Thảo luận dự án Luật khoa học-công nghệ (sửa đổi)

Sửa Luật khoa học-công nghệ phải mang tính đột phá

Thảo luận về luật này, đại biểu Quốc hội cho rằng việc sửa đổi luật phải thể chế hóa được chủ trương “phát triển KHCN là quốc sách hàng đầu.”
Tiếp tục kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, chiều 20/11, các đại biểu thảo luận tại Hội trường về dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi).

Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi dự án luật khoa học và công nghệ. Các đại biểu đánh giá dự thảo Luật về cơ bản đã được xây dựng phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển khoa học và công nghệ đã được khẳng định trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng.

Tuy nhiên các đại biểu đề nghị ban soạn thảo rà soát, bổ sung thêm các quy định để dự án luật thật sự mang tính đột phá, thể chế hóa được chủ trương lớn nhất của Đảng và chính sách của Nhà nước là bảo đảm “phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.”

Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng cần đặt lại vấn đề tiếp cận đối với dự án luật. Mục tiêu của dự án Luật cần thể hiện rõ quan điểm: khoa học công nghệ phải phục vụ cho sự nghiệp hóa, công nghiệp hóa đất nước; khoa học không chỉ "vị khoa học" mà "khoa học vị nhân sinh."

Đại biểu đề nghị đưa một chương "huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển công nghệ;" đồng thời, cần thay đổi hoàn toàn phương thức Nhà nước "bao cấp" cho khoa học công nghệ thành phương thức "tài trợ ngân sách Nhà nước" mà nhiều nước trên thế giới đang thực hiện.

Trọng dụng đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học

Đa số các đại biểu cơ bản nhất trí nội dung chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ được thể hiện trong dự thảo Luật. Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng Luật cần cụ thể hóa hơn nữa việc đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, có chính sách cụ thể, tạo môi trường làm việc cụ thể thu hút nhân tài, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành; có chế độ khen thưởng, tôn vinh các nhà khoa học có đóng góp quan trọng, có giải thưởng lớn về khoa học công nghệ; phát hiện bồi dưỡng cán bộ tài năng trẻ; quan tâm đầy đủ đến đội ngũ cán bộ khoa học trong lực lượng vũ trang; huy động các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài về đóng góp xây dựng đất nước…

Tán thành với ý kiến trên, các đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Định), Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định), Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cũng cho rằng Luật cần sửa đổi, bổ sung rõ các quy định để thu hút, trọng dụng nhân tài khoa học công nghệ, tạo điều kiện cho các nhà khoa học tiếp cận khoa học, công nghệ.

Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga phân tích rằng mặc dù các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khóa XI) và các văn bản pháp luật luôn đề cao vai trò của nhân tài khoa học nhưng Việt Nam chưa có chính sách cụ thể nào.

Đổi mới cơ bản cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học, công nghệ

Các đại biểu đều cho rằng một trong những vướng mắc lớn, điểm tắc nghẽn chủ yếu trong hoạt động khoa học, công nghệ hiện nay chính là cơ chế tài chính. Cơ chế tài chính thể hiện trong luật còn nặng tính bao cấp, chưa phù hợp với đặc thù, đáp ứng yêu cầu về tiến độ của hoạt động khoa học, công nghệ, chưa tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ bảo đảm sử dụng đúng mục đích nguồn thu của Nhà nước cấp cho khoa học công nghệ...

Ý kiến nhiều đại biểu cho rằng việc đổi mới cơ bản cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học, công nghệ cho phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học, công nghệ rất cần thiết và cần phải khẳng định cơ chế đổi mới này ngay trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao là Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).

Các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu và có đề xuất cụ thể để vừa bảo đảm tính tương thích với hệ thống pháp luật, nhưng thể hiện rõ cơ chế đặc thù cho lĩnh vực khoa học, công nghệ được coi là quốc sách.

Đối với quy định về việc trích lập quỹ khoa học công nghệ, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) kiến nghị chỉ nên quy định là quyền chứ chưa phải là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp bởi không phải tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động đều có nhu cầu về khoa học, công nghệ như nhau. Tuy nhiên, nếu quy định một chế tài bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho khoa học công nghệ với các tỷ lệ khác nhau thì cần áp dụng các biện pháp đồng bộ.

Đại biểu cho rằng sau khi Luật khoa học và Công nghệ (sửa đổi) được ban hành cần sớm ban hành các quy định về tài chính đối với quỹ của doanh nghiệp trên cơ sở tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp trích lập và chi tiêu, Nhà nước chỉ kiểm soát chi tiêu đối với phần doanh nghiệp được hưởng lợi về thuế khi trích lập quỹ. Nếu doanh nghiệp đóng góp cho địa phương, phần đóng góp này của doanh nghiệp cũng phải được miễn thuế như trích lập quỹ của doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng để bảo đảm các chính sách phát triển khoa học công nghệ cho doanh nghiệp có hiệu quả, tùy vào điều kiện của doanh nghiệp và lợi thế của địa phương mà Nhà nước có chính sách phù hợp.

Đại biểu cho rằng cần chia ra hai trường hợp: Thứ nhất tùy vào lợi thế của từng địa phương mà Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ phù hợp với lĩnh vực ưu tiên phát triển của mình. Nguồn đóng góp của quỹ do những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực của quỹ đóng góp. Trường hợp thứ hai là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không mang tính phổ biến ở địa phương, không tham gia vào các quỹ. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngoài ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào hoạt động sản xuất, ngoài các chính sách ưu tiên đã nêu trong luật, Nhà nước sẽ tạo điều kiện trong những năm đầu áp dụng công nghệ, doanh nghiệp vẫn bảo đảm sức cạnh tranh như trước đây.

Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về nguyên tắc, chính sách và nhiệm vụ hoạt động khoa học và công nghệ; về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; về quyền và nghĩa vụ của tổ chức khoa học và công nghệ.../.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục