Sự hỗn loạn của LĐBĐ Argentina khiến huấn luyện viên Martino từ chức

Tiếp theo tuyên bố rời bỏ đội tuyển của Messi gây ra một cơn địa chấn tâm lý ở cấp quốc gia, đến lượt Tata Martino, người dẫn dắt đội bóng áo trắng-xanh gần hai năm qua, cũng quyết định từ chức.
Sự hỗn loạn của LĐBĐ Argentina khiến huấn luyện viên Martino từ chức ảnh 1HLV Tata Martino từ chức. (Nguồn: AP)

Bóng đá Argentina đang trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng sau thất bại tại ​Copa America vừa qua. Tiếp theo tuyên bố rời bỏ đội tuyển của Messi gây ra một cơn địa chấn tâm lý ở cấp quốc gia, đến lượt Tata Marti​no, người dẫn dắt đội bóng áo trắng-xanh gần hai năm qua, cũng quyết định từ chức huấn luyện viên trưởng.

Đáng chú ý là thông báo từ chức của Martino được đưa ra chỉ một tháng trước Olympic 2016, nơi đội tuyển Argentina từng là ứng viên vô địch. Tuy nhiên, nó không có gì là khó hiểu đối với những ai theo dõi cuộc chiến đẫm máu để tranh giành quyền lực tại Liên đoàn Bóng đá Argentina (AFA).

Martino từ chức vì không thể tạo ra một đội bóng đủ sức cạnh tranh tại Olympic Brazil trong bối cảnh khủng hoảng mà AFA đang trải qua, cho dù Argentina đã từng hai lần vô địch tại Thế vận hội, vào các năm 2004 và 2008.

Tại Argentina và một số nước Nam Mỹ khác, bóng đá không chỉ là một môn thể thao. Nó gắn liền với chính trị và chủ nghĩa nghiệp đoàn.

Cuộc đấu tranh giành việc kiểm soát Liên đoàn Bóng đá trong những năm qua luôn diễn ra gay gắt giữa một bên là ông Hugo Moyano, nhà lãnh đạo công đoàn chính của Argentina, và ông Marcelo Tinelli, một người nổi tiếng trong giới showbis. Điều này dẫn đến một sự chia rẽ hoàn toàn.

Chính phủ của Tổng thống Mauricio Macri, cũng là người đến từ thế giới bóng đá, đã cố gắng kiểm soát cuộc nội chiến nói trên nhưng không đem lại kết quả.

Các phương tiện truyền thông Argentina đổ trách nhiệm cho các nhà lãnh đạo các câu lạc bộ gây ra tình hình nói trên, nhưng chính phủ cũng có phần trách nhiệm bởi họ đã thất bại trong việc kiểm soát bộ máy quyền lực bóng đá.

Tổng thống Macri đã tham gia cuộc chiến để tránh việc Moyano, người đã nắm phần lớn các nghiệp đoàn, lại nắm được bóng đá. Chính vì thế chính quyền của tổng thống Macri đã phải đương đầu với một giới nghiệp đoàn cực kỳ hiếu chiến, đến mức luôn gắn bóng đá với chính trị.

Mọi con đường đều dẫn đến bóng đá ở Argentina, người ta vẫn nói thế. Ảnh hưởng của chính phủ là rất lớn bởi lẽ các câu lạc bộ, thường đều nợ nần đến tận cổ, vẫn sống sót là nhờ sự trợ giúp từ chính phủ.

Hàng năm chính quyền phải trả cho các câu lạc bộ 2 tỷ “pesos” tương đương với 138 triệu USD để các kênh truyền hình nhà nước phát miễn phí các trận đấu theo chương trình “Bóng đá cho mọi người,” một sáng kiến từ thời tổng thống Kirchner, để tranh giành bóng đá từ Tập đoàn Clarin lớn nhất đất nước.

Bóng đá luôn là cái ổ của tham nhũng và quyền lực, đến mức khó có thể tìm thấy một nhà chính trị nào ở Argentina mà không có mối quan hệ chặt chẽ với các câu lạc bộ. Moyano là chủ tịch của câu lạc bộ Independiente, một trong những câu lạc bộ lớn nhất đất nước.

Tinelli là phó chủ tịch của đội San Lorenzo, câu lạc bộ của Giáo hoàng. Macri từng là chủ tịch của Boca Juniors, và nhờ những thắng lợi trong quản lý câu lạc bộ nói trên, ông nhảy ra làm chính trị. Anibal Fernandez, cựu cánh tay phải của Tổng thống Cristina Ferrnandez de Kirchner, là chủ tịch của câu lạc bộ Quilmes, một ông lớn khác trong làng bóng đá Argentina.

Các phần tử cực đoan nguy hiểm của các câu lạc bộ được sử dụng như những lính lê dương trong các trận chiến giữa các đảng phái chính trị hoặc nghiệp đoàn khác nhau. Họ đi dán khẩu hiệu, vẽ tranh và gõ cửa từng nhà khi xảy ra các cuộc bầu cử. Không có gì mà không dính tới bóng đá và do đó sự từ chức của Martino là một triệu chứng của tình hình hỗn loạn mà Argentina đang trải qua.

Martino từ chức vì cuộc nội chiến trong AFA dẫn đến sự trống vắng về quyền lực. Điều này cản trở ông có thể xây dựng một đội tuyển đúng tầm cho Thế vận hội sắp tới. Các câu lạc bộ đều không muốn nhường các cầu thủ hay nhất của mình cho đội tuyển tại Olympic Rio de Janeiro trong khi Liên đoàn bóng đá nước này không có khả năng can thiệp. Vậy nên Martino đã đầu hàng.

“Không có ai thực quyền ở AFA cả”, các phương tiện truyền thông của Argentina đã nói rõ ràng như vậy. Trên các mạng xã hội, các cổ động viên Argentina kêu gọi Diego Simeone, huấn luyện viên của Atltico de Madrid, hãy trở về đất nước để đương đầu với thảm họa hiện nay.

Một vài giờ trước khi Martino từ chức, đã có sự cảnh báo là nền bóng đá Argentina đang rơi vào một tình trạng rối loạn chưa từng có.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Argentina, Gerardo Weithein, đã tuyên bố vào lúc này không biết liệu Argentina có thành lập một đội tuyển để dự Olympic hay không, do tình trạng mất kiểm soát ở Liên đoàn bóng đá Argentina. Messi chắc chắn không tham dự Olympic từ trước khi tuyên bố từ bỏ đội tuyển.

Nhiều cầu thủ quan trọng khác cũng có nguy cơ không thể tham gia do không một câu lạc bộ nào muốn cho cầu thủ của mình thi đấu tại Brazil.

Phát biểu trên đài phát thanh Mitre, chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia Werthein tuyên bố: “Chỉ có 50% khả năng Argentina cử đội bóng đá nam tham dự Thế vận hội. Đã từ 20 tháng này Liên đoàn bóng đá không nói chuyện với chúng tôi.”

Sự nghiệp của Martino với đội tuyển bắt đầu từ ngày 2/9/2014 tại Dusseldorf, khi Argentina đương đầu với tuyển Đức, lúc đó là nhà vô địch thế giới. Trận cuối cùng chính là thảm kịch chung kết tại Copa America, nơi Messi sút hỏng quả phạt luân lưu. Và không ai nghi ngờ việc Martino xin rút có nguyên nhân từ sự mất kiểm soát ở Liên đoàn bóng đá Argentina./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục