Nhân thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, phóng viên TTXVN tại Cộng hòa Liên bang Đức đã có cuộc trò chuyện với Nhà báo lão thành Hellmut Kapfenberger-một người am hiểu sâu sắc và có nhiều gắn bó với Việt Nam. - Thưa nhà báo Kapfenberger, ngày 3/2 tới người dân Việt Nam bắt đầu năm mới Tân Mão. Đó cũng là dịp kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Là người am hiểu sâu sắc về Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Người trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam?Nhà báo Kapfenberger: Xin cảm ơn các bạn đã cho tôi cơ hội được trò chuyện đúng vào dịp đón năm mới và kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Như nhiều người đã từng viết và phát biểu, bản tôi khẳng định rằng không có Nguyễn Ái Quốc, như tên gọi của Người thời đó, thời điểm những năm 1920-1930, sẽ không có Đảng Cộng sản Việt Nam. Quá trình hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc như tham gia phong trào công nhân Pháp, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, tiếp cận và lĩnh hội Chủ nghĩa Mác-Lênin ... đã tạo cho Người kinh nghiệm dồi dào trong đấu tranh cách mạng. Chính những hoạt động cách mạng sôi nổi của Người đã có tác động lớn đến phong trào yêu nước tại Việt Nam. Năm 1925 tại Hongkong, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập hội thanh niên mang tên “Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội,” mở các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ nòng cốt, để thông qua đó truyền bá tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về tư tưởng chính trị, con người và tổ chức, tạo tiền đề cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Đó chính là những nền tảng và điều kiện cần thiết để Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Trong quá trình nghiên cứu tài liệu lịch sử để xây dựng cuốn Biên niên sử về Hồ Chí Minh, tôi thấy rằng thời điểm cuối những năm 1920, tại Việt Nam đã hình thành một số tổ chức cộng sản và chính việc gắn kết các tổ chức này lại với nhau thành một khối thống nhất chính là công lao của Nguyễn Ái Quốc. Tôi khẳng định lại một lần nữa rằng nếu như không có Nguyễn Ái Quốc tại thời điểm đó, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể ra đời. - Ông đánh giá thế nào về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam?Nhà báo Kapfenberger: Đảng Cộng sản Việt Nam đóng vai trò lãnh đạo trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam là điều đã được khẳng định và đây là đề tài lớn không thể giải quyết được chỉ trong một câu trả lời. Tuy nhiên, những ai quan tâm đến lịch sử Việt Nam thì đều có thể nhận thấy những biến chuyển mang tính chất bước ngoặt của Cách mạng Việt Nam sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi hết sức vẻ vang và vai trò lãnh đạo của Đảng luôn thể hiện trong mỗi bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Mới chỉ là một đảng non trẻ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong cao trào 1930-1945, đưa đến thắng lợi Cách mạng tháng Tám lịch sử. Cao trào 1930-1945 đã khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất có thể lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong các cuộc đấu tranh. Trong cuộc đấu tranh khi thực dân Pháp quay trở lại sau này cũng như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chính là lực lượng chính trị duy nhất đã hoạch định đường lối và đưa cách mạng Việt Nam đến đích thắng lợi sau cùng vào năm 1975, thống nhất đất nước. - Như ông đã biết, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 12-19/1 vừa qua, đã bầu ra Ban lãnh đạo mới và thông qua những quyết sách quan trọng trong phát triển đất nước. Ông nhận xét gì về thành công và những đổi mới tại đại hội lần này?Nhà báo Kapfenberger: Qua báo chí và qua Internet, tôi đã được thông tin rất đầy đủ, chi tiết về kỳ Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi nhận thấy Đại hội Đảng lần này có rất nhiều điểm đổi mới, rất công khai, dân chủ; đặc biệt trong các báo cáo mà Tổng Bí thư và các đại biểu đã trình bày; cũng như trong tranh luận của các đại biểu tại Đại hội. Tôi nhận thấy tại đại hội lần này, không chỉ có những ngợi khen đối với những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, mà có nhiều đại biểu đã rất thẳng thắn nêu ra những việc còn tồn tại, những điểm yếu cần khắc phục, cần làm tốt hơn thời gian tới... Bản thân tôi cho đó là điều rất tốt và rất quan trọng. Tôi cũng thấy rằng có nhiều Ủy viên Trung ương đảng, Ủy viên Bộ Chính trị đã quyết định không tham gia vào khóa mới và điều này đã tạo cơ hội trẻ hóa lực lượng lãnh đạo trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là những bước đi rất quan trọng, tạo ra sức mạnh mới, động lực mới để Đảng Cộng sản Việt Nam cùng toàn dân tiến bước trên con đường đúng đắn đã chọn. Đại hội lần này cũng đã thông qua những quyết sách quan trọng trong việc phát triển đất nước lâu dài như "Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020," "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội," Kế hoạch phát triển đất nước 5 năm 2011-2015 ... Với việc thông qua những văn kiện quan trọng nêu trên, tôi nhận thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã định hướng rất rõ con đường phát triển đất nước trong thời gian tới. Tôi tin tưởng các bạn sẽ dành được những thành công trên con đường đã chọn. Nói tóm lại, tôi đánh giá đại hội lần này đã thành công tốt đẹp. - Ông đánh giá thế nào về vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế?Nhà báo Kapfenberger: Trong năm 2010, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Asean. Trước đó nữa, Việt Nam đã hoàn thành trọng trách thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam cũng đã là thành viên của hầu hết tổ chức lớn trên thế giới. Ngoài ra, với mức tăng trưởng kinh tế trên 7%/năm trong suốt một thập kỷ qua, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới; tỷ lệ người nghèo cũng đã giảm mạnh; Việt Nam từ chỗ thiếu lương thực đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới... Tôi nghĩ một vài nét như thế đã cho thấy Việt Nam là tấm gương để nhiều nước học tập và như vậy, rõ ràng vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định ở khu vực và trên thế giới. Xin cảm ơn ông!
Nhà báo lão thành Hellmut Kapfenberger- đã trải qua hai nhiệm kỳ trong những năm 1970, 1980 tại Việt Nam với tư cách là phóng viên thường trú của Hãng Thông tấn Cộng hòa Dân chủ Đức (ADN) và báo Nước Đức Mới. Là người am hiểu lịch sử Việt Nam và ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã có nhiều bài viết về đất nước, con người Việt Nam và về Bác Hồ. Cuốn sách " Hồ Chí Minh-một biên niên sử" do ông dày công biên soạn cũng đã ra mắt bạn đọc Việt Nam nhân kỷ niệm 120 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Thanh Hải/Đức (Vietnam+)