Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ là đúng hướng

Nhiều chuyên gia và ngân hàng cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngoại tệ thời điểm này là phù hợp. Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và giảm lãi suất huy động tiền USD sẽ khiến các ngân hàng phải tính toán, cân nhắc việc giảm lãi suất huy động, đồng thời tăng lãi suất cho vay ngoại tệ để bù cho phần vốn huy động phải dự trữ bắt buộc.
Ngân hàng Nhà nước vừa cùng một lúc có quyết định điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng tăng lên 2% và không chế trần lãi suất tiền gửi USD ở mức 3%. Sự điều chỉnh này của Ngân hàng Nhà nước đã nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia và các ngân hàng thương mại.

Sẽ giảm tình trạng găm giữ USD

Trong thời gian vừa qua, lãi suất tiền đồng luôn ở mức cao lên đến trên 20% một năm khiến nhiều doanh nghiệp đã quay sang vay USD. Chính điều này góp phần đẩy tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ quý I tăng cao tới 12,06%, trong khi tín dụng tiền đồng chỉ tăng 1,43%.

Các chuyên gia nhận định, trong khi Ngân hàng Nhà nước khống chế tăng trưởng tín dụng, trong đó có tín dụng ngoại tệ, ở mức dưới 20% trong năm 2011, việc tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ là phù hợp. Đồng thời, tăng dự trữ bắt buộc cũng sẽ làm giảm áp lực tỷ giá, lạm phát.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và giảm lãi suất huy động tiền USD sẽ khiến các ngân hàng phải tính toán, cân nhắc việc giảm lãi suất huy động, đồng thời tăng lãi suất cho vay ngoại tệ để bù cho phần vốn huy động phải dự trữ bắt buộc.

Khi lãi suất huy động ngoại tệ giảm xuống, người dân sẽ chuyển sang gửi VND và các doanh nghiệp cũng giảm vay ngoại tệ do lãi vay tăng lên, từ đó giảm tình trạng găm giữ USD, tăng cung ngoại tệ cho thị trường.

Đặc biệt, nó có thể giúp tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế giảm thiểu, bởi người dân không còn cảm thấy quá hấp dẫn khi giữ ngoại tệ.

Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc VietinBank nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước cùng lúc điều chỉnh cả hai vấn đề liên quan đến USD là mong muốn thị trường ngoại hối dần dần ổn định theo khuôn khổ phù hợp. Trong đó có sự quản lý nhà nước bằng cách khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu để cải thiện cán cân thương mại, cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Qua đó để làm giảm tỷ lệ đôla hóa trong nền kinh tế đồng thời thu hút nguồn ngoại tệ nước ngoài, nguồn kiều hối của kiều bào. Mục tiêu này nằm trong lộ trình và có những tính hợp lý.

Ông Thọ cũng cho biết thêm, hiện nay, tình trạng đô la hóa cao, chênh lệch lãi suất tiền đồng và ngoại tệ cao khiến doanh nghiệp đổ xô vay tiền ngoại tệ lớn đã làm mất cân đối cung cầu trong mua bán ngoại tệ. Tăng dự trữ sẽ giúp tăng chi phí đầu vào, tăng giá cho vay và làm giảm nhu cầu vay của doanh nghiệp.

“Đến đầu tháng 5, Thông tư 07 có hiệu lực sẽ hạn chế việc cho vay ngoại tệ của các tổ chức tín dụng với doanh nghiệp. Tất cả điều đó sẽ giúp lộ trình mục tiêu đạt được tốt hơn, đây cũng chính là biện pháp để tạo sự đồng bộ,” ông Thọ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần khác lại chia sẻ, việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ và khống chế lãi suất tiền gửi USD sẽ khiến ngân hàng ông phải tính toán, cân nhắc lại bài toàn huy động và cho vay ngoại tệ trong thời gian tới. Bởi tăng dự trữ bắt buộc sẽ làm tăng chi phí vốn.

Thu hút nguồn tiền nhàn rỗi

Trong mấy ngày qua, Ngân hàng Nhà nước luôn có sự linh hoạt trong điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng. Chính vì vậy giá USD niêm yết và tại thị trường tự do không còn chênh lớn, chỉ từ khoảng 100-110 đồng/USD.

Chính vì vậy, trên thực tế không chỉ doanh nghiệp mà chính ngân hàng cũng mạnh dạn bán USD. Chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng cho biết, thông qua những động thái của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thấy trước được hướng đi của tỷ giá nên đẩy mạnh bán USD lấy VND để kinh doanh, vì lãi suất VND tại thị trường liên ngân hàng có ngày lên đến 21-23%/năm.

Cũng theo các ngân hàng, những ngày gần đây doanh nghiệp xuất khẩu không còn chần chừ mà đã đẩy mạnh bán USD cho ngân hàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, qua báo cáo từ 78 tổ chức, tập đoàn, tổng công ty thì tổng số dư tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức này tính đến cuối tháng 3/2011 là 1,61 tỷ USD, trong đó, lượng tiền gửi có kỳ hạn là 376 triệu USD.

Còn tại cuộc họp báo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ngày 6/4, ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Tập đoàn cũng cho biết, PVN đã bán 2,7 tỷ USD cho ngân hàng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. "PVN là một tập đoàn kinh tế nhà nước có thu và chi ngoại tệ. Chúng tôi có bao nhiêu, bán bấy nhiêu và không giữ lại ngoại tệ cho mình," ông Thăng cho hay.

Với việc khống chế trần lãi suất huy động USD ở mức 3%/năm, tới đây các ngân hàng thương mại sẽ phải hạ lãi suất huy động USD, để tăng sự hấp dẫn của các hoạt động tín dụng bằng VND. Khi đó, người dân sẽ chuyển hướng sang các giao dịch VND, vì với việc giao dịch trên thị trường “chợ đen” bị siết chặt, lãi suất tiết kiệm USD xuống thấp, nếu không bán USD cho ngân hàng, người dân khó có thể “sinh lời” từ lượng ngoại tệ đang găm giữ.

Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng thừa nhận, với việc giảm lãi suất huy động USD có thể làm cho người dân cảm thấy đồng USD yếu đi ở trong nước vì lãi suất tiền đồng đang cao, người dân sẽ bán USD đi để gửi tiết kiệm bằng VND hoặc một số tài sản khác. Như vậy thì nguồn cung sẽ tăng lên và Nhà nước có cơ sở để thu gom USD, làm tăng dự trữ ngoại hối và làm cho thị trường ngoại hối ổn định hơn.
 
Ông Thành cũng tỏ ra băn khoăn, một số điểm bất cập trong chính sách này mà chúng ta cần phải thận trọng hơn. Ví dụ như phải cân nhắc rất rõ lãi suất đồng USD của Việt Nam hiện nay cao hơn so với các nước trong khu vực. Chính vì vậy, một lượng tiền lớn bằng USD của kiều bào gửi về nước đã được người thân gửi vào trong hệ thống ngân hàng là vì lãi suất cao. Nếu hạ lãi suất xuống thấp như thế này thì chúng ta phải tính toán là khả năng có một lượng luồng vốn sẽ không chảy vào trong hệ thống ngân hàng nữa.

Tuy nhiên, ông Thọ lại đưa ra lập luận, thu hút kiều hối để tạo cơ hội đầu tư không nhất thiết chỉ là gửi tiết kiệm mà họ có thể chuyển đổi sang VND giúp người thân kinh doanh. Ngoài ra, khi thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam là phải dùng VND, điều đó sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong nước, tạo cơ hội đầu tư chứ không chỉ gửi tiết kiệm.

Các chuyên gia khác cũng nhận định, những biện pháp của Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra thì chỉ một thời gian ngắn nữa thôi sẽ có một lượng ngoại tệ rất lớn được hoán đổi ra tiền đồng, nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn là cơ sở để ổn định tỷ giá./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục