DN nước ngoài áp đảo

Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật: DN nước ngoài áp đảo

Trong số 390 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ở Việt Nam thì chỉ vài hoạt chất được sản xuất ở các xí nghiệp trong nước.
Tại hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 18/10, các đại biểu cho rằng Luật này tạo hiệu lực pháp lý cao, có tác dụng lớn trong việc hạn chế và loại bỏ các sai phạm trong bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn còn nhiều điều gây tranh cãi.

Nhập nguyên liệu là chủ yếu


Trong sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, tổng hợp hoạt chất là giai đoạn phức tạp, đòi hỏi công nghệ và thiết bị hiện đại. Khoảng 15-20 năm nữa, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể tiếp cận được công nghệ này.

Ông Trần Quang Hùng, Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cho rằng trong số 390 hoạt chất thuốc kỹ thuật được sử dụng ở Việt Nam thì chỉ có vài hoạt chất được sản xuất trong nước nhưng là của xí nghiệp liên doanh với nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ nhập nguyên liệu về để sản xuất thành phẩm.

Chế biến thành phẩm cũng đòi hỏi kỹ thuật cao, thiết bị phù hợp, Việt Nam có thể nghiên cứu chế biến, chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, trong số 200 doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật, có 97 doanh nghiệp có cơ sở sản xuất và khoảng 50 doanh nghiệp có đủ điều kiện sản xuất nhưng không có địa điểm xây dựng nhà máy, phải liên kết sản xuất với các doanh nghiệp khác.

Nếu các doanh nghiệp này được cho là chỉ được kinh doanh mà không sản xuất, không được quyền đăng ký sản phẩm sẽ là bất hợp lý.

Để quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với thông lệ quốc tế, Luật nên quy định là các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam chứ không phải các thuốc thành phẩm. Nếu không Luật sẽ ngăn cản sự trao đổi hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật và các phụ liệu khác giữa các doanh nghiệp trong nước mà việc trao đổi này rất cần thiết cho sản xuất.

Hiện nay 80 đến 90% thuốc nguyên chất bảo vệ thực vật được mua bán, sử dụng trên thế giới đã hết thời hạn bảo hộ quyền phát minh sáng chế. Đây là loại thuốc thông dụng không bị bất cứ ràng buộc nào về quyền sở hữu sản xuất, rất có lợi để Việt Nam tận dụng trong khi chưa sản xuất được thuốc nguyên chất. Do vậy, Luật không nên có quy định trói buộc doanh nghiệp vào giấy ủy quyền.

Theo ông Hùng, ủy quyền đăng ký là việc làm bình thường. Nếu buộc doanh nghiệp sản xuất hoạt chất phải có giấy ủy quyền khi đăng ký thuốc dù hoạt chất là loại thuốc thông dụng, sẽ tạo nên thế độc quyền của người bán, làm tăng giá, gây xáo trộn thị trường...

Cần khu công nghiệp xanh sản xuất thuốc


Nhiều đại biểu kiến nghị cần xây dựng các khu công nghiệp sinh thái hay khu công nghiệp xanh sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, các cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật nằm rải rác gây khó khăn cho công tác quản lý, tốn kém để xử lý môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.

Ở các nước khác, thuốc bảo vệ thực vật được quy hoạch sản xuất trong khu công nghiệp sinh thái. Đây là mô hình mạng lưới khu công nghiệp hài hòa, an ninh, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Các loại chất thải và phế liệu được xử lý triệt để, giảm thiểu và ngăn chặn ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, một số vấn đề mới cần được bổ sung vào Luật như bệnh viện cây trồng, đánh giá rủi ro môi trường, công nghệ sinh học...

Theo tiến sỹ Nguyễn Kim Vân, Hội Khoa học kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam, bệnh viện cây trồng là chương trình toàn cầu, do Viện nghiên cứu Nông nghiệp và Sinh học quốc tế chủ trì, đang áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Cách tiếp cận là mở các bệnh viện này tại địa phương, có sự tham gia của các cơ quan quản lý ngành bảo vệ thực vật các cấp. Luật cần phải có điều khoản về công nghệ sinh học và ứng dụng, những quy định về việc sử dụng thuốc trừ cỏ cho các cây trồng biến đổi gen, cấm triệt để nhập khẩu và sử dụng các hóa chất độc hại, quy định gắn mã số đối với tất cả hàng nông sản Việt Nam.

Mỗi năm Việt Nam thải ra hơn 10.000 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, bởi vậy Luật cần bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc và người sử dụng, biện pháp bắt buộc chứ không thể để tự giác./.

Minh Nguyệt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục