Sắp khai mạc triển lãm "Côn Đảo qua tài liệu lưu trữ"

Triển lãm trưng bày bộ sưu tập 100 văn bản và những hình ảnh về nhà yêu nước, chiến sỹ cộng sản từng bị giam tại nhà tù Côn Đảo.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước) sẽ phối hợp với Ban Quản lý Di tích Côn Đảo tổ chức triển lãm “Côn Đảo qua tài liệu lưu trữ” từ ngày 22/11/2013-30/4/2014 tại Nhà Tả Vu và Hữu Vu (Đền thờ Côn Đảo), huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Triển lãm trưng bày bộ sưu tập gồm 100 văn bản được lựa chọn từ các phông tài liệu lưu trữ tiếng Pháp và Hán-Nôm bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và những hình ảnh về những nhà yêu nước, chiến sỹ cộng sản từng bị giam tại nhà tù Côn Đảo, đang được bảo quản tại Ban Quản lý Di tích Côn Đảo.

Tài liệu trưng bày tại Triển lãm được bố cục thành bốn phần, gồm lịch sử Côn Đảo; nhà tù Côn Đảo; một số đời chúa đảo và giám đốc nhà tù Côn Đảo; những nhà yêu nước và chiến sỹ cộng sản từng bị giam tại nhà tù Côn Đảo.

Các tài liệu phản ánh nhiều nội dung phong phú như Triều Nguyễn cho người đến khai khẩn ở Côn Đảo, thực dân Pháp xâm lược và vùng đất này bị nhượng hoàn toàn cho Pháp, việc phân chia hành chính, vấn đề hộ tịch ở Côn Đảo... Những tài liệu này cho thấy chúa Nguyễn đã xác lập, bảo vệ chủ quyền tại Côn Đảo và vị thế ngày càng lớn của Côn Đảo đối với Việt Nam.

Một số vấn đề về tài chính, xây dựng, tái thiết nhà tù, chế độ đối với tù nhân… cũng được làm rõ thông qua các loại quyết định, nghị định, công văn trao đổi, bản vẽ… được trưng bày tại Triển lãm. Nhiều tài liệu cũng làm rõ về những người giữ chức danh Quan cai trị tiểu khu hay Chánh Tham biện, thường được dân gian gọi là Chúa đảo và những tên cai ngục khét tiếng tàn bạo mang chức danh Giám đốc nhà tù ở Côn Đảo.

Triển lãm cũng trưng bày hàng loạt tài liệu về quá trình tồn tại và hoạt động của Nhà tù Côn Đảo, trong đó có những tài liệu và hình ảnh chân thực về hàng vạn con người bị giam giữ nơi đây. Đó là những nông dân và sỹ phu yêu nước trong các phong trào Cần Vương, Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, chống thuế ở Trung Kỳ, nổi dậy ở Nam Kỳ, những cán bộ, đảng viên Đảng cộng sản…

Xuất phát từ tình trạng vật lý của tài liệu và yêu cầu bảo vệ an toàn tài liệu, Ban tổ chức chỉ đưa ra các phiên bản để trưng bày. Phần lớn bản gốc tài liệu đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Số tài liệu còn lại thuộc Ban Quản lý Di tích Côn Đảo./.

(TTXVN)