Chiều 29/10, tiếp tục Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, sau khi nghe báo cáo dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), các đại biểu thảo luận tại tổ về vấn đề này.
Nhiều đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có những trao đổi về vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là trong bối cải tác động của dịch COVID-19.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ sau nhiều năm cơ cấu lại nền kinh tế, chúng ta đạt được nhiều kết quả nhất định như tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 5,7% (cao hơn mục tiêu 5,5%); đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cao đạt trên 45% (mục tiêu 30-35%); vấn đề kiểm soát lạm phát 5 năm liên tiếp dưới 4%... Cùng với đó, nợ công giảm rất sâu, điều này cho dư địa rất lớn để thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Đối với cơ cấu đầu tư công, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng tuy có những kết quả tích cực nhưng phải nhìn nhận hiệu quả đầu tư công đạt tỷ lệ thấp. Điểm yếu lớn nhất là giải ngân trong đầu tư công và việc phát huy vai trò dẫn dắt vốn đầu tư xã hội vừa qua chưa thể hiện được, bởi vốn đầu tư công trong tổng vốn đầu tư xã hội còn rất cao. Thời gian tới, việc phân bổ đầu tư phải phục vụ cho cơ cấu lại nền kinh tế. Chính phủ quan tâm nhiều đến phân bổ vốn theo cơ cấu đầu tư, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành…
Về cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ quan tâm đến các quan điểm: tiếp tục thực hiện cơ cấu đồng bộ từ trên xuống dưới, ở tất cả các ngành; việc đổi mới tăng trưởng phải kiên định mục tiêu là đổi mới theo chiều sâu, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, trước đây chỉ thích ứng với biến đổi khí hậu, thì hiện nay phải thêm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với tình hình dịch COVID-19,” đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
[Chính phủ trình Quốc hội xem xét kế hoạch sử dụng đất quốc gia]
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, trong giai đoạn hiện nay, việc mở rộng không gian kinh tế rất quan trọng, nhất là phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn, phát huy vai trò vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Đại dịch COVID-19 vừa qua cho thấy việc liên kết vùng, kết nối vùng rất quan trọng. Nghiên cứu thể chế cho hoạt động liên kết vùng, bộ máy hoạt động vận hành vùng là cần thiết, điều này nhằm đảm bảo được kết nối vùng, liên kết vùng hiệu quả nhất.
Cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, vấn đề chuyển đổi cơ cấu đã đặt ra ít nhất trong 15 năm nay, thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng cũng như Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế chậm, không đạt yêu cầu.
Đại biểu nhận định nền kinh tế đang phát triển hiện có những yếu điểm và nhược điểm. Thứ nhất là vấn đề gia công, bởi chúng ta sản xuất da giày, may mặc, xuất khẩu đứng đầu hay đứng hàng hầu thế giới trong một số thị trường, nhưng chúng ta chủ yếu gia công và lao động giá rẻ. Vấn đề thứ hai là xuất khẩu thô, như xuất khẩu gạo, hạt điều, cà phê, tiêu, thủy sản… cũng đứng hàng đầu, nhưng phần lớn đều là xuất khẩu thô, giá trị không cao. Cùng với đó, công nghiệp hỗ trợ cũng là vấn để cần tháo gỡ, bởi muốn tăng giá trị sản phẩm thì phải tăng công nghiệp hỗ trợ.
Dẫn chứng từ vấn đề lắp ráp ôtô, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích, đã 20 năm thực hiện lắp ráp ôtô, nhưng hàm lượng nội địa hóa trong ôtô rất thấp (ôtô thông thường được 20-30%, nhưng ôtô càng tinh xảo thì hàm lượng càng thấp). Nhìn lại 20 năm trước, Việt Nam cung cấp các nhà đầu tư vào để lắp ráp ôtô, họ dự đoán 15-20 năm sau, hàm lượng nội địa hóa sẽ đạt 50-60%. Tuy nhiên, tỷ lệ hiện nay không đạt như kỳ vọng và vấn đề chuyển giao công nghệ cũng rất thấp.
Đại biểu Trương Trong Nghĩa cho rằng cần chuyển đổi cơ cấu từ chiều rộng sang chiều sâu, từ thang giá trị thấp lên thang giá trị cao, thâm nhập thị trường thế giới. Nếu không giải quyết được vấn đề chuyển đổi cơ cấu này thì Việt Nam không thoát được bẫy thu nhập trung bình được các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã đề ra.
Chiều cùng ngày, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn với các đại biểu tại điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng xung quanh các nội dung trên trên.
Góp ý về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Nguyễn Duy Minh cho rằng cần tăng cường năng lực cho các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, thị trường khoa học-công nghệ, thị trường lao động. Trong thời gian chống dịch COVID-19, có lúc đời sống, tâm lý của người lao động trong nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề.
Đến nay, khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, lực lượng lao động được tiêm vaccine phòng COVID-19, cùng với các gói hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền... đã khiến cho người lao động yên tâm hơn trong sản xuất, đời sống. Vì vậy, công tác an sinh xã hội là rất quan trọng khi muốn nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế bền vững. Bên cạnh đó, để khôi phục nền kinh tế, trong kế hoạch cần có các giải pháp cụ thể về nguồn lao động, nâng cao năng suất lao động trong từng ngành, từng lĩnh vực.
Theo đại biểu Trần Chí Cường, cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã đạt được một số thành công nhất định, chuyển dịch theo đúng định hướng, là nền tảng quan trọng để tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19, dưới tác động của nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam cũng cần có sự chuyển dịch theo hướng thích ứng, linh hoạt. Nhất trí với nội dung lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá; huy động và phân bổ, sử dụng hiệu quả cao mọi nguồn lực cho phát triển, gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường thích ứng với biển đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đại biểu cho rằng thực hiện chuyển đổi số là một trong những yếu tố mà các lĩnh vực kinh tế cần chú trọng phát triển.
Thời gian qua, việc chuyển đổi số của Đà Nẵng đã đạt một số kết quả tốt, đây là nền tảng cơ bản để thành phố thực hiện mục tiêu chung của cả nước trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Chí Cường nhận định vấn đề hoàn thiện các thể chế cũng rất cấp thiết, quan trọng để có thể tái cơ cấu nền kinh tế hiệu quả. Qua đánh giá, còn rất nhiều luật, thông tư, nghị định... đang còn vướng mắc ở nhiều lĩnh vực. Vấn đề này cần sớm được tháo gỡ, tạo động lực, nền tảng pháp lý cho việc phát triển kinh tế trong thời gian tới.
“Tôi cho rằng cần tập trung hoàn thành cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm giai đoạn trước chưa hoàn thành, gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng. Đây là ba lĩnh vực then chốt, góp phần thúc đẩy, tạo nguồn lực cho sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, để có thể khắc phục được các vấn đề đang tồn tại hiện nay trong các lĩnh vực này thì cần phải có sự phân tích, đánh giá rõ hơn, cụ thể hơn. Trong đó cần làm rõ trách nhiệm của từng ngành, từng địa phương trong việc chưa hoàn thành các mục tiêu này. Phải rút ra được những tồn tại, hạn chế cụ thể thì mới có thể thực hiện đạt hiệu quả tốt hơn trong giai đoạn 2021-2025,” đại biểu Trần Chí Cường nói.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đánh giá cách thức tổ chức đợt kỳ trực tuyến lần này đã cho thấy sự linh hoạt ứng phó của Quốc hội trong bối cảnh dịch bệnh. Đặc biệt, Quốc hội đã hoàn thiện thêm các tính năng trên ứng dụng Quốc hội như chức năng biểu quyết và lấy ý kiến, là tiền đề để có thể áp dụng, nhân rộng hình thức họp trực tuyến trong thời gian tới. Dù họp trực tuyến nhưng không khí thảo luận, tranh luận rất sôi nổi; nhiều vấn đề được phân tích, đánh giá rất sâu sắc, góp phần tạo nên thành công chung của kỳ họp./.