Phòng, chống tham nhũng đi đôi với bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo

Thành phố Hồ Chí Minh xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 26/10, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện 'tự diễn biến,' 'tự chuyển hóa' đi đôi với thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trên địa bàn Thành phố.”

Theo Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hệ thống hóa sự chỉ đạo của Tổng Bí thư trên cương vị người đứng đầu Đảng ta và trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Tác phẩm đã chỉ rõ vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “phòng ngừa từ xa, từ sớm,” mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là “phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.”

[Đấu tranh phòng, chống tham nhũng qua 40 năm thực hiện đổi mới]

Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tính chất, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua và những chủ trương, quan điểm, phương châm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác này trong giai đoạn hiện nay.

Trên cơ sở đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh phòng, chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự chuyển biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Đề xuất một số giải pháp nhằm khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, ông Nguyễn Đức Thái, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan liên quan (Thanh tra, Kiểm toán, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án) ngay từ thi thanh tra, kiểm toán, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử phải bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Theo ông Nguyễn Đức Thái, giữa bảo vệ và khuyến khích có mối quan hệ khăng khít với nhau: bảo vệ chính là sự khuyến khích hiệu quả nhất; khuyến khích mà không bảo vệ thì hiệu quả cũng rất hạn chế. Việc bảo vệ phải thường xuyên và quan trọng nhất là phải kịp thời, hiệu quả thì mới có tác dụng.

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học giới thiệu các nội dung cốt lõi của cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Phát biểu kết luận hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, từ nhận thức, ý nghĩa và trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, Đảng bộ Thành phố tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vận dụng vào thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh một cách hiệu quả nhất.

Theo đó, Thành phố xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

“Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các ngành, các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; đòi hỏi phải tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì bằng nhiều biện pháp đồng bộ, từ chính trị, tư tưởng, văn hóa, tổ chức cho đến hành chính, kinh tế và luật pháp,” ông Nguyễn Văn Nên khẳng định.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, một trong những nội dung trọng tâm của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Phát huy hơn nữa mối quan hệ giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với chăm lo xây dựng đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; gắn công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 14 của Bộ Chính trị và Nghị định số 73 của Chính phủ về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Phải luôn quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; tăng cường phối hợp, thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; hoàn thiện cơ chế và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan, tổ chức với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp và cơ quan truyền thông, báo chí về sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên và xem xét, xử lý kịp thời, công khai, minh bạch; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, xuyên tạc, hãm hại người tốt…

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, định hướng dư luận, làm cho nhân dân và cộng đồng xã hội hiểu đúng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng tình, ủng hộ cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục