ của doanh nghiệp. 98% doanh nghiệp cho rằng nhiều quy định không phù hợp với thực tế. 82% doanh nghiệp nhận thấy việc phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành chưa tốt. 81% doanh nghiệp cho rằng thời gian kiểm tra theo quy định quá dài. 72% doanh nghiệp cho biết việc chia sẻ thông tin kết quả giữa các cơ quan, bộ, ngành chưa tốt, do vậy doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, thủ tục để chờ đợi chứng từ. 68% doanh nghiệp phản ánh thời gian kiểm tra vẫn bị kéo dài so với quy định.
Từ kết quả này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tạo thuận lợi thương mại chỉ vào khoảng 7-8% doanh nghiệp. “Còn đang hành doanh nghiệp, rất là khó dễ cho doanh nghiệp, đến 25%," Phó Thủ tướng nhấn mạnh, "Mức độ văn bản quá nhiều, phức tạp, không phù hợp đến 80-90%."
“Với y tế, là khó và rất khó còn đến 40%, chỉ có 3% là thuận lợi, làm sao mà Chính phủ, Thủ tướng yên lòng được.” “Chúng ta vừa tạo thuận lợi thương mại nhưng phải chống được gian lận thương mại, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trong nước, chỉ lên án và phê phán việc lấy cớ chống gian lận thương mại để sách nhiễu, phức tạp cho doanh nghiệp, níu giữ quyền lợi, quyền lực của các bộ, ngành,” Phó Thủ tướng nói.
Kiểm tra chuyên ngành không phải lý do làm chậm thông quan
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ đã cắt giảm 50% diện mặt hàng kiểm tra chuyên ngành, còn 298 mã HS. Bộ chuyển sang sau thông quan những mặt hàng có thể chuyển được, chỉ còn 2 mặt hàng không thể chuyển liên quan tới vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và an toàn thực phẩm. Theo Thứ trưởng, Bộ đã đủ ban hành 16 quy chuẩn và 36 tiêu chuẩn Việt Nam, chỉ còn phần liên quan tới an toàn thực phẩm nhưng do Bộ Y tế ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn. Quy chuẩn có thể chưa có nhưng Bộ Y tế đã ban hành những giới hạn an toàn để kiểm tra.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, kiểm tra chuyên ngành không phải lý do làm chậm thông quan. Ông chứng minh: xuất khẩu giảm thời gian thông quan từ 58 giờ xuống 55 giờ; nhập khẩu giảm từ 62 xuống 56 giờ. Xuất khẩu rất hiếm có kiểm tra chuyên ngành áp dụng, nhưng thời gian làm thủ tục xuất khẩu chỉ nhanh hơn thủ tục nhập khẩu 1 giờ.
Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp không tìm hiểu thủ tục. Họ cũng có phần trách nhiệm. Nhà nước coi trọng tạo thuận lợi thương mại, phía doanh nghiệp cũng phải nỗ lực tìm hiểu quy định Nhà nước. Việc này phải đến từ 2 phía, hồ sơ làm không đúng quy định, yêu cầu làm lại kêu là làm khó doanh nghiệp là không thỏa đáng, ông Trần Quốc Khánh nhận định.
Bị nhiều doanh nghiệp phàn nàn về hoạt động kiểm tra chuyên ngành, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên cho biết, trong 5 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành, có một mặt hàng Thủ tướng quy định không thể cho thông quan mà không kiểm tra, đó là di vật, cổ vật. 4 mặt hàng không thể xây dựng được tiêu chuẩn, quy chuẩn như cổ vật đào dưới lòng đất lên, không thể biết niên hạn ở thời điểm nào. Hay một tác phẩm điện ảnh, bắt buộc phải thành lập Hội đồng, không thể có tiêu chuẩn, quy chuẩn.
“Phó Thủ tướng chỉ đạo cơ quan thường trực Ủy ban cho chúng tôi danh mục đặc thù, cứ kiểm điểm là có tiêu chuẩn, quy chuẩn không, chúng tôi lúc nào cũng đứng nhất từ dưới lên bởi vì không xây dựng được,” bà Liên phân trần.
Cũng theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, Bộ đã phối hợp với Hải quan, cho thông quan và thực hiện hậu kiểm. Về kho rồi còn phải mời chuyên gia biết tiếng Hán, tiếng Nôm, rất lâu mới thẩm định được và đây là những vấn đề rất khó, nhiều khi chuyên gia đến cũng không được.
Chuyển mạnh sang hậu kiểm, hướng tới kiểm tra tại nguồn
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đã có kết quả tích cực, hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản ổn định, đáp ứng được yêu cầu. Nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được giải quyết kịp thời.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại trong nhiệm vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành. Dự kiến đến hết quý I/2018, chỉ có 25 thủ tục được đưa vào vận hành (trong đó có 22 thủ tục được giao thực hiện 6 tháng cuối năm 2017), chỉ chiếm 19% trên tổng số 130 thủ tục hành chính được các bộ đăng ký triển khai trong năm 2017. Trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành vẫn chiếm tỷ trọng quá lớn trong số lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu; hiệu lực, hiệu quả kiểm tra chuyên ngành còn thấp.
Nhấn mạnh đến mục tiêu triển khai trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2018, phấn đấu triển khai đủ 130 thủ tục hành chính mới theo đăng ký tại Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, các bộ, ngành tiếp tục rà soát và bổ sung các thủ tục mới vào kế hoạch chung. Chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương rà soát, đối chiếu danh mục thủ tục hành chính đăng ký triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN theo Quyết định số 2185/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính của bộ, ngành mình để điều chỉnh danh mục thủ tục đăng ký cho phù hợp với tình hình thực tế, hoàn thành trong tháng 3/2018. Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ Nghị định về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tích cực xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin phục vụ Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, đảm bảo tính kết nối, tính hệ thống, an ninh, an toàn về thông tin và cơ sở dữ liệu. Đối với việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính sẵn sàng để triển khai cơ chế này.
Với lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu 12 bộ thực hiện đầy đủ và kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý chuyên ngành theo yêu cầu của Nghị quyết 19. Rà soát cụ thể, loại bỏ ít nhất 50% mặt hàng thuộc danh mục phải kiểm tra chuyên ngành, hoàn thành giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan từ 30 - 35% trên tổng số các lô hàng xuất nhập khẩu như hiện nay xuống còn 15% trong quý 2/2018. Chấm dứt tình trạng có danh mục kiểm tra chuyên ngành nhưng không có tiêu chuẩn, quy chuẩn, trừ một số tiêu chuẩn, quy chuẩn đặc thù.
Các bộ, ngành phải khẩn trương và quyết liệt rà soát ngay danh mục văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi theo yêu cầu tại Quyết định số 2026/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ. Rà soát loại bỏ những quy định chồng chéo trong hoạt động quản lý/kiểm tra chuyên ngành. Áp dụng thông lệ quốc tế, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chuyển mạnh sang hậu kiểm, hướng tới kiểm tra tại nguồn, công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra chuyên ngành, áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành. Thống nhất một đơn vị thực hiện kiểm tra chuyên ngành, chấm dứt tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan khác nhau.
Tạo môi trường cạnh tranh, minh bạch để nhiều tổ chức được tham gia thực hiện hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận; xóa bỏ vị thế độc quyền của một số tổ chức được các bộ quản lý chuyên ngành chỉ định như hiện nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh./.