Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 23/9 đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) giảm nợ thêm cho Hy Lạp, đồng thời giảm bớt yêu cầu của EU về vấn đề ngân sách.
Theo báo cáo thường niên của IMF về tình hình kinh tế Hy Lạp, ngay cả khi Athens hoàn toàn tuân thủ chương trình cải cách và thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của EU, Chính phủ Hy Lạp vẫn mong muốn được giảm gánh nặng nợ công, thậm chí muốn giảm đáng kể khoản nợ được xác định dựa trên chỉ tiêu tăng trưởng và tài chính khả thi của nước này.
IMF cho rằng hiện các chỉ tiêu do EU đặt ra không thực tế, ám chỉ mục tiêu buộc Hy Lạp phải tạo ra thặng dư ngân sách 3,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018. Với tỷ lệ thất nghiệp hai con số được dự báo kéo dài, Hy Lạp không hy vọng đạt được tăng trưởng cao và thặng dư ngân sách lớn như vậy trong cùng một thời điểm.
Báo cáo của IMF cũng cho rằng việc đánh giá nên được xác định dựa trên những giả định thực tế về khả năng của Hy Lạp để tạo ra thặng dư liên tục và tăng trưởng lâu dài. Trong bối cảnh này chưa thể khẳng định Hy Lạp có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ.
Theo Bộ Tài chính Hy Lạp, nước này sẽ thông qua gói các biện pháp cải cách mới trước cuối tháng này nhằm xoa dịu lo ngại của các chủ nợ như IMF và EU, trong đó bao gồm việc minh bạch hơn các giao dịch điện tử và các biện pháp tái cơ cấu nợ công ty.
Tuần trước, các chủ nợ của Hy Lạp đã nối lại việc kiểm toán tài chính sau khi Thủ tướng Alexis Tsipras nói rằng bất đồng giữa EU và IMF đang cản trở tiến trình Athens nhận đợt giải ngân tiếp theo trị giá 2,8 tỷ euro (3 tỷ USD) trong khoản vay cứu trợ đã bị treo kể tháng 6 vừa qua.
Trước đó, Thủ tướng Tsipras cho rằng bất đồng giữa IMF và EU về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp đang gây thiệt hại cho quốc gia này.
Theo ông Tsipras, nguyên nhân khiến Hy Lạp chưa lấy lại lòng tin của thị trường và các nhà đầu tư là do mâu thuẫn và bất đồng kéo dài liên tục giữa IMF và các thể chế của EU.
Bên cạnh đó, ông Tsipras cũng nhấn mạnh rằng một quốc gia nỗ lực cải cách mạnh mẽ như Hy Lạp - với việc hoàn tất 70% cải cách trong thời gian qua theo yêu cầu của các chủ nợ, sẽ không thể chờ đợi thêm được nữa và nước này có quyền được đối xử công bằng về vấn đề nợ công./.