Ngay sau khi các Bộ trưởng Nội vụ Liên minh châu Âu (EU) thông qua kế hoạch phân bổ 120.000 người di cư mới trong cuộc họp ngày 22/9, Thủ tướng Cộng hòa Slovakia Robert Fico khẳng định nước này vẫn phản đối việc áp hạn ngạch bắt buộc tiếp nhận người di cư do khối này đặt ra.
Phát biểu trên kênh truyền hình TA3, ông Fico nhấn mạnh với tư cách nhà lãnh đạo đất nước, ông sẽ không chấp nhận hạn ngạch bắt buộc được đa số thành viên EU thông qua nói trên - điều vốn gây bất đồng gay gắt giữa các nước thành viên trong khối, đặc biệt giữa các quốc gia Trung và Đông Âu.
Trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của lãnh đạo các nước thành viên EU trong ngày 23/9, ông Fico cũng cho biết ông có thể không tham dự hội nghị này để bày tỏ sự phản đối của Slovakia, dù cho đó là sự phản đối đơn phương và có thể vấp phải sự chỉ trích của các nước thành viên khác.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, khoảng 500 người dân Latvia đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Riga để phản đối chính phủ nước này quyết định tiếp nhận 776 người di cư từ nước ngoài.
Những người biểu tình, có sự tham gia của 2 thành viên đảng Liên minh Dân tộc theo đường lối cánh hữu thuộc liên minh cầm quyền, đã giương cao biểu ngữ, yêu cầu giải tán chính phủ, phản đối người nhập cư và ca ngợi sự cứng rắn của Chính phủ Hungary đối với những người di cư xâm nhập trái phép, đồng thời chỉ trích kế hoạch phân bổ người di cư của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker.
Đại diện những người biểu tình cho rằng Latvia không nhất thiết phải tiếp nhận người di cư mà có thể giúp đỡ những người này dưới nhiều hình thức khác nhau, như hỗ trợ lương thực và cấp phát thuốc.
Latvia, cùng Cộng hòa Séc, Hungary, Romania và Slovakia là các nước EU đã phản đối kịch liệt khối này áp đặt trách nhiệm cho các nước thành viên phải tái định cư 120.000 người di cư đang tạm trú ở Hy Lạp, Hungary và Italy.
Cũng trong ngày 23/9, Thủ tướng Croatia Zoran Milanovic đã kêu gọi Serbia hướng dẫn người di cư đi về hướng biên giới Hungary và Romania, giúp Croatia giảm bớt gánh nặng dòng người di cư đang dồn về biên giới giữa Croatia và Serbia.
Thủ tướng Milanovic cho rằng nước này vẫn tiếp nhận người di cư vượt qua biên giới Serbia, nhưng Hungary và Romania cũng phải có trách nhiệm này.
Trước đó, từ ngày 15/9, Hungary đã đóng 7 trên 8 cửa khẩu biên giới với Serbia để ngăn làn sóng người di cư. Động thái trên của Hungary đã khiến dòng người di cư dồn sang Croatia và khiến nước này bị quá tải.
Theo thống kê, chỉ trong 6 ngày qua, đã có gần 35.000 người di cư từ Serbia tràn sang lãnh thổ Croatia, để từ đó có thể tiếp tục hành trình dư cư sang Hungary, Slovenia và một số quốc gia thành viên EU khác./.