Quốc hội nghe báo cáo, thảo luận công tác tư pháp

Ngày 5/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Chính phủ báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2010.
Ngày 5/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Chính phủ Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2010; Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành kiểm sát nhân dân.

Quốc hội cũng nghe Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác ngành tòa án nhân dân; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án và công tác đặc xá năm 2010; nghe Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và thảo luận tại hội trường về các báo cáo.

Nhiều chuyển biến trong hoạt động tư pháp

Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Theo đó, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục vận động quần chúng nhân dân đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm.

Đẩy mạnh mạnh các phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tăng lực lượng cho các tuyến cơ sở, nhất là các tuyến, địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự, nhằm giải quyết tình hình phức tạp ngay tại cơ sở.

Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai các kế hoạch phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế; kiểm tra chấn chỉnh và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổng kết thực hiện Chương trình mục tiêu phòng, chống ma túy đến năm 2010; mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn ma tuý trên toàn quốc.

Chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm được được nâng cao và có những chuyển biến tiến bộ hơn. Số vụ phạm tội theo thống kê giảm. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn diễn biến phức tạp.

Hoạt động của tội phạm có tổ chức có chiều hướng phức tạp trở lại. Bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng. Tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài diễn biến phức tạp. Tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật giảm, nhưng xảy ra nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng gây lo lắng trong nhân dân.

Xác định tình hình tội phạm trong thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp, Chính phủ đã đề ra sáu giải pháp và tập trung chỉ đạo thực hiện, nhằm nâng cao hơn nữa công tác phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Viện trưởng Viện Kiếm sát Nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng đã trình bày Báo cáo về công tác của ngành kiểm sát nhân dân. Viện kiểm sát đã chủ động kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; tăng cường kiểm sát ngay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, góp phần hạn chế việc bỏ lọt tội phạm, tăng tỷ lệ phát hiện tội phạm, đồng thời hạn chế làm oan người vô tội.

Viện kiểm sát các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự. Quản lý chặt chẽ việc áp dụng các căn cứ pháp luật trong trường hợp đình chỉ điều tra bị can, đình chỉ điều tra vụ án.

Về công tác kiểm sát thi hành án, toàn ngành đã tập trung kiểm sát các trường hợp bị kết án tù nhưng chưa thi hành, uỷ thác thi hành án. Công tác kiểm sát việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với phạm nhân, thẩm định hồ sơ xét đặc xá đạt kết quả tích cực, bảo đảm đúng đối tượng, đúng luật. Viện kiểm sát các cấp đã tăng cường kiểm sát việc tổ chức Thi hành án dân sự, nhất là việc phân loại các vụ việc có điều kiện và không có điều kiện thi hành án.

Viện Kiếm sát Nhân dân tối cao đã phối hợp các cơ quan tư pháp Trung ương triển khai thực hiện đúng lộ trình, chất lượng các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp. Ngành kiểm sát đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó tập trung triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về “Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra”; Tiếp tục hoàn thiện “Đề án mô hình tổ chức bộ máy, chức năng và nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong tiến trình cải cách tư pháp.”

Chánh án tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo về công tác của ngành tòa án nhân dân. Thời gian qua, tòa án nhân dân và tòa án quân sự các cấp đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, của Ban Bí thư về tổ chức, hoạt động tòa án, với các nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác xét xử, không để quá hạn định; phấn đấu không để xảy ra kết án oan người không có tội và bỏ lọt tội phạm; hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định huỷ, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán.

Nhìn chung, việc xét xử các vụ án bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Bằng việc áp dụng nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, nên hầu hết các vụ án hình sự và đa số các vụ án dân sự, hành chính đều được giải quyết trong thời gian luật định. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng được đưa ra xét xử nghiêm minh, được sự ủng hộ của dư luận xã hội.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Báo cáo công tác thi hành án và công tác đặc xá năm 2010. Theo báo cáo của Chính phủ, công tác thi hành án dân sự trong năm 2010 đã có những chuyển biến tích cực.

Kết quả thi hành án dân sự đạt được cao hơn năm 2009 và vượt chỉ tiêu đề ra. Việc xây dựng hoàn thiện thể chế tuy có chậm về tiến độ, nhưng luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Ngành đã tập trung kiện toàn bộ máy cán bộ từ Tổng cục thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp đến các Cục và Chi cục thi hành án dân sự.

Nhiều địa phương đã thi hành được một số vụ án lớn, với số tiền thu được khá cao, đạt hoặc vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và giải quyết cơ bản, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Công tác đặc xá 2010 bảo đảm đúng pháp luật; quá trình chỉ đạo, chuẩn bị và thực hiện bảo đảm các yêu cầu về chính trị, nghiệp vụ, pháp luật theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra, được dư luận trong nước, ngoài nước đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Đến nay, chưa phát hiện sai sót hoặc tiêu cực xảy ra trong quá trình thực hiện công tác đặc xá.

Sau khi Chủ tịch nước ký quyết định về đặc xá năm 2010 và Quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2010, các ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc các quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá.

Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã thành lập ban chỉ đạo và các đơn vị địa phương, các trại giam, tạm giam đã thành lập Hội đồng đề nghị đặc xá. Công tác tổ chức triển khai lập hồ sơ xét duyệt, đề nghị đặc xá bảo đảm chặt chẽ, công khai, dân chủ, minh bạch. Điều kiện đặc xá được phổ biến tới từng phạm nhân để họ tự liên hệ, bình chọn, bỏ phiếu.

Quốc hội cũng đã đã nghe Báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, về công tác thi hành án, các báo cáo công tác của Chánh án tòa án nhân dân tối cao, của Viện trưởng Viện Kiếm sát Nhân dân tối cao năm 2010 do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày.

Không để tồn tại tình trạng thời ơ, chung sống hòa bình với tham nhũng


Đa số đại biểu nhất trí với các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa chống vi phạm pháp luật và tội phạm, về công tác thi hành án, các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao năm 2010 đã nêu được các mặt công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Các báo cáo cũng đã nêu được những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc và những mặt còn hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trong từng lĩnh vực công tác, phân tích được các nguyên nhân hạn chế và đưa ra các kiến nghị, giải pháp khắc phục.

Các đai biểu Đặng Văn Sướng (Long An), Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Trần Anh Kiệt (Vĩnh Long) và nhiều đại biểu cho rằng trong công tác phát hiện, đấu tranh chống vi phạm pháp luật và tội phạm, với sự cố gắng của các cơ quan chức năng mà nòng cốt là lực lượng công an, nhiều vụ vi phạm pháp luật và tội phạm đã được xử lý, đảm bảo giữ vững an ninh-chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, Lê Văn Công (Cần Thơ), Trần Anh Kiệt (Vĩnh Long) và một số đại biểu cũng bày tỏ lo lắng trước thực trạng một số loại tội phạm xâm phạm trật tự xã hội gia tăng, đồng tình với đánh giá của Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn còn phức tạp; đồng thời đề nghị cần nâng cao năng lực, trình độ, phương tiện... cho lực lượng công an cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề nghị cần cương quyết hơn nữa trong trấn áp tội phạm để bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân. Đại biểu Nguyễn Thanh Toàn (Thừa Thiên-Huế) đề nghị tăng ngân sách cho công tác phòng chống tội phạm.

Các đại biểu ghi nhận những nỗ lực của công tác phòng chống tham những trong năm vừa qua, tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị cần đánh giá sát thực tế tình hình tham nhũng trong năm 2010 để có biện pháp hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo.

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) và nhiều đại biểu nhận định tham nhũng lãng phí vẫn chưa được đẩy lùi, vẫn gây bức xúc đối với xã hội; công tác xử lý phòng chống tham nhũng có lúc chưa kịp thời, chưa nghiêm, nhất là người đứng đầu. Các đại biểu Đặng Văn Sướng (Long An), Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), Trần Anh Kiệt (Vĩnh Long) cho rằng báo cáo của Chính phủ lạc quan về tình hình phòng chống tham nhũng nhưng thực tế công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục