Quảng Trị oằn mình gánh chịu mất mát sau bão số 10

Cơn bão số 10 đi qua khiến người dân Quảng Trị oằn mình chịu mất mát. Nhiều nhà, tất cả tài sản trong một đêm “không cánh mà bay”.
Cơn bão số 10 đi qua để lại hàng ngàn mái nhà bị đổ sập hư hại, hơn 30.000ha cây cối, hoa màu bị tàn phá khiến người dân Quảng Trị oằn mình gánh chịu mất mát. Nhiều nhà tất cả tài sản chỉ trong một đêm “không cánh mà bay”.

Xóm làng xác xơ, đổ nát sau bão

Đường đến huyện Vĩnh Linh sau cơn bão bị chặn kín bởi vô số cây cổ thụ, cột điện đổ ngã ngổn ngang. Dọc hai bên đường, những cánh rừng trồng cao su, rừng tràm và hồ tiêu bị gãy ngã.

Từ tối 30/9, hầu hết các tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn đều bị tê liệt. Từ sáng sớm 1/10, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng dân quân, cán bộ cùng người dân phối hợp với lực lượng vũ trang dùng cưa máy, dao chặt cây giải tỏa đường đi.

Đến khoảng 12 giờ ngày 1/10, các tuyến đường liên huyện cơ bản đã được thông tuy nhiên nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn vẫn bị chặn do các cây cổ thụ đổ gãy.

Đến ngày 1/10, hầu hết học sinh của 2 huyện Vĩnh Linh và Gio Linh vẫn phải nghỉ học. Rất đông các thầy cô giáo và học sinh được huy động để phát quang, chặt dọn cây cối, làm vệ sinh môi trường, trường lớp.

Nhà của bà Nguyễn Thị Lâm (70 tuổi) ở thôn Tân Hòa, xã Vĩnh Thạch ngổn ngang giữa đống gỗ, gạch, đá, ngói, áo quần, chăn màn… Bà Lâm ngẩn người, ứa nước mắt khi kể với chúng tôi: "Ở một mình đã lâu, nhà tôi chẳng còn gì đáng giá ngoài mấy đồ dùng cần thiết. Vậy mà, ngày 30/9, mưa bão lớn làm sập nhà, bàn thờ tổ tiên cũng đổ nát, tấm ảnh thờ chẳng biết gió thổi bay đi đâu. Nhà thuộc hộ nghèo, không có tiền để sửa, có lẽ đến tối tôi ra Nhà văn hóa thôn ở tạm."

Theo thống kê sơ bộ, sau cơn bão số 10, tỉnh Quảng Trị có 11 nhà bị sập, 3.666 nhà bị tốc mái, 53 công sở, trường học với hơn 200 phòng học bị hư hại nặng. Nhiều người dân lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất” khi phút chốc nhà cửa tan hoang.

Xã Vĩnh Thái - một trong những xã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão khi có 600 trong tổng số 700 hộ dân bị tốc mái, đổ sập vì bão. Đi từ đầu xã đến cuối xã, dọc đường là những căn nhà mất mái tan hoang trống hoác, những mảnh vỡ từ ngói, kính…vương vãi khắp nơi.

[Miền Trung khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 10]


Bế con nhỏ thẫn thờ nhìn ngôi nhà nhỏ trống hoác, chị Nguyễn Thị Thảo, thôn Tân Mạch (xã Vĩnh Thái) nghẹn ngào: "Cả gia đình có 3 người, chồng tôi lại tàn tật. Ngày 30/9, khi nghe bão đổ bộ, vợ chồng con cái dắt díu nhau ra Trung tâm văn hóa cộng đồng tránh bão. Đến sáng 1/10 trở về thấy nhà cửa tan hoang mà rụng rời tay chân."

Kinh tế của cả nhà chỉ dựa vào mấy món hàng tạp hóa bán cho bà con quanh xóm vậy mà bị bão làm vỡ kính, hàng hoá bị gió thổi bay. Vợ chồng chị Thảo vay mượn bà con hàng xóm hơn 50 triệu đồng để xây nhà, chưa có tiền trả... giờ đã nghèo lại còn nghèo hơn.

Đỏ mắt vì “vàng trắng”

Vĩnh Linh miền đất với thế mạnh kinh tế nông nghiệp là trồng cây cao su nhưng giờ đây hàng nghìn ha cao su bị bão quật gãy đổ.

Ông Trần Xuân Lực, thôn Khe Ba, xã Vĩnh Thạch (huyện Vĩnh Linh) rơm rớm nước mắt: "Nhà tôi vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng đầu tư trồng được 2ha cao su, đến nay còn nợ hơn 60 triệu. Nợ chưa trả xong, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới chăm cho đến khi cây thu hoạch mủ, ấy vậy mà bão phá vườn cao su 16 năm tuổi của gia đình bị gãy hơn 90%." |

Trước tình cảnh đó, gia đình ông Lực chỉ có thể phá bỏ hoặc tỉa cây. Thế nhưng số lượng cây bị gãy hơn 90% nên không thể tỉa được nữa mà chỉ còn cách phá bỏ. Số tiền đầu tư trong công cuộc khôi phục và cải tạo đất cũng tốn không ít chi phí để thuê nhân công, máy cưa, máy đào.

Chỉ tính riêng 2ha cao su bị gãy đổ, gia đình ông Lực phải mất hơn 100 triệu đồng để xử lý mặt bằng ban đầu, chưa kể đến số tiền để đầu tư cải tạo đất và trồng cây mới.

Khó khăn của gia đình ông Lực cũng là những khó khăn chung của những hộ dân trồng cao su trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Chị Nguyễn Thị Nhàn, thôn Nam Phú, xã Vĩnh Nam chia sẻ đây là trận bão lớn nhất mà chị từng chứng kiến. Gia đình chị có 2ha cao su chuẩn bị thu hoạch bị bão làm gãy hơn 50%.

Bão số 10 đã tan nhưng thiệt hại để lại cho người dân Quảng Trị thật lớn, phải mất rất nhiều thời gian để khôi phục. Những người nông dân suốt ngày “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” giờ lại trắng tay./.

Thanh Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục