Sáng 24/2, tại Phủ Chủ tịch, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao Quyết định bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 cho 15 cán bộ.
Các Đại sứ sẽ thực hiện nhiệm vụ ở 4 châu lục châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi; trong đó có nhiều đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống của Việt Nam.
Phát biểu giao nhiệm vụ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quyền Chủ tịch nước chúc mừng 15 Đại sứ được bổ nhiệm, tin tưởng các Đại sứ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nêu rõ từ xưa đến nay, việc "mang chuông đi đánh xứ người" luôn là công việc rất khó khăn, vất vả, đòi hỏi những phẩm chất đặc biệt của người làm công tác đối ngoại.
[Chủ tịch nước trao Quyết định bổ nhiệm Đại sứ Việt Nam tại các nước]
Ngành ngoại giao nước ta hình thành và phát triển từ rất sớm, gắn liền với bản sắc văn hóa và lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc: Hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, thân thiện, hữu nghị và nhân văn; kế thừa và phát triển đường lối ngoại giao của cha ông ta và tư tưởng Hồ Chí Minh, có sách lược linh hoạt "dĩ bất biến, ứng vạn biến" phù hợp bối cảnh của đất nước và thế giới trong từng giai đoạn, luôn đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết để giữ được môi trường hòa bình, ổn định và phát triển, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Cùng với chủ trương, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân, vai trò tiên phong, nòng cốt của các cơ quan ngoại giao, công tác đối ngoại đã đạt được nhiều thành tựu, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, công tác ngoại giao luôn được các quốc gia đặt vị trí quan trọng để phát triển đất nước, tăng thế và lực cho mỗi nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới, khi nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong bối cảnh mới, đòi hỏi ngành ngoại giao cần nỗ lực đóng góp nhiều hơn nữa, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước.
Quyền Chủ tịch nước nhấn mạnh nhiệm kỳ của các Đại sứ trùng với giai đoạn "nước rút" có tính quyết định để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong khi đó, tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến phức tạp, thậm chí vượt ra ngoài những khuôn khổ dự báo thông thường với nhiều thách thức tác động mạnh đến an ninh và phát triển của đất nước, đặt ra những yêu cầu ngày càng thiết thực hơn, nặng nề hơn đối với công tác đối ngoại.
Toàn ngành ngoại giao, trong đó có các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải ở tuyến đầu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy vai trò tiên phong, nắm chắc tình hình, "biết người, biết ta," chủ động đi trước mở đường cho phát triển đất nước; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để bị động bất ngờ; dám nghĩ, dám làm, bắt kịp với xu thế mới; liên tục đổi mới tư duy để thích ứng kịp thời với tình hình.
Nhấn mạnh vai trò của ngoại giao tâm công, "ngoại giao cây tre," các Đại sứ nhận nhiệm vụ có bề dày kinh nghiệm, với kiến thức và hành trang đã được trang bị, để phát huy vai trò tiên phong của công tác ngoại giao trong phát triển đất nước, Quyền Chủ tịch nước đề nghị các Đại sứ chỉ đạo cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phát huy truyền thống và tinh hoa ngoại giao của cha ông, vận dụng tốt trường phái đối ngoại và ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" mềm mại, khôn khéo, linh hoạt nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt, bản lĩnh.
Trên tinh thần đó, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân yêu cầu các Đại sứ nỗ lực đóng góp xây dựng nền ngoại giao hiện đại, toàn diện, mạnh mẽ và bền vững ở cả ba trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác đối ngoại, duy trì và thúc đẩy mạnh mẽ, làm sâu sắc và hiệu quả hơn mối quan hệ hợp tác với các nước trên các lĩnh vực, phát huy sức mạnh tổng hợp cả đối ngoại song phương và đa phương.
Để đáp ứng mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển bền vững đất nước, tiếp tục nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, các đại sứ cần nắm bắt những trào lưu, xu thế phát triển mới trên thế giới, bám sát yêu cầu của đất nước, người dân, doanh nghiệp và các địa phương, phát huy vai trò, lợi thế của mình, đóng vai trò chủ động, tích cực hơn nữa mở rộng kinh tế đối ngoại và đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển; chú trọng triển khai công tác ngoại giao văn hóa và ngoại giao công chúng với hình thức sáng tạo, phù hợp, phát huy "sức mạnh mềm" của dân tộc.
Đề cập ngành ngoại giao cần "gạn đục, khơi trong," giữ vững được niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, Quyền Chủ tịch nước đề nghị các Đại sứ phải trở thành những tấm gương về năng lực, phẩm chất, bản lĩnh, trí tuệ, không ngừng phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức; quan tâm xây dựng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, là mái ấm, chỗ dựa cho kiều bào, xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết vững mạnh, hướng về Tổ quốc và vì Tổ quốc.
Thay mặt 15 Đại sứ được bổ nhiệm, Đại sứ Ngô Hướng Nam bày tỏ xúc động được nhận quyết định bổ nhiệm. Đại sứ nêu rõ, cùng với niềm vinh dự, tự hào, nhận thức rõ trách nhiệm to lớn trước nhiệm vụ nặng nề được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, luôn ghi nhớ chỉ đạo của Quyền Chủ tịch nước, cam kết sẽ làm hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị của Việt Nam với các nước./.