Đối lập với sự lạnh lùng của tối giản, cảm xúc của tối đa luận dâng trào cuồng nộ, không muốn bị che giấu. Nó nổ tung trên cơ thể qua làn vải vóc phủ kín họa tiết, màu sắc rực rỡ, bề mặt bắt sáng bởi hạt cườm và chi tiết thêu móc. Sự khỏa lấp một cách đầy ứ, trù phú gợi nhớ đến một thời kỳ rực rỡ, lộng lẫy của nghệ thuật Âu châu: Baroque.
Dấu ấn Baroque
Trang phục thời Baroque, như mọi thứ người ta vẫn hình dung về tầng lớp quyền quý phong kiến, gồm có bộ đầm xòe rộng, tay phồng, ve áo đính đăng ten, đá quý, hạt cườm, ngực độn cao và eo thít chặt với corset. Nói đúng ra, váy xòe là thứ mốt cổ điển suốt thời Trung cổ, không chỉ riêng của Baroque.
Điều đặc trưng nhất của trào lưu này có lẽ chính là họa tiết trên lớp vải gấm. Các hoa văn cách điệu từ lá paisley, cây cỏ của xứ Ba Tư, thêu bằng chỉ vàng thành những mảng đối xứng trên lớp vải lụa gấm dày dặn. Đường nét thêu tinh xảo ẩn hiện cùng ánh sáng, theo nếp gấp của làn váy, giống như trò chơi sáng - tối trong kiến trúc Baroque vậy.
Vài trăm năm trôi chảy, cuối thập niên 80 gần đây, khi cả thế giới nhún nhảy với nhạc pop, với quần bó legging đủ màu sắc, với vòng tay nhựa to bản và bông tai nhũ vàng nổi cộm, Gianni Versace tiếp nối tinh thần ấy với Baroque. Gianni Versace luôn nổi tiếng với thiết kế tràn ngập màu và họa tiết, nên Baroque đến với ông tự nhiên như nhịp thở thời đại.
Đỉnh điểm của Baroque trong Versace là bộ sưu tập Xuân Hè năm 1992. Thế hệ người mẫu vàng Linda Evangelista, Naomi Campell, Cindy Crawford trình làng những bộ váy, áo, legging có họa tiết vàng rực trên nền đen lẫn trắng, đi cùng phụ kiện như thắt lưng, bông tai, dây chuyền, vòng tay to bản mạ vàng lấp lánh. Cả cơ thể dường như được phủ kín bởi những đường uốn lượn điệu đàng, vừa cổ điển, vừa phóng khoáng.
Thiết kế của Gianni Versace ngập ứ năng lượng, không có giây phút ngơi nghỉ, luôn luôn rộn ràng và phấn khích. Có lẽ Gianni Versace sẽ mãi mãi là “ông hoàng Baroque” của thế giới tạo mẫu, nếu ông không đột ngột bị ám sát vào năm 1997. Chả thế mà, khi cô em gái Donatella Versace, Giám đốc Sáng tạo nhà mốt Versace hiện giờ, kết hợp với H&M giới thiệu bộ sưu tập đậm chất Gianni, đã khiến các nàng fan hâm mộ thời xưa, nay đã hơn bốn mươi tuổi, vẫn phát cuồng lên với các hoa văn Baroque.
Nếu linh hồn Baroque được hiểu như một trường đoạn cảm xúc bộc lộ không giới hạn, thì Alexander McQueen là kẻ lĩnh hội xuất sắc nhất. Từ những bộ sưu tập đầu tiên cho tới những tác phẩm cuối đời vào năm 2010 của danh tài yểu mệnh này, Alexander McQueen luôn biểu lộ nội tâm phức tạp qua các sáng tạo nhiều chi tiết, hoa văn, cấu trúc kỳ công.
Bộ sưu tập cuối cùng mùa Thu Đông 2010 khắc họa màu sắc và đường nét Baroque rõ nét, từ hoa văn đối xứng cho tới sắc màu tĩnh vật thiên nhiên trên nền phông đen tuyền. Cái chết của người đàn ông cầm trịch Alexander McQueen tuy là mất mát lớn lao, nhưng cũng như Donatella tại nhà Versace, Sarah Burton đã thành công khi tiếp quản di sản Alexander McQueen. Vẫn những bộ váy đầm xòe nhiều lớp, cấu trúc mặt vải phức hợp, tay phồng, eo chít chặt, nhưng McQueen của Burton nữ tính hơn, có đôi chút yếu mềm trong vẻ ngoài mạnh mẽ. Bộ sưu tập Thu Đông 2012-13 nhìn tựa nữ hoàng Baroque bị lạc vào kỷ tương lai.
Thời trang nước Italy sẽ vô cùng thiếu sót và khủng hoảng khi nhắc tới tinh hoa Baroque trong thiết kế hiện đại mà không kể đến thương hiệu Dolce&Gabbana. Ngày nay, chắc không có nhà mốt Italy nào có thể đậm chất Italy hơn Dolce&Gabbana. Gợi cảm, sung túc, vui vẻ, trẻ trung, vừa cổ điển theo lề thói tôn giáo và gia đình, vừa nổi loạn điên rồ, là vài đặc điểm tất yếu của nhà mốt này. Baroque cũng vậy, vì nó vừa được giới cầm quyền phong kiến dùng làm biểu trưng đối trọng với phe tôn giáo nhà thờ và giới quý tộc, thương nhân; nhưng đồng thời, nhà thờ lại dùng chính Baroque làm ngôn ngữ gần gũi để truyền bá thẩm mỹ tôn giáo tới đại đa số bình dân; cùng lúc, Baroque lại là cuộc đua nghệ thuật, áo quần, trang sức, nội thất giữa nhiều gia đình quý tộc, thượng lưu.
Sức sống mãnh liệt truyền từ Baroque lây lan qua màu sắc ấm áp và họa tiết căng tràn sinh khí của hoa cỏ. Và trang phục Dolce&Gabbana quả đúng như luồng gió Baroque. Bộ sưu tập Thu Đông 2012-13 và gần đây nhất, Xuân Hè 2013, đậm đặc chất Baroque, từ tranh tường nhà thờ, tĩnh vật hoa trái, tới đường thêu chỉ vàng hoàng gia phong kiến. Hình dáng người phụ nữ Dolce&Gabbana cũng làm gợi nhớ hình ảnh nữ hoàng Pháp Maria de Medici thế kỉ 17, với đầm xòe màu đen, thêu chỉ vàng, đính đăng ten diềm váy cùng áo khoác ống tay rộng tà rộng bản. Hai “gã trai” người Italy Domenico Dolce và Stefano Gabbana đem đến cho người phụ nữ thời hiện đại làn gió Địa Trung Hải ấm áp của 300 năm về trước, nhưng gợi cảm và quyết liệt hơn.
Xu hướng Baroque
Baroque không chỉ là dấu ấn của một vài nhà tạo mẫu đơn lẻ, nó dần thu hút sự quan tâm của nhiều nhà mốt khác. Bởi lẽ, thời trang không gì khác là tạo hiệu ứng hình ảnh trên cơ thể con người qua vải vóc, và Baroque là một trong những thứ công cụ tạo hiệu ứng tối đa nhất. Thời trang biến đổi không ngừng, cảm hứng sáng tạo của nhà thiết kế cũng vậy. Cuộc dạo chơi vào khu vườn Baroque là một chuyến du hành thú vị. Từng mùa thời trang trôi qua, ta lại bắt gặp một hay vài kẻ gia nhập đội chơi, mỗi người có chiến thuật riêng.
Xuân Hè 2011, nhà mốt kỳ cựu Prada tưng bừng tung hô hình ảnh chú khỉ, quả chuối, hoa lá cách điệu thành họa tiết hơi hướng Baroque. Đường cong, nét lượn không phải sắc nhũ vàng mà là cam, đỏ, tím, xanh lá, hồng cánh sen. Phá cách như vậy chỉ có Miuccia Prada mới thực hiện được.
Còn với Riccardo Tisci, chuyến thăm thú Baroque kéo dài tận hai năm. Bắt đầu từ mùa Xuân Hè 2010 tới 2012, bốn bộ sưu tập haute couture của nhà Givenchy là cú hồi sinh xa xỉ nhất của Baroque thế kỷ hai mươi mốt. Baroque của Tisci đắt giá khi chúng là những đường khâu tay tỉ mẩn, họa tiết kết pha lê, cườm tinh xảo hay mối nối da thuộc kì công. Nó vừa cổ điển, vừa hiện đại, nhưng khác lạ là, nó mang màu sắc hơi u uất và trầm mặc – cá tính đặc trưng trong thiết kế của Tisci. Sự giàu có của Baroque nhuốm màu Gothic chính là tuyệt tác Riccardo Tisci mang lại.
Giấc mơ sung túc mãi mãi hiện diện như một giá trị bất biến, đỉnh điểm từ thời Baroque và kéo dài tới tận xã hội hiện đại ngày nay. Giá trị lịch sử là kho tàng vô giá của nhân loại. Nó đúng về mặt chính trị, văn hóa, lẫn cả trong điều thường nhật nhất - cái ăn cái mặc. Khi nào con người còn mơ về giấc mơ trù phú của hoa trái, nghệ thuật, thì còn đó linh hồn Baroque./.