Tăng ngoại binh ở V.League: Nên hay không nên?

Huấn luyện viên Calisto vừa khơi mào cho một cuộc tranh luận khá sôi nổi về cơ cấu ngoại binh ở một đội bóng. Ông cho rằng cần tăng cường ngoại binh để tăng chất lượng cũng như tính cạnh tranh ở một đội bóng. Nhưng lập tức có những ý kiến phản đối.

Huấn luyện viên Calisto vừa khơi mào cho một cuộc tranh luận khá sôi nổi về cơ cấu ngoại binh ở một đội bóng. Ông cho rằng cần tăng cường ngoại binh để tăng chất lượng cũng như tính cạnh tranh ở một đội bóng. Nhưng lập tức có những ý kiến phản đối.
 
Cuộc tranh luận này xem ra không có hồi kết và nó phản ánh thực tế của nền bóng đá cũng như lựa chọn khó khăn của nhà quản lý.
 
Người hào hứng
 
Những người cổ súy cho chính sách mở rộng ngoại binh là đại diện cho các đại gia. Họ là những đội bóng giàu có, và cảm thấy bí bách khi ban tổ chức giải chỉ cho phép đăng ký 5 cầu thủ ngoại. Chính sách hạn chế cầu thủ ngoại được hiểu như một hình thức giới hạn sự phát triển, không theo đúng với xu thế hiện hành.
 
Các đội bóng giàu có lập luận rằng, có nhiều cầu thủ ngoại sẽ giúp cho V.League có tính cạnh tranh hơn. Một giải đấu hấp dẫn thì không chỉ đội bóng được hưởng lợi mà còn mang đến tác dụng tích cực cho xã hội. Người hâm mộ cảm thấy hứng thú. Nhà tài trợ sẵn lòng bỏ tiền đầu tư. Ban tổ chức được hưởng lợi từ lượng khán giả và nhà tài trợ.
 
Thêm nữa, một lý do khiến các đội bóng cảm thấy bị bó buộc khi chỉ được đăng ký 5 cầu thủ ngoại và sử dụng 3 vì điều đó mang đến khó khăn cho công tác quản lý. Nạn kiêu binh trong cầu thủ ngoại xuất hiện là do đội bóng không có phương án thay thế.
 
Cầu thủ ngoại hiểu đội bóng cần mình bởi không ai có thể đe dọa vị trí trong đội hình. Họ mặc sức đòi hỏi, phá phách làm kỷ luật đội bóng rối tung. Các nhà lãnh đạo biết mình gặp khó khăn, không muốn sống chung với lũ nhưng không còn cách nào khác. Họ muốn mở rộng cơ cấu cầu thủ ngoại để có thêm lựa chọn.
 
Và rằng, bóng đá là cuộc chơi mà nếu ai không đủ sức hãy đầu hàng. Tiền sẽ đẻ ra tiền và nếu không có tiền chơi bóng đá thì không phải là chuyên nghiệp.
 
Kẻ khước từ
 
Phản đối ý định tăng cường số lượng ngoại binh tất nhiên là những đội bóng có nền tảng tài chính hạn chế. Họ là những đội bóng địa phương và muốn có một rào cản cơ chế để tạo ra sự công bằng tối thiểu cho cuộc chơi.
 
Họ cho rằng, nếu chạy đua theo các đại gia về cầu thủ ngoại, ngân sách đội bóng sẽ bị thâm thủng. Thường thì ngân sách của một đội bóng được trích ra 20-30% cho cầu thủ ngoại. Họ không muốn phá vỡ cơ cấu lương, và ngay cả khi muốn cũng không thể làm được, bởi họ còn nhiều cái phải chi trong khi ngân sách có hạn.
 
Với lãnh đạo nhiều đội bóng, để có tiền trả lương cho cầu thủ nội và ngoại như hiện nay đã là sự cố gắng lớn. Họ phải vật lộn trên thương trường, tìm mọi cơ chế để có nguồn thu nuôi đội bóng. Nếu tăng cơ cấu ngoại binh, họ sẽ phải gồng mình nhưng sức chỉ có hạn.
 
Bên cạnh đó, một luồng quan điểm không muốn mở rộng ngoại binh đến từ chính các nhà quản lý. Thực tế cho thấy, nhiều đội bóng Việt Nam không chú trọng công tác đào tạo mà dùng tiền mua thành tích. Chính điều này bóp méo thị trường chuyển nhượng.
 
Tăng cường cầu thủ ngoại là một trong những giải pháp để khắc phục lỗ hổng trong chính sách đào tạo của đội bóng. Nhưng dù nó mang đến thành công cho các đội bóng thông qua những cuộc đấu chất lượng thì đó chỉ là giải pháp tức. Về lâu dài, nó không giải được bài toán về đào tạo, thậm chí còn tạo ra cơ hội cho các đội bóng không quan tâm đến chính sách trồng người.
 
Nếu điều này xảy ra, nó sẽ mang đến nguy cơ cho đội tuyển quốc gia. Cầu thủ ngoại nhiều, đào tạo trẻ bị buông lỏng, đội tuyển quốc gia sẽ mất nguồn cung. Đây sẽ là thảm họa cho nền bóng đá và các nhà quản lý không thể cho phép điều này xảy ra.
 
Mới đây, liên đoàn bóng đá Malaysia đã quyết định không cho các đội bóng sử dụng ngoại binh. Dù quyết định này có thể tác động tiêu cực đến giải quốc nội, nhưng thành tích yếu kém của đội tuyển Malaysia trong nhiều năm nay đã buộc các nhà lãnh đạo phải đưa ra quyết định cứng rắn. Họ muốn các đội bóng phải tăng cường công tác đào tạo. Sân chơi trong nước phải dành cho cầu thủ nội để họ có cơ hội rèn luyện bản lĩnh.
 
Tất nhiên, một quyết định luôn mang đến những kết quả trái chiều, thậm chí, tác động tiêu cực, nhưng thông qua chính sách của người Malaysia chúng ta cũng cần phải suy ngẫm. Phải chăng, họ đang sửa sai cho một thời kỳ không quan tâm đến chính sách tạo nguồn và quá chú trọng vào việc sử dụng ngoại binh.
 
Thế nên, một chính sách mềm mại, vừa khơi nguồn lực từ ngoại binh mà vẫn đảm bảo cơ hội cho cầu thủ nội sẽ vẫn được VFF sử dụng./.
 
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục