Ngày 12/2, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật cho phép nâng trần nợ quốc gia mà không bị ràng buộc bởi bất cứ điều kiện nào.
Quyết định này nhằm tránh cho nước Mỹ nguy cơ rơi vào tình trạng vỡ nợ, động thái có thể đẩy thị trường tài chính nước này và toàn cầu vào một cú sốc.
Bước thông qua cuối cùng diễn ra sau khi các nghị sỹ của cả hai đảng tại Thượng viện tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn dự luật nâng trần nợ với 55 phiếu thuận và 43 phiếu chống. Nghị quyết được thông qua nhanh chóng tại Thượng viện do phe Dân chủ kiểm soát sau khi nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa quyết định "buông tay."
Trước đó một ngày, dự luật trên cũng đã được Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa nắm đa số thông qua với 221 phiếu thuận và 201 phiếu chống mà không có bất kỳ sự nhượng bộ nào của Nhà Trắng và phe Dân chủ.
Với quyết định thông qua của lưỡng viện Quốc hội, chính quyền của Tổng thống Barack Obama sẽ có quyền tiếp tục vay nợ để chi trả cho các hoạt động và trả nợ đến hết ngày 15/3/2015.
Việc dự luật nâng trần nợ công được Quốc hội phê chuẩn đã chính thức chấm dứt cuộc chiến ngân sách căng thẳng trên chính trường Mỹ kéo dài từ cuối năm 2013 đến nay. Trong cuộc chiến này, phe Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ luôn tìm cách ngăn chặn việc nâng trần nợ trong bối cảnh nợ quốc gia đã lên mức xấp xỉ 17.200 tỷ USD hòng gây khó dễ cho hoạt động của chính quyền Obama.
Chủ tịch Hạ viện John Boehner còn ràng buộc điều kiện nâng trần nợ công với việc điều chỉnh lương hưu cho các cựu chiến binh. Tuy nhiên, đến phút cuối, Quốc hội Mỹ đã phải đồng ý gia hạn cho Bộ Tài chính được phép vay nợ đến 17.000 USD mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào về việc cắt giảm thêm các hạng mục chi tiêu công. Giới phân tích nhận định đây một chiến thắng đối với Tổng thống Obama và là sự rút lui của đảng Cộng hòa trong việc đòi phe Dân chủ phải có những nhượng bộ để đổi lại việc chấp nhận nâng trần nợ./.
(TTXVN)