Quy hoạch cán bộ là khâu quan trọng để định hướng bổ nhiệm cán bộ

Trong công tác cán bộ, việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ.
Quy hoạch cán bộ là khâu quan trọng để định hướng bổ nhiệm cán bộ ảnh 1Sáng 10/8/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau tổ chức các cuộc hội nghị để thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIV, nhiệm kỳ 2026-2031. (Ảnh minh họa: Huỳnh Anh/TTXVN)

Một trong những nội dung tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8, khóa XIII được nhân dân, cán bộ, đảng viên rất đồng tình, đó là vấn đề quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026-2031.

Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh, đây là bước khởi đầu quan trọng của quá trình xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ khoá XIV với tinh thần là phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ.

Cơ sở để lựa chọn được những cán bộ cấp chiến lược có tâm, có tầm

Trung ương yêu cầu ngay sau Hội nghị, căn cứ vào kết quả giới thiệu của Trung ương, sự rà soát, thẩm định của Ban Chỉ đạo, các ban đảng Trung ương và các cơ quan chức năng, Bộ Chính trị sớm xem xét, quyết định một bước quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026-2031 làm cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch.

Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Trần Đức Long cho biết công tác cán bộ được Đảng ta cực kỳ coi trọng và luôn xem là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng.

Trong công tác cán bộ, việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ.

[Đánh giá đúng cán bộ - Yếu tố hàng đầu nâng cao chất lượng quy hoạch]

Để chọn được những cán bộ “có tâm, có tầm,” “vừa hồng, vừa chuyên” đòi hỏi cơ quan, tổ chức làm công tác cán bộ cần thực hiện công việc một cách bài bản, chặt chẽ, đúng quy trình để chọn lọc được các đồng chí xứng đáng vào bộ máy của Đảng, Nhà nước để phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cũng nhất trí với nhiều ý kiến cho rằng trước kia, khi lựa chọn cán bộ cấp chiến lược, đến gần Đại hội mới lựa chọn, bình xét, không có đào tạo, bồi dưỡng quy củ, bài bản...

Nhưng hiện nay, công tác cán bộ được xem xét rất thận trọng từ tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, sự gương mẫu của bản thân và gia đình; năng lực công việc gắn với kết quả công tác, sản phẩm cụ thể ở lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách…

Đây sẽ là cơ sở để lựa chọn được những cán bộ cấp chiến lược có tâm, có tầm, chung tay, góp sức xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh.

Nêu ý kiến về nội dung này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho hay, công tác quy hoạch cán bộ giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là bước chuẩn bị cần thiết và là cơ sở cho nhân sự của Đảng, Quốc hội, của các cơ quan, nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, nhằm thường xuyên phát hiện, bổ sung nguồn cán bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Trong thực tế cuộc sống, nhiều cán bộ được quy hoạch và khi đảm nhiệm các vị trí theo quy hoạch đã phát huy được trình độ, năng lực, phẩm chất.

Công tác quy hoạch là tiền đề để các cấp ủy triển khai hiệu quả các khâu đào tạo, luân chuyển và bố trí sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ; giúp các cán bộ có thêm động lực, có hướng để phấn đấu, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, trao dồi đạo đức, ý chí phấn đấu để đảm nhiệm tốt nhiệm vụ khi được trưởng thành theo như các vị trí đã được quy hoạch.

Với tầm quan trọng như vậy, công tác quy hoạch cán bộ luôn được Đảng đặc biệt quan tâm, được tiến hành bài bản, với quy trình chặt chẽ, khoa học, hợp lý.

Nhiều ý kiến cho rằng, cán bộ cấp chiến lược phải có năng lực tổ chức thực tiễn để biến đường lối, cương lĩnh của Đảng thành hiện thực; có năng lực dự báo, đánh giá, nhận thức vấn đề thực tiễn trong nước và thế giới; có bản lĩnh chính trị vững vàng, không chao đảo trước khó khăn, thử thách, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội…

Ông Đỗ Văn Duyệt (đảng viên phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, mội trong những nội dung ông tâm đắc trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là đề nghị mỗi đồng chí Trung ương, trên từng cương vị công tác của mình hãy nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết của Trung ương lần này, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tiến hành chuẩn bị thật tốt Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Đối với các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị xã hội, cần đề cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức tuyên truyền, lan tỏa về kết quả của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII để cán bộ, đảng viên và nhân dân có nhận thức đúng, tạo sự đồng thuận trong xã hội...

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, khóa XIII với nhiều quyết định rất cơ bản và quan trọng đã thành công tốt đẹp.

Nhiều ý kiến của cán bộ, đảng viên cho rằng kết quả của Hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kế, thống nhất cao của Trung ương, đồng thời bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng kết quả của Hội nghị sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố, phát huy những kết quả, thành tích rất đáng trân trọng mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, góp phần tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp tiếp tục đổi mới đồng bộ và toàn diện; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát triển đất nước nhanh và bền vững…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục