Từ ngày 1/1/2015, Liên minh Hải quan chuyển thành Liên minh kinh tế Á-Âu gồm các nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan. Đến nay, sau 8 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ, đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu đã kết thúc.
Tối 29/5, tại Cộng hòa Kazakhstan, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu đã chính thức được ký kết. Xung quanh những thuận lợi, thời cơ và thách thức của Hiệp định này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
-Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thông thoáng, ổn định để phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các nước thành viên của Liên minh. Xin Bộ trưởng cho biết nội dung chính của Hiệp định này là gì?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã đàm phán và đang đàm phán, thì Hiệp định lần này giữa Việt Nam ký với 5 nước Liên minh kinh tế Á-Âu là Hiệp định hết sức quan trọng.
Thứ nhất, đối với chúng ta đây là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên chúng ta ký với một số nước đầu tiên của SNG là những nước hậu Xôviết. Có thể nói là lần đầu tiên, Việt Nam có một Hiệp định mang tính bao quát, chất lượng cao và bao gồm hầu như toàn bộ các lĩnh vực thương mại đầu tư từ dịch vụ hàng hóa cho đến dịch vụ đầu tư đến thương mại, tài chính ngân hàng, dịch vụ khoa học công nghệ, lĩnh vực thương mại điện tử.
Còn đối với Liên minh kinh tế Á-Âu, Việt Nam là nước đầu tiên ngoài khối mà Liên minh này đàm phán, ký kết thương mại tự do. Riêng về nội dung này đã nói lên tầm quan trọng của Hiệp định thương mại tự do lần này mà Việt Nam ký kết với Liên minh kinh tế Á-Âu.
Hiệp định này là toàn diện có chất lượng cao. Toàn diện ở chỗ nó không như một Hiệp định thương mại tự do chỉ có thương mại hàng hóa, dịch vụ bình thường hay lĩnh vực đầu tư mà nó còn một số nội dung khác như sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, mua sắm của Chính phủ. Hiệp định này tập trung vào một số nội dung chính mà nội dung quan trọng nhất và các bên quan tâm nhất là nội dung mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ đầu tư.
Qua tính toán, đàm phán, hai bên đã hiểu rõ những mong muốn và sự quan tâm của bên kia trong từng lĩnh vực, hiểu được những yêu cầu cần thiết mà phía bên kia đặt ra cho bên này. Với Việt Nam có thế mạnh về các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may về giày dép và một số mặt hàng về thực phẩm chế biến.
Ngược lại, phía Liên minh kinh tế Á-Âu, trong đó có Nga và Belaruts có thế mạnh về sản phẩm cơ khí chế tạo, có tiềm năng lớn về tài nguyên khoáng sản mà Việt Nam đang rất cần. Chính sự quan tâm đầu tiên của hai bên về những thế mạnh hàng hóa và đó là may mắn là thế mạnh của mỗi bên hỗ trợ lẫn nhau chứ không triệt tiêu nhau. Đây chính là điểm thuận lợi khi Việt Nam đàm phán Hiệp định với Liên minh kinh tế Á-Âu và nếu đạt được kết quả đàm phán thì nền kinh tế các bên sẽ được hỗ trợ tăng cường hơn bởi sự tham gia của bên kia.
Một lĩnh vực rất quan trọng là lĩnh vực đầu tư, liên minh kinh tế Á-Âu, đặc biệt là Liên bang Nga có thế mạnh về khoa học công nghệ và trong cơ khí chế tạo. Người dân Việt Nam đã biết về một số sản phẩm được chế tạo từ Liên Xô cũ và nay là lien minh kinh tế Á-Âu như ôtô, máy móc xây dựng, sản phẩm cơ khí chế tạo.
Nếu các dự án đầu tư này của Liên minh hoạt động tại Việt Nam thì chúng ta có thể tranh thủ được cơ hội để tiếp thu công nghệ và tiếp cận với dự án đầu tư có trình độ tiên tiến trên khu vực và thế giới.
Ngược lại, Việt Nam có thế mạnh đầu tư trong một số lĩnh vực về chế biến, sản xuất hàng dệt may, giày dép và chế biến thủy sản. Phía bạn cũng rất cần chúng ta không chỉ xuất khẩu các sản phẩm này sang phía bạn mà còn mong muốn chúng ta có thể đặt các nhà máy sản xuất chế biến tại các nước Liên minh kinh tế Á-Âu và từ đó có các sản phẩm không phải chỉ có tiêu thụ tại thị trường ở các nước này mà còn tính đến khả năng vươn ra thị trường ở các nước xung quanh.
Đó là hai nội dung quan trọng trong Hiệp định này. Qua tính toán, có 90% số dòng thuế và 90% kim ngạch xuất nhập khẩu của hai bên sẽ được mở cửa và tự do hóa. Đây là tỷ lệ tương quan đối với một số Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác khác.
Nếu chúng ta khai thác được, tận dụng được cơ hội này thì hợp tác thương mại đầu tư của Việt Nam với các nước khác của Liên minh kinh tế Á-Âu sẽ có quy mô lớn hơn và chất lượng cao hơn trong thời gian tới. Chẳng hạn, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên bang Nga chỉ đạt 4 tỷ USD/năm. Nếu thực hiện theo Hiệp định thì dự kiến đến năm 2020, kim ngạch này dự kiến sẽ đạt khoảng 10 USD.
-Vậy những thách thức đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi Hiệp định được ký kết và các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần lưu vấn đề gì để có thể tận dụng tốt cơ hội này?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Riêng về đối với những doanh nghiệp Việt Nam, có một số lưu ý tôi muốn doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm rồi thì quan tâm hơn.
Thứ nhất là có không ít sản phẩm của chúng ta tính ổn định chưa cao. Hay nói một cách khác, trong sản xuất, những lô hàng này đạt yêu cầu về chất lượng. Nhưng cũng với cơ sở đó, sau một thời gian cũng sản xuất những hàng hóa đó thì chưa chắc đã giữ được chất lượng như đã từng sản xuất. Điều này, phía bạn rất quan tâm đến tính ổn định, lâu dài đối với một sản phẩm.
Một điều nữa là không nên quan niệm rằng, thị trường Liên minh kinh tế Á-Âu là một thị trường dễ tính để từ đó chúng ta xem nhẹ chất lượng mẫu mã của sản phẩm mà ngược lại đối với nhiều nước của Liên minh, trong đó có Liên bang Nga, người ta yêu cầu không kém gì như một số nước đang phát triển về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, nhất là những hàng hóa liên quan đến sức khỏe của con người. Đây là điều doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm, nhất là đối với những mặt hàng nông sản như: chè, cà phê và một số mặt hàng nông sản khác.
Thứ ba là khoảng cách khá xa về địa lý cũng là một rào cản mà nếu không có biện pháp phù hợp thì chi phí về vận tải cũng sẽ làm giá sản phẩm và từ đó làm lợi thế cạnh tranh đối với hàng hóa của Việt Nam so với các nước khác sẽ kém hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tính toán về phương tiện vận tải phù hợp.
Doanh nghiệp có thể khai thác lợi thế của phương tiện vận tải gía rẻ hay phương tiện vận tải có lộ trình thích hợp kết hợp giữa nhiều thị trường vào nhau. Hay có thể không chỉ có hàng của thị trường Liên minh kinh tế Á-Âu mà có thể kết hợp cùng một lô hàng với các thị trường khác.
Vấn đề thứ tư là về phương thức thanh toán. Hiện nay, hệ thống ngân hàng của các nước Liên minh kinh tế Á-Âu đang trong quá trình phát triển nhưng so với Ngân hàng của nhiều nước tiên tiến trên thế giới thì có chênh lệch. Vì vậy, khi đàm phán ký kết hợp đồng và đặc biệt về điều khoản thanh toán, các doanh nghiệp Việt Nam phải bàn rất kỹ đối với các đối tác của Liên minh để làm sao khi chúng ta tiêu thụ hàng hóa của chúng ta và ngược lại chúng ta mua sản phẩm từ phía bạn không bị vướng bởi các điều khoản thanh toán, thuận lợi về giao dịch với chí phí.
Cuối cùng đó là sự hiểu biết của không ít doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường này còn hạn chế, nhất là những nước thành viên có quy mô kinh tế nhỏ, như Armenia, Kyrgyzstan thì thông tin về doanh nghiệp Việt Nam rất ít.
Vì vậy, bên cạnh việc xuất khẩu, tìm kiếm cơ hội đầu tư thì việc nắm thông tin, khảo sát thị trường, tìm hiểu thị trường và kể cả tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng ở những nước đó rất quan trọng. Lâu nay, doanh nghiệp Việt Nam chỉ quan tâm đến thị trường lớn, thị trường thuận lợi mà chưa đặt đúng mức vai trò của thị trường tuy chưa phải là lớn nhưng tiềm năng phát triển như các nước thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu.
-Về phía ngành Công Thương, để hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng thời cơ này để xuất khẩu sang Liên minh kinh tế Á-Âu, sau khi Hiệp định được ký kết và chính thức có hiệu lực, ngành sẽ có giải pháp nào?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Một trong những nhiệm vụ Chính phủ giao cho các Bộ, các ngành trong đó Bộ Công Thương là đầu mối về hợp tác kinh tế quốc tế là công tác thông tin tuyên truyền nói chung, trong đó có Hiệp định thương mại tự do ký với các nước Liên minh kinh tế Á-Âu.
Thời gian vừa qua, chúng ta cũng đã làm nhưng thẳng thắn nhìn nhận nó vận chưa đạt được mong muốn. Thể hiện ở chỗ qua điều tra xã hội học, qua nắm thông tin và đài truyền hình của Trung ương, địa phương, báo chí… cũng đã đưa ra những con số phản ánh rằng doanh nghiệp hiểu rất ít những cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, các Hiệp định thương mại tự do trong đó có Hiệp định chúng ta ký với Liên minh kinh tế Á-Âu.
Chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra hàng đầu với chúng tôi lúc này với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế là sẽ phải làm tốt hơn việc tuyên truyền về hội nhập mà một mình Bộ chắc chắn sẽ không làm được cần sự phối hợp của các cơ quan khác nhau, đặc biệt là các cơ quan thông tin truyền thông.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã có các chương trình ký kết hợp tác với Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Ban Tuyên giáo Trung ương…và sẽ phải thực hiện tốt hơn, quyết liệt hơn các chương trình hợp tác này.
Liên quan đến Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu, ngay sau khi Hiệp định được ký kết chúng tôi sẽ thông qua đề án về tuyên truyền sẽ có những hình thức phù hợp để phổ biến rộng những nội dung và đặc biệt nêu rõ những thời cơ cũng như những thách thức để cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt và từ đó khai thác tận dụng những ưu đãi do Hiệp định mang lại, đồng thời có những ứng phó kịp thời vượt qua khó khăn thách thức.
Thứ ba là chúng tôi cũng sẽ đồng hành hỗ trợ cùng doanh nghiệp trong phạm vi chức năng của mình. Chẳng hạn như cùng tham gia tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ tổ chức triển lãm, hội chợ và các đoàn đi thực tế các nước. Thậm chí có thể tham gia cùng đàm phán về những vấn đề nội dung có liên quan đến một hợp đồng cụ thể mà doanh nghiệp của Việt Nam có quan hệ với doanh nghiệp của Liên minh kinh tế Á-Âu thực hiện. Thực tế trong những thương vụ làm ăn đó, doanh nghiệp rất cần tư vấn của cơ quan nhà nước, nhất là Bộ Công Thương sẽ rất sẵn sàng.
Cuối cùng là trong việc thực thi Hiệp định những vướng mắc phát sinh đó là điều rất bình thường từ đó dẫn đến những điều tạm gọi là khác biệt thậm chí là tranh chấp giữa các doanh nghiệp với nhau chúng tôi sẽ cùng phối hợp với các cơ quan trong nước và các cơ quan của Liên minh kinh tế Á-Âu để xử lý thỏa đáng theo tinh thần đảm bảo lợi ích của các bên có liên quan./.