Tăng cường biện pháp bình ổn giá dịp cuối năm

Theo Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm cân đối cung-cầu các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, ximăng, thép, xăng dầu, thuốc chữa bệnh... đều bảo đảm.

Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm, đặc biệt là Tết Dương lịch liền kề với Tết Nguyên đán, và việc gối đầu cho sản xuất năm 2011 sẽ có sức ép mạnh đối với cung-cầu hàng hóa và giá cả hơn.
Những tháng cuối năm, những khó khăn của nền kinh tế nhất là vốn cho sản xuất, cung ứng điện, cung cầu, giá cả hàng hóa các mặt hàng thiết yếu, dịch bệnh gia súc có thể diễn biến theo hướng không thuận sẽ tiếp tục tạo sức ép đối với việc thực hiện mục tiêu bình ổn giá cả, thị trường.

Theo Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm cân đối cung-cầu các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, ximăng, thép, xăng dầu, thuốc chữa bệnh... đều bảo đảm.

Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm, đặc biệt là Tết Dương lịch liền kề với Tết Nguyên đán, và việc gối đầu cho sản xuất năm 2011 sẽ có sức ép mạnh đối với cung-cầu hàng hóa và giá cả hơn.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tỷ giá đồng USD/VND, tăng giá xăng dầu vừa qua, cùng với các yếu tố thời tiết bất lợi như lũ lụt xảy ra ở một số tỉnh miền Trung hay dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi... sẽ tác động mạnh làm tăng cầu hàng hóa trên tổng thể và cục bộ ở một số thị trường.

Không chỉ vậy, thị trường hàng hóa còn có khả năng tăng giá theo yếu tố tâm lý, “té nước theo mưa.” Điều này đã thể hiện ở đợt điều chỉnh tỷ giá đồng USD/VND vừa qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất và cung ứng hàng hóa mặc dù không chịu sự tác động của tỷ giá nguyên liệu đầu vào cũng đề xuất được tăng giá.

Dù nguồn cung đảm bảo nhưng trước tình hình giá thép tăng theo giá nguyên liệu đầu vào, trong tháng Tư có doanh nghiệp thép “mượn cớ” tăng giá đến 8 lần với mức tăng trên 20%. Một số thương nhân cũng đầu cơ, găm hàng tạo khan hiếm giả trên thị trường, đẩy giá lên cao.

Tương tự, ở thời điểm tháng Tám, sau khi có tin thương nhân nước ngoài thu mua gạo giá cao để xuất khẩu qua đường tiểu ngạch đã đẩy cơn sốt “ảo” giá lúa gạo, làm lũng đoạn thị trường. Tuy nhiên, do có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, những cơn sốt “ảo” đã nhanh chóng được xử lý.

Tại chương trình bán hàng bình ổn giá đang diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, tuần qua, Chi cục Quản lý thị trường Thành phố đã kiểm tra, rà soát các điểm bán hàng, phát hiện 562 điểm bán hàng không thực hiện đúng cam kết và đã loại khỏi danh sách...

Điều này cho thấy, dù không phải là mùa cao điểm mua sắm cuối năm nhưng nhiều doanh nghiệp, nhà cung cấp, tư thương đã lợi dụng tình hình thị trường để đầu cơ, găm hàng, tung tin thất thiệt, tăng giá quá mức, thu lợi bất chính.

Để khống chế mức tăng giá năm 2010 khoảng 8% theo chỉ đạo của Chính phủ, nhiệm vụ điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường giá cả được nhìn nhận là rất nặng nề. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, hướng đi cho công tác bình ổn giá của Bộ Công Thương là xây dựng hệ thống bán lẻ, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.

Các địa phương sẽ xây dựng hệ thống mạng lưới, các cửa hàng bán hàng ổn định cho các khu vực có nhu cầu như khu công nghiệp, vùng ngoại thành...; phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại theo chuỗi phân phối lớn trong thành phố và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, hệ thống các siêu thị lớn của các thành phố tiếp tục chương trình bình ổn giá và khuyến mãi, nhân lên thành phong trào rộng khắp ở nhiều quận, huyện và cơ sở.

Để thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường những tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 1875/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, theo chức năng được giao phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, áp dụng các biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, tăng lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường; thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn cung, tuân thủ các quy định về giá.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, ban hành quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo đảm lượng hàng hóa dự trữ lưu thông khi kinh doanh các mặt hàng bảo đảm bình ổn giá cả, thị trường, nhất là những doanh nghiệp có thị phần cao.

Cùng với việc tập trung chỉ đạo sản xuất, cung ứng điện đảm bảo cho sản xuất và đời sống phải chú ý đến bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu khác. Đồng thời dự báo xu thế thị trường và thông tin các mặt hàng thiết yếu để các địa phương chủ động cân đối cung cầu, thực hiện các giải pháp bình ổn giá.

Cùng với đó, các ngành sản xuất rà soát lại năng lực sản xuất, hệ thống cung ứng để có phương án cụ thể bảo đảm cân đối cung-cầu các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng phục vụ Tết Nguyên đán Tân Mão 2011; đảm bảo cân đối các vật tư, nguyên, nhiên vật liệu chủ yếu cho sản xuất và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; chủ động xây dựng phương án thích hợp để kế hợp có hiệu quả nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu mặt hàng thiết yếu, đảm bảo nhu cầu sản xuất tiêu dùng.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng tăng cần cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống gian lận thương mại, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá và các hành vi đầu cơ tăng giá trái pháp luật.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát các yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, nhất là các mặt hàng thuốc chữa bệnh, sản phẩm sữa, thép xây dựng và vật liệu xây dựng, khí ga...; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quy định giá, liên kết định giá để thu lợi bất hợp lý.../.

Trung Sâm (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục