Sáng 28/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương về dự thảo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển).
Quy hoạch nhưng không hạn chế sáng tạo
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển nhằm cụ thể Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển là cần thiết, làm cơ sở hoạch định chính sách, giải pháp phát triển cảng biển đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh địa phương, vùng miền và cả nước.
Nội dung Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển: Quy hoạch chi tiết từng cảng biển, khu bến cảng, xác định số lượng bến cảng, cầu cảng, loại cảng giai đoạn đến năm 2030, dự kiến quy mô một số khu bến, bến cảng quy mô lớn, giai đoạn 2030-2050 phục vụ kêu gọi đầu tư tổng thể (Nam Đồ Sơn, Con Ong-Hòn Nét, Liên Chiểu, Cần Giờ, Cái Mép Hạ, Cái Mép Hạ hạ lưu, Trần Đề).
Bên cạnh đó, đề xuất quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng; định hướng hạ tầng giao thông kết nối; định hướng phát triển các cầu cảng, bến cảng khác làm cơ sở triển khai trong các quy hoạch tiếp theo hoặc là cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định hoặc phê duyệt trong bước chấp thuận chủ trương và chuẩn bị đầu tư. Đồng thời xác định nhu cầu sử dụng đất, mặt nước; nhu cầu vốn đầu tư; danh mục các nhiệm vụ ưu tiên đầu tư đến năm 2030; giải pháp và tổ chức thực hiện...
Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển đưa ra các mục tiêu về sản lượng hàng hóa, hành khách và kết cấu hạ tầng cho từng Nhóm cảng biển, cảng biển, khu bến (xác định số lượng bến cảng, cầu cảng) phù hợp với kết quả dự báo.
Theo số liệu dự báo đến năm 2030, tổng lượng hàng kịch bản thấp là hơn 1.249 triệu tấn và kịch bản cao lần lượt là hơn 1.493 triệu tấn (trong đó, hàng container từ 46,3 đến 54,3 triệu Teu). Lượng hành khách từ 17,382-18,845 triệu lượt...
Nội dung đầu tư phát triển các bến cảng, khu bến cảng đã có lộ trình di dời, chuyển đổi công năng hoặc không đầu tư mở rộng, chỉ khai thác với quy mô hiện hữu các cầu cảng, bến cảng, khu bến cảng thuộc từng nhóm cảng biển như khu bến Hoàng Diệu, trên sông Cấm (Hải Phòng), khu bến Tiên Sa (Đà Nẵng), khu bến trên sông Sài Gòn (cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh)...
Đặc biệt, Quy hoạch đã cập nhật nội dung cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh là cảng tiềm năng đặc biệt, trong đó có "bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ" phù hợp với Quyết định số 442/QĐ-TTg, bảo đảm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển cũng như tính liên kết, đồng bộ và có hệ thống giữa các cảng biển, địa phương, ngành, vùng trong cả nước gắn với đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng-an ninh, giữa phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải và phát triển đô thị, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển các vùng, miền, địa phương; phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Tại cuộc họp, các bộ, ngành, địa phương, tổng công ty thảo luận, cho ý kiến về tính hiệu quả khi xây dựng và triển khai Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, góp phần tích cực thúc đẩy các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng conterner; dịch vụ xếp dỡ hàng conterner; dịch vụ thông quan; dịch vụ vận tải hàng hóa; dịch vụ cầu, bến và phao neo.
Một số ý kiến đề nghị việc xây dựng Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển cần xác định rõ mục tiêu quy hoạch với các nội dung cụ thể về mục tiêu hàng hóa, kết cấu hạ tầng cho từng nhóm cảng biển, cảng biển, khu bến.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Quy hoạch phải đồng bộ, thống nhất, dựa trên những tiêu chí khoa học, "có động, có mở" để điều chỉnh, cập nhật kịp thời về công nghệ, phương thức quản lý, thay đổi ở khu vực và quốc tế.
Đồng thời, Quy hoạch phải đề xuất một số cơ chế, chính sách để phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển an toàn, thuận lợi, đầu tư hiệu quả cho các hãng vận tải biển hàng đầu thế giới với sự điều hành, quản lý tổng thể của Nhà nước, phát huy năng lực, sức sáng tạo của nhà đầu tư.
Bộ Giao thông Vận tải tư vấn lập quy hoạch bảo đảm đầy đủ hồ sơ, trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật về quy hoạch, hàng hải, giao thông; tính chính xác, khoa học của số liệu, căn cứ để đánh giá, dự báo kịch bản phát triển; sự thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch vùng, địa phương.
Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải thường xuyên theo dõi, báo cáo các thay đổi bất ngờ, ngoài dự báo để quy hoạch "không hạn chế sáng tạo."
Những nội dung mới được bổ sung trong quy hoạch cần được đánh giá mục tiêu, hiệu quả tổng thể, nhất là mối quan hệ, tác động đối với các dự án lớn, chiến lược.
Khai thác cảng không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái
Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nghe báo cáo chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các bộ, ngành liên quan rà soát tính đồng bộ, thống nhất của dự án với các quy hoạch liên quan, khẩn trương hoàn thiện đầy đủ hồ sơ để tiến hành thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư; tiếp tục làm rõ các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, "vòng đời dự án" theo đúng quy định pháp luật; bổ sung yêu cầu, định hướng về chuyển giao công nghệ hiện đại...
"Thiết kế của Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn phải đồng bộ, tổng thể, chi tiết cho 7 giai đoạn đầu tư, xác định rõ vị trí các khu chức năng, giải quyết mối quan hệ với các cụm cảng biển khác, hạ tầng dùng chung, hạ tầng kết nối, đào tạo nhân lực...," Phó Thủ tướng lưu ý: "không bỏ qua, hy sinh môi trường," bảo đảm lợi ích tổng thể, hài hòa, tránh xung đột với các dự án khác.
Dự án phải góp phần thực hiện mục tiêu phát triển một số cảng biển đủ khả năng cạnh tranh quốc tế và khu vực; tìm được nhà đầu tư có năng lực công nghệ, nhân lực, quản trị... thu hút được các hãng tàu lớn trên thế giới; có lộ trình chuyển đổi thành cảng biển xanh với hạ tầng đi kèm.
Dự báo tới năm 2030 có hơn 1,2 tỷ tấn hàng hóa vận chuyển qua cảng biển
Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 cần khoảng 351.500 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư hạ tầng hàng hải 72.800 tỷ đồng; vốn đầu tư cho bến cảng 278.700 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn tại huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) đang ở giai đoạn xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, bao gồm các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container cảng biển.
Dự kiến quy mô sử dụng đất là 571ha; tổng vốn đầu tư khoảng 113.500 tỷ đồng; 7 giai đoạn đầu tư trong vòng 22 năm.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định việc đánh giá chi tiết tác động môi trường của dự án cảng sẽ được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo quy định pháp luật về môi trường, đảm bảo không ảnh hưởng đến Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Những yêu cầu về công nghệ khai thác hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo quá trình đầu tư xây dựng và hoạt động khai thác cảng không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đặc biệt Khu dự trữ sinh quyền rừng ngập mặn Cần Giờ sẽ được nghiên cứu, xây dựng để lựa chọn nhà đầu tư xây dựng cảng.
Thảo luận tại cuộc họp, Tổng Giám đốc Tổng Công ty hàng Hải Việt Nam Nguyễn Cảnh Tĩnh cho rằng dự án được đánh giá có tính khả thi cao vì sản lượng hàng hóa đã được xác định; đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các giải pháp, bảo đảm vấn đề giao đất cho dự án theo đúng tiến độ ở từng giai đoạn; đồng thời xây dựng, công bố rõ các tiêu chí, điều kiện trong thu hút đầu tư cũng như những vấn đề mà nhà đầu tư cần phải cam kết.
Theo đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là dự án nằm ở vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, có hệ thống rừng ngập mặn tái sinh được UNESCO công nhận, do đó việc triển khai dự án cần phải có những đánh giá tác động kỹ lưỡng đến môi trường, bảo tồn thiên nhiên, môi trường và tài nguyên biển...; đồng thời có đánh giá cụ thể hơn về quy hoạch, sử dụng đất đai xung quanh khu vực dự án; sự phù hợp về quy hoạch của dự án trong tổng thể quy hoạch chung...
Nhấn mạnh thời gian thực hiện dự án khá dài, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh đề nghị báo cáo Dự án cần làm rõ xu hướng phát triển cũng như chuyển giao công nghệ đối với các hợp phần của dự án; tránh tình trạng không dự báo tốt xu hướng phát triển của công nghệ dẫn đến đầu tư không được tính toán kỹ, sớm bị lạc hậu./.