Sớm triển khai quản lý hóa đơn điện tử với dịch vụ ăn uống và nhỏ lẻ

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo chín nhiệm vụ trọng tâm cho ngành Tài chính tại Hội nghị Sơ kết công tác Tài chính-Ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023, ngày 13/7.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài chính cần phải làm tốt và nhanh hơn nữa đối với các nhiệm vụ cấp bách đồng thời phối hợp khẩn trương đối với các nhiệm vụ tham gia cùng với các bộ, ngành khác. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài chính cần phải làm tốt và nhanh hơn nữa đối với các nhiệm vụ cấp bách đồng thời phối hợp khẩn trương đối với các nhiệm vụ tham gia cùng với các bộ, ngành khác. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngành Tài chính cần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan. Trong đó, triển khai sớm việc quản lý hóa đơn điện tử đối với dịch vụ ăn uống, nhỏ lẻ để tạo thuận lợi cho kê khai thuế, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng.

Đây là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo Hội nghị Sơ kết công tác Tài chính-Ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và giải pháp triển khai 6 tháng cuối năm 2023, ngày 13/7.

[Bộ Tài chính: 8 giải pháp đảm bảo mục tiêu cân đối ngân sách Nhà nước]

Bên cạnh những nhiệm vụ đạt được, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng lưu ý một số nhiệm vụ các đơn vị trong ngành triển khai còn chậm. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính cần phải làm tốt và nhanh hơn nữa đối với các nhiệm vụ cấp bách đồng thời phối hợp khẩn trương đối với các nhiệm vụ tham gia cùng với các bộ, ngành khác.

Nhận định tình hình kinh tế-xã hội sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức trong các tháng còn lại của năm. Nhất là những ảnh hưởng từ môi trường quốc tế (như áp lực kiểm soát lạm phát gia tăng, rủi ro về biến đổi khí hậu, dịch bệnh…) tới việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của cả năm, trong đó có mục tiêu của ngành Tài chính.

Do đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính cần tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Một là thực hiện nghiêm các Nghị quyết, chủ trương của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đồng thời điều hành chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm trọng điểm, đảm bảo hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát.

Hai là tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu, chi ngân sách Nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, quản lý sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài khóa nhưng không ảnh hưởng đến an toàn nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia gắn với sử dụng vốn có hiệu quả. Thêm vào đó, Bộ cần sớm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023.

Sớm triển khai quản lý hóa đơn điện tử với dịch vụ ăn uống và nhỏ lẻ ảnh 1Hội nghị Sơ kết công tác Tài chính-Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và giải pháp triển khai 6 tháng cuối năm 2023, ngày 13/7. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ ba, Bộ Tài chính tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách tài khóa đã ban hành, nhất là chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; Kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; Phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã đề ra.

Bốn là quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ bội chi theo dự toán Quốc hội quyết định.

Thứ Năm, ngành Tài chính kiểm soát nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép, các nghĩa vụ trả nợ dự phòng của ngân sách Nhà nước, nợ chính quyền địa phương, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ phù hợp với tiến độ thu, chi và giải ngân vốn đầu tư công.

Sáu là triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp, giải pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả, thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu do nhà nước định giá. Ngành chú trọng công tác thông tin, truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, góp phần tạo đồng thuận xã hội đối với công tác điều hành giá, ổn định tâm lý người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính khẩn trương xử lý thực chất, hiệu quả những tồn tại, bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, bảo hiểm và thị trường chứng khoán.

Thứ bẩy, toàn ngành tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính trong lĩnh vực tài chính công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt, ngành Hải quan đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Thứ tám, ngành Tài chính tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là về quản lý, kiểm tra chuyên ngành để giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp, đẩy nhanh việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và người dân. Bộ Tài chính cần khẩn trương cho vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 7/2023.

Chín là tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan. Trong đó, ngành Thuế triển khai sớm việc quản lý hóa đơn điện tử đối với dịch vụ ăn uống, nhỏ lẻ để tạo thuận lợi cho kê khai thuế, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh trong bối cảnh khó khăn chung, thách thức còn nhiều, công việc của năm 2023 còn lớn, song với quyết tâm cao, phát huy truyền thống đoàn kết, đồng thuận trong nhận thức và hành động của cả Hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và toàn ngành Tài chính, tiếp tục với những giải pháp đột phá, sáng tạo.

Phó Thủ tướng tin tưởng ngành Tài chính sẽ hoàn thành được mục tiêu, nhiệm vụ tài chính- ngân sách Nhà nước được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao. Qua đó, toàn ngành góp phần vào thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, tạo tiền đề tích cực cho công tác xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 và hoàn thành mục tiêu chung của Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục