Quy định mới về quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi

Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng cho dự án về y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đối khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng kinh tế thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn.
Quy định mới về quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi ảnh 1Cầu Bình Khánh là cây cầu dây văng đường bộ, nằm trong dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành thuộc tuyến đường cao tốc Bắc-Nam với tổng mức đầu tư hơn 4000 tỷ đồng (sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký ban hành Nghị định số 114/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Ưu tiên sử dụng vốn ODA cho phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, môi trường

Vốn ODA không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội; tăng cường năng lực; hỗ trợ xây dựng chính sách, thể chế và cải cách; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, cứu trợ thảm họa, phòng, chống dịch bệnh; thích ứng với biến đối khí hậu; tăng trưởng xanh; đổi mới sáng tạo; an sinh xã hội; chuẩn bị các dự án đầu tư hoặc đồng tài trợ cho dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nhằm làm tăng thành tố ưu đãi của khoản vay.

Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đối khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng kinh tế thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.

Vốn vay ưu đãi được ưu tiên sử dụng cho chương trình, dự án vay về để cho vay lại theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội.

[Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi]

Các trường hợp ưu tiên khác thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo từng thời kỳ.

Vốn ODA, vay ưu đãi sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên

Nghị định nêu rõ nội dung quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm: xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; xây dựng và tổ chức thực hiện đề án thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho từng thời kỳ để hỗ trợ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm; các giải pháp, chính sách quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn này.

Theo dõi, cung cấp thông tin về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra tình hình, kết quả quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Nguyên tắc cơ bản trong quản lý nhà nước về vốn ODA: vốn vay ưu đãi, vốn vay ODA, vay ưu đãi được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.

Không sử dụng vốn vay nước ngoài cho các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực trừ trường hợp phục vụ chuyển giao công nghệ, kỹ năng vận hành trang thiết bị, máy móc; tham quan khảo sát; nộp thuế, trả các loại phí, lãi suất tiền vay; mua sắm ôtô trừ ôtô chuyên dụng được cấp có thẩm quyền quyết định; vật tư, thiết bị dự phòng cho quá trình vận hành sau khi dự án hoàn thành trừ một số vật tư, thiết bị dự phòng đặc biệt được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; chi phí hoạt động của Ban Quản lý dự án.

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên cơ sở bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ; thực hiện phân cấp gắn với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực của bộ, cơ quan trung ương, địa phương; bảo đảm sự phối hợp quản lý, giám sát và đánh giá của các cơ quan có liên quan theo quy định hiện hành của pháp luật.

Đồng thời, đảo đảm công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình về chính sách, trình tự, thủ tục vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương, tình hình thực hiện, kết quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Thông tin về chính sách hợp tác, lĩnh vực ưu tiên của các nhà tài trợ nước ngoài được công bố trên Hệ thống Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ (chinhphu.vn; mpi.gov.vn; mof.gov.vn; mofa.gov.vn).

Nguyên tắc áp dụng cơ chế tài chính đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi

Nghị định nêu rõ nguyên tắc áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Cụ thể, đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương: Cấp phát toàn bộ vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài từ ngân sách Trung ương.

Quy định mới về quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi ảnh 2(Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Đối với chương trình, dự án đầu tư thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương: vay lại một phần hoặc toàn bộ vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.

Đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài làm phần vốn Nhà nước tham gia trong dự án đối tác công tư (PPP): Vay lại toàn bộ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Đối với chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn toàn bộ hoặc một phần: cho vay lại toàn bộ hoặc một phần vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài từ ngân sách Trung ương theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

Đối với vốn ODA không hoàn lại, bao gồm cả vốn ODA không hoàn lại gắn với khoản vay, vốn ODA không hoàn lại cho dự án đầu tư, dự án hỗ trợ kỹ thuật (độc lập, chuẩn bị, hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư), phi dự án: áp dụng cơ chế cấp phát toàn bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục