Tăng cường công tác quản lý nhà nước về cư trú

Đa số ý kiến tán thành sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú để khắc phục việc lạm dụng quy định, gây mất cân đối phân bố dân cư, an sinh xã hội.
Tiếp tục phiên họp thứ 15, sáng 26/2, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú.

Luật Cư trú được Quốc hội Khóa XI, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2007. Quyền tự do cư trú của công dân ghi nhận trong Hiến pháp được cụ thể hóa trong Luật Cư trú với những quy định rõ ràng, cụ thể, thông thoáng về thủ tục, điều kiện đăng ký cư trú, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật, giải quyết những bức xúc của nhiều người về vấn đề cư trú, đồng thời bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước về cư trú trong tình hình mới.

Tuy nhiên, Luật Cư trú cũng bộc lộ những khó khăn, vướng mắc, sơ hở, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân đảm bảo các quyền về tự do cư trú và tăng cường công tác quản lý nhà nước về cư trú.

Đa số các ý kiến tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, nhằm khắc phục tình trạng lạm dụng các quy định thông thoáng của Luật Cư trú để đăng ký thường trú tại nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương, gây mất cân đối về phân bố dân cư và an sinh xã hội, tạo sức ép về cơ sở hạ tầng, giao thông, trường học, bệnh viện, điện, nước; đồng thời, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý cư trú.

Một nội dung mới so với Luật Cư trú hiện hành là dự thảo Luật quy định công dân có nhà ở hợp pháp thuộc sở hữu của mình sẽ thuộc một trong những trường hợp được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Với quy định này, công dân chỉ cần một điều kiện duy nhất là có nhà ở thuộc sở hữu của mình mà không cần điều kiện phải tạm trú liên tục tại thành phố trực thuộc Trung ương từ một năm trở lên như quy định của Luật Cư trú hiện hành.

Các ý kiến đều cho rằng, quy định mới này của dự thảo Luật đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân được đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng: nếu chỉ quy định việc có nhà ở thuộc sở hữu của mình là điều kiện duy nhất để được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương mà không tính đến việc người dân có thực sự cư trú thường xuyên ở đó không là vấn đề cần phải được cân nhắc kỹ vì bản chất của đăng ký thường trú là đăng ký việc cư trú cho những người sinh sống thường xuyên, ổn định, không thời hạn tại nơi đăng ký thường trú.

Để có đầy đủ cơ sở cho việc xem xét vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan trình dự án cần làm rõ thêm số liệu cụ thể về hiện trạng người dân ở các tỉnh, thành phố khác mua bán nhà ở tại các thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là vấn đề chưa được đánh giá, thuyết minh rõ trong hồ sơ dự án Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị không nên quy định xóa đăng ký thường trú đối với những người phải chấp hành hình phạt tù tại cơ sở giam giữ. Bởi vì quy định này không bảo đảm yêu cầu về mục đích giáo dục người phạm tội cũng như tính nhân văn của biện pháp này, gây khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng của người phạm tội sau khi chấp hành hình phạt tù, nhất là đối với những người chỉ phải chấp hành hình phạt tù trong thời gian ngắn.

Xung quanh vấn đề thời hạn phải đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp, các ý kiến đều cho rằng giảm thời hạn đăng ký thường trú từ 24 tháng xuống còn 3 tháng là cần thiết để tránh tình trạng gây khó khăn trong công tác quản lý hành chính, quản lý dân cư trên địa bàn.

Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013)./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục