Quốc hội Việt Nam cam kết thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững

Quốc hội Việt Nam cam kết sẽ luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm, sẵn sàng cùng IPU góp phần xây dựng hòa bình và phát triển bền vững vì lợi ích của nhân dân các nước trên thế giới.
Quốc hội Việt Nam cam kết thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. (Ảnh: Tâm Hằng/TTXVN)

Quốc hội Việt Nam cam kết sẽ luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm, sẵn sàng cùng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và nghị viện các nước thực hiện các nghị quyết, sáng kiến của IPU góp phần xây dựng hòa bình và phát triển bền vững vì lợi ích của nhân dân các nước trên thế giới.

Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Uông Chu Lưu tại phiên họp toàn thể Đại Hội đồng IPU lần thứ 139 (IPU-139) diễn ra ngày 16/10 tại Geneva (Thụy Sĩ).

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Đại hội đồng IPU-139 diễn ra từ ngày 14-18/10, quy tụ đại diện của 178 nghị viện các quốc gia thành viên IPU.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự sự kiện do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu.

Chủ đề chính của IPU-139 là vai trò chủ chốt của nghị viện trong việc thúc đẩy hòa bình và phát triển trong thời đại sáng tạo và đổi mới công nghệ.

Tại phiên thảo luận về vai trò chủ chốt của nghị viện trong việc thúc đẩy hòa bình và phát triển trong thời đại sáng tạo và đổi mới công nghệ, các đại biểu cho rằng khoa học thường được coi là đóng vai trò thiết yếu đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, nhưng thực tế, khoa học không được tham gia kịp thời, hoặc theo hướng có sắp xếp, tổ chức - trong các cuộc thảo luận về những thách thức cơ bản của xã hội, và trong việc soạn thảo các chính sách liên quan.

Các đại biểu nhấn mạnh việc thiết lập mối liên kết chặt chẽ hơn giữa giới khoa học và chính quyền, các tổ chức quốc tế, các doanh nhân và những nhà lãnh đạo ở các lĩnh vực khác, đảm bảo rằng các chính sách và quyết định được đưa ra sau khi có sự cân nhắc tới các thông tin dữ liệu có sức thuyết phục, các thảo luận và nghiên cứu khoa học.

Các đại biểu cũng khẳng định các nghị sỹ có thể đóng góp đáng kể vào việc nâng cao nhận thức của nghị viện về tầm quan trọng của khoa học, công nghệ, đổi mới cũng như giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học trong xã hội, đảm bảo rằng khoa học luôn được giữ vai trò xứng đáng trong các tranh luận xã hội và trong quá trình ra quyết định, thông qua việc xác định cách thức, quy định thực hiện để quản lý đổi mới công nghệ và giúp thúc đẩy các sáng kiến hợp tác khoa học quốc tế.

[Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao và coi quan hệ với Việt Nam là rất quan trọng]

Trong một thế giới luôn thay đổi, các nghị viện cần đi đầu trong các cuộc tranh luận về các vấn đề mới nổi có thể có tác động lớn đến xã hội, như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và công nghệ nano, quản lý hệ thống siêu dữ liệu, quản trị Internet và các không gian công cộng khác.

Các nghị sỹ cũng có thể đóng góp một phần quan trọng vào việc xác định các cơ hội và lợi ích mà tiến bộ công nghệ mang lại, soạn thảo các văn bản pháp luật nhằm thúc đẩy các sáng kiến thúc đẩy hòa bình và phát triển, chia sẻ kinh nghiệm về quá trình chuyển đổi lực lượng lao động, khai thác hệ thống siêu dữ liệu trong việc hoạch định chính sách công và sử dụng các công nghệ mới để ngăn chặn xung đột, kết nối xã hội và tạo điều kiện cho các hoạt động trợ giúp nhân đạo.

Cuối cùng, các đại biểu tham dự thảo luận khẳng định việc kết nối các nghị sỹ và các nhà khoa học sẽ đóng góp vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu liên quan đến Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và duy trì hòa bình trên thế giới.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng IPU-139, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã hoan nghênh chủ đề của Đại hội đồng lần này là “Vai trò dẫn dắt của nghị viện trong thúc đẩy hòa bình và phát triển trong thời đại sáng tạo và đổi mới công nghệ.”

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng chia sẻ Việt Nam là một đất nước phát triển, có vị trí thuận lợi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển năng động, có quy mô và nhu cầu thị trường lớn và đa dạng, nhiều tiềm năng phát triển và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ.

Quốc hội Việt Nam đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển khoa học công nghệ. Hiến pháp Việt Nam khẳng định: “Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.”

Quốc hội Việt Nam đã ban hành các đạo luật chuyên ngành như Luật khoa học công nghệ, Luật chuyển giao công nghệ, quyết định ưu tiên phân bổ nguồn lực phù hợp cho hoạt động khoa học, công nghệ; đồng thời giám sát định kỳ, thường xuyên việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển khoa học, công nghệ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng tiếp tục phối hợp với các quốc gia, IPU, Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác để triển khai các chương trình, dự án hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Là một quốc gia đang phát triển nhưng phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ kỹ thuật của các nước phát triển, chia sẻ kinh nghiệm trong thúc đẩy vai trò của cơ quan lập pháp, giám sát chính sách khoa học-công nghệ, gắn với nhiệm vụ bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.

Bên lề kỳ họp IPU-139, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và đoàn đại biểu Việt Nam đã có các buổi gặp gỡ với Tổng Thư ký IPU, ông Martin Chungong, Chủ tịch IPU, bà Gabriela Cuevas Barron.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng có buổi làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội Thái Lan nhằm tăng cường hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp của hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục