Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 14, chiều 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp.
Khuyến khích xã hội hóa hoạt động thể dục, thể thao
Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trình bày qua tổng kết 10 năm thi hành Luật Thể dục, thể thao đã bộc lộ một số bất cập.
Một số điều, khoản của Luật có nội dung còn thiếu cụ thể dẫn đến việc khó thi hành trong thực tế như: Chính sách của nhà nước đối với phát triển thể dục thể thao quần chúng; trách nhiệm của bộ, ngành, nhà trường các cấp đối với công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường…
Bên cạnh đó, một số quy định của Luật đã không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay như: Các quy định về quản lý doanh nghiệp thể thao, hộ kinh doanh thể thao không phù hợp với Luật Doanh nghiệp; quy định về quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao đã lạc hậu so với các chế độ, chính sách hiện hành…
Để khắc phục những hạn chế, bất cập, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thể dục, thể thao phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao dự kiến sửa đổi, bổ sung 22 điều, giữ nguyên 57 điều, bổ sung 1 điều mới; trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao; khắc phục những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động thể dục thể thao; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong quản lý các hoạt động thể thao; sửa đổi tên gọi cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao trong Luật Thể dục, thể thao hiện hành để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
[Những gương mặt “vàng” của thể thao Việt Nam tại SEA Games 29]
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, cơ quan thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Thường trực Ủy ban cũng tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án Luật, đồng thời đề nghị cơ quan trình dự án Luật tiếp tục nghiên cứu, xác định các nội dung cần chỉnh sửa để đảm bảo thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo sửa đổi Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Có chính sách ưu đãi thỏa đáng đối với vận động viên thành tích cao
Thể thao thành tích cao là một trong những nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật.
Theo Tờ trình của Chính phủ, hiện có một số ít vận động viên thể thao trong quá trình tập luyện và thi đấu thể thao, không may bị tai nạn mất khả năng lao động hoặc chết nhưng bản thân và gia đình chưa được hưởng các chế độ trợ cấp của Nhà nước như các đối tượng chính sách, cuộc sống hết sức khó khăn, thiếu thốn.
Do đó, dự thảo Luật cần quy định các vận động viên có thành tích xuất sắc không may bị tai nạn trong khi tập luyện, thi đấu thể thao làm mất khả năng lao động hoặc chết thì vận động viên hoặc thân nhân được hưởng chế độ trợ cấp tương tự như các đối tượng chính sách khác.
Quy định này vừa có ý nghĩa hỗ trợ khó khăn cho bản thân vận động viên và gia đình khi không may bị tai nạn, vừa có ý nghĩa khuyến khích, thu hút các tài năng thể thao, giúp họ yên tâm tập luyện, thi đấu và cống hiến cho thể thao.
Dự thảo Luật cũng tập trung sửa đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ của vận động viên thành tích cao theo hướng phân định rõ giữa quyền và nghĩa vụ, tăng cường chính sách ưu đãi cho vận động viên trong trường hợp vận động viên đội tuyển quốc gia bị tai nạn trong khi tập luyện, thi đấu thể thao (Điều 32); sửa đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ của huấn luyện viên thể thao thành tích cao theo hướng phân định rõ giữa quyền và nghĩa vụ (Điều 33).
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá, để khuyến khích các vận động viên yên tâm đóng góp cho thể thao thành tích cao, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi thỏa đáng và nhất trí với việc bổ sung các ưu đãi trong dự thảo Luật.
Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh vấn đề đầu tư cho vận động viên phải được quan tâm hơn. Vận động viên đạt huy chương của khu vực và quốc tế nên có chính sách ưu tiên đặc biệt như chế độ lương, nhà ở... để họ yên tâm thi đấu; thậm chí có chính sách trợ cấp suốt đời với vận động viên bị tai nạn, bởi để đoạt một huy chương họ phải đổ mồ hôi, xương máu, thậm chí hy sinh hạnh phúc riêng.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cần cân nhắc bổ sung quy định nhà trường có trách nhiệm tổ chức mỗi năm ít nhất một cuộc thi đấu thể thao
Tại phiên họp, nội dung giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.
Theo Tờ trình của Chính phủ, để nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường, đảm bảo phù hợp với Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đối với giáo dục thể chất và thể dục thể thao trong nhà trường, để từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên thể dục thể thao (Khoản 2 Điều 21).
Bổ sung quy định các cơ sở thể thao công lập có trách nhiệm phối hợp với các cơ sở giáo dục sử dụng các công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường (Khoản 5 Điều 21).
Bổ sung quy định trách nhiệm của nhà trường trong việc tổ chức mỗi năm ít nhất một cuộc thi đấu thể thao toàn trường nhằm đề cao trách nhiệm nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động thể thao và xây dựng thói quen tập luyện thể thao cho học sinh (Khoản 2a Điều 25).
Đa số ý kiến cho rằng việc bổ sung các quy định tại các Điều 21, 25 chưa tạo được nền tảng cho thể thao trong nhà trường phát triển.
Với những quy định như trong dự thảo, giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường khó có thể đảm bảo mục tiêu nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc cho học sinh, sinh viên và phát hiện năng khiếu, đào tạo tài năng thể thao cho đất nước như được nêu trong Tờ trình.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng nếu quy định “cứng” nhà trường có trách nhiệm tổ chức mỗi năm ít nhất một cuộc thi thể thao toàn trường sẽ gây khó khăn cho nhiều trường, nhất là những trường không có đất đai, sân trường. Việc quy định thể thao trong nhà trường chỉ nên ở mức độ có tính chất rèn luyện, chứ không nên bắt buộc phải có thi đấu thể thao toàn trường.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh không nên quy định “cứng” mà chỉ nên khuyến khích trường nào có điều kiện thì tổ chức. Đối với các cuộc thi đấu thể thao của huyện, của tỉnh, các trường nên cử những người có thành tích tham gia. Còn nếu quy định “cứng” sẽ kéo theo nhiều vấn đề về ngân sách, kinh phí để tổ chức trong khi nhiều trường không có điều kiện.
Về vấn đề này, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan trình dự án Luật bổ sung báo cáo đánh giá tác động đối với quy định nhà trường có trách nhiệm tổ chức mỗi năm ít nhất một cuộc thi đấu thể thao toàn trường (khoản 2a Điều 25).
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị cơ quan trình dự án Luật nghiên cứu các ý kiến đóng góp để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật./.