Ngày 31/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường và Sở Công Thương 63 tỉnh, thành phố về cung ứng hàng hóa.
Đánh giá cao những kết quả mà lực lượng quản lý thị trường triển khai trong 8 tháng qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định lực lượng đã chú trọng triển khai nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện khá nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương; chủ động tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, giúp ngành có thêm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.
Đặc biệt, lực lượng đã tiến hành các đợt cao điểm, mở nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đấu tranh với buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
“Nổi bật là việc kiểm tra, giám sát hoạt động của 100% cơ sở kinh doanh xăng dầu cả nước, từ doanh nghiệp đầu mối đến cửa hàng bán lẻ, qua đó góp phần giữ ổn định thị trường, bảo đảm nguồn cung xăng dầu,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận.
Cùng đó biểu dương việc phối hợp giữa lực lượng và các lực lượng khác đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều vấn đề, vụ việc phức tạp đã được xử lý khá tốt, củng cố niềm tin của cấp ủy, chính quyền, địa phương, nhân dân, tạo môi trường bình đẳng trong sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, trong 8 tháng qua, lực lượng vẫn còn nhiều hạn chế trong tổ chức và hoạt động. Điển hình là tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn phổ biến. Ngoài ra, việc thanh kiểm tra còn chưa sâu sát, áp dụng chế tài xử phạt không đủ sức răn đe; quản lý, giáo dục cán bộ ở nhiều đơn vị cơ sở chưa tốt...
Theo Bộ trưởng, kinh tế ngày càng hội nhập và mở rộng, cùng với tốc độ phát triển mạnh của thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ ngày càng đặt ra nhiều thách thức. Vì thế, những tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị lực lượng tiếp tục nghiên cứu, quán triệt thật sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương để thực hiện đúng, đủ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng, tạo môi trường lành mạnh cho sản xuất kinh doanh.
[Mở lối để doanh nghiệp phát huy thế mạnh ở thị trường nội địa]
Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị, quản lý thị trường cả nước cần tăng cường hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý thật nghiêm sai phạm, nhất là sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng... Đặc biệt, tập trung kiểm tra, xử lý các sai phạm với một số mặt hàng thiết yếu, trọng điểm như xăng dầu, khí đốt, than đá, phân bón, các loại rau, củ, quả, thuốc lá... Đồng thời, tăng cường phối hợp với lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của ngành.
Bộ trưởng cũng lưu ý việc chấn chỉnh, kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, ý thức chấp hành của toàn lực lượng; tăng cường kiểm tra, thanh tra nội bộ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Về những kiến nghị, đề xuất, Bộ trưởng giao cho Tổng cục phối hợp với Văn phòng Bộ tổng hợp, phân loại, giải quyết trong tháng Chín tới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường cả nước.
Báo cáo với Bộ trưởng, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường thuộc Bộ Công Thương, cho biết 8 tháng qua, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới còn diễn biến phức tạp, nhất là mặt hàng lợn, đường cát, thuốc lá điếu, hàng điện tử đã qua sử dụng... Cùng đó, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gia tăng khiến nhiều chủ thể quyền nhãn hiệu lớn ở Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức và Italy... đã làm việc với Tổng cục Quản lý Thị trường để phản ánh sự việc.
Theo ông Trần Hữu Linh, khác với trước đây, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Điển hình gần đây lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện nhiều tụ điểm kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Chẳng hạn, đồng loạt kiểm tra 3 tổng kho, cửa hàng kinh doanh hàng giả, hàng lậu lớn tại Tuyên Quang; triệt phá cơ sở kinh doanh có 4 kho hàng chứa chữ nhiều sản phẩm giả mạo nhãn hiệu tại Thanh Hóa; tấn công, kiểm tra thiên đường mua sắm “Sài Gòn Square” tại Thành phố Hồ Chí Minh và phát hiện hàng nghìn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam...
Điểm nhấn trong thời gian này là việc kiểm tra, giám sát toàn bộ các cửa hàng xăng dầu trên cả nước. Qua đó, góp phần đảm bảo nguồn cung, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Thống kê đến ngày 30/8, lực lượng cả nước đã kiểm tra 52.613 vụ (tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái), phát hiện, xử lý 37.960 vụ vi phạm (tăng 36%), thu nộp ngân sách Nhà nước trên 344 tỷ đồng (tăng 59%). Chuyển Cơ quan điều tra 139 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 70%); trị giá hàng hóa tịch thu gần 143 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy 93 tỷ đồng.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Hà Nội, cho hay trong 8 tháng qua, thị trường hàng hóa trên địa bàn Hà Nội cơ bản ổn định, không có biến động lớn; nguồn cung các mặt hàng thiết yếu đáp ứng đủ nhu cầu cho hoạt động sản xuất, tiêu dùng của người dân.
Cùng đó, giá cả một số mặt hàng có tăng, có giảm phù hợp với quy luật cung cầu thị trường, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, lợi dụng khan hiếm hàng hóa để trục lợi...
Theo thống kê, 8 tháng qua lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 3.651 vụ việc; số tiền xử lý trên 48 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy trên 46 tỷ đồng; chuyển hình sự 34 vụ việc.
Dự báo trong các tháng cuối năm 2023 tình hình thị trường hàng hóa nói chung và mặt hàng thiết yếu nói riêng còn tiềm ẩn nhiều biến động, nhất là vào các dịp lễ, Tết...Vì thế, để ngăn ngừa, các hành vi vi phạm, cũng như đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa ra thị trường ổn định, liên tục, Cục Quản lý Thị trường Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các Đội tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, nỗ lực bình ổn thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích của người dân.
Tương tự, ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Lạng Sơn Đặng Văn Ngọc nhấn mạnh phía Việt Nam tiếp tục duy trì 49 lán, chốt với 243 cán bộ, chiến sỹ, dân quân để ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và thực hiện phòng chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, phía Trung Quốc tiếp tục duy trì quân số tại 28/259 lán, chốt trên biên giới. Đồng thời, các tổ cơ động tuần tra, kiểm soát trên biên giới để ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Ông Đặng Văn Ngọc cho biết thêm 8 tháng qua, vi phạm trên thương mại điện tử vẫn gia tăng, diễn biến phức tạp. Dù đã quyết liệt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhưng kết quả đạt được chưa tương xứng.
Ông Chu Thanh Long, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tây Ninh, chia sẻ là tỉnh có đường biên giới dài 240km với 3 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam cùng các cửa khẩu quốc gia: Chàng Riệc, Kà Tum, Phước Tân và nhiều cửa khẩu tiểu ngạch... Do vậy, trong 8 tháng qua, tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến gia tăng.
Tương tự, ông Phạm Đức Chinh, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Long An, cũng cho biết là tỉnh có đường biên giới dài 134km, 8 tháng qua, tình hình buôn lậu trên địa bàn diễn ra tương đối phúc tạp với các mặt hàng như thuốc lá điếu, đường cát... trên biên giới nổi lên vụ việc lợn nhập lậu.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của các bộ, ngành, quản lý thị trường Long An đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức Đoàn kiểm tra, giám sát các địa bàn huyện biên giới.
Qua kiểm tra, tình hình nhập lậu lợn trên tuyến biên giới đã được kiểm soát. Song song với công tác kiểm tra, Đoàn kiểm tra cũng chú trọng tuyên truyền pháp luật, vận động người dân không tiếp tay cho các hành vi vi phạm.
Tại hội nghị, đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Phú Yên, Tiền Giang, Kon Tum, Tuyên Quang... cũng báo cáo với Bộ trưởng các giải pháp, định hướng đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong những tháng cuối năm, nhất là trong cao điểm các dịp lễ, Tết của đất nước.
Đánh giá cao những kết quả của lực lượng trong 8 tháng qua, song ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, kiến nghị thời gian tới, lực lượng mở rộng hơn nữa mặt hàng kiểm tra, kiểm soát; trong đó, chú trọng đến hàng hóa liên quan đến phòng cháy chữa cháy, mặt hàng liên quan đến ngành điện...
Ngoài ra, trong buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Công Thương đã báo cáo tình hình cung ứng hàng hóa trong 8 tháng qua và đề xuất các giải pháp, cam kết đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa trong những tháng cuối năm, nhất là mặt hàng xăng dầu và gạo./.