Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã gần cận kề. Những khó khăn chồng chất của doanh nghiệp và người lao động sau đại dịch COVID-19 và tình hình biến động kinh tế, chính trị thế giới đã ảnh hưởng nặng nề đến một số doanh nghiệp sản xuất trong nước thuộc các ngành dệt may, giày da, gia công khi không có đơn hàng theo như kế hoạch sản xuất, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người lao động.
Để đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động, tỉnh Tây Ninh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm chia sẻ bớt những khó khăn và triển khai các chương trình an sinh xã hội để người lao động có được cái Tết đầm ấm, trọn vẹn.
Khó khăn duy trì hoạt động sản xuất
Tại buổi khảo sát, nắm bắt tình hình khó khăn của các doanh nghiệp và hoạt động chăm lo cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, đại diện lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn KOVINA FASHION của Hàn Quốc (đóng tại Khu Công nghiệp Trảng Bàng, chuyên mặt hàng may mặc xuất khẩu sang Mỹ) cho biết công ty có 385 lao động, đã có 357 lao động nghỉ việc hoặc tạm dừng việc và công ty đã chi trả các chế độ cho công nhân.
Hiện Công ty chỉ còn 28 lao động với công việc chủ yếu là may mẫu, kho, bảo trì và văn phòng; chủ yếu may mẫu để chào hàng và tìm nguồn cung ứng để Công ty sớm hoạt động trở lại.
Theo ông Hà Văn Cung, Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Tây Ninh, tính đến ngày 12/12/2022, số doanh nghiệp do Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh quản lý bị ảnh hưởng thiếu hụt đơn hàng là 46/160 doanh nghiệp.
Tổng số lao động bị ảnh hưởng là 44.544 người. Trong đó, 14/46 doanh nghiệp cắt, giảm lao động với tổng số là 2.266 người.
[Tây Ninh hoàn thành sớm chỉ tiêu về thu ngân sách năm 2022]
Đa số các doanh nghiệp đã chọn phương án thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động hoặc không tái ký khi hợp đồng lao động hết hạn. Mức hỗ trợ khi người lao động nghỉ việc là tùy theo điều kiện của mỗi doanh nghiệp như: hỗ trợ chi “tháng lương 13,” trợ cấp… cho người lao động. Đa số người lao động đã tìm được công việc mới từ các khu công nghiệp lân cận.
32 doanh nghiệp còn lại (với 42.395 lao động) đang gặp khó khăn do giảm/thiếu đơn hàng. Để giữ chân người lao động, các doanh nghiệp chưa có kế hoạch cắt giảm lao động và để giảm bớt áp lực chi phí sản xuất, nhiều doanh nghiệp áp dụng các hình thức: hỗ trợ tiền cho người lao động khi tạm nghỉ; nghỉ chờ việc hưởng lương tối thiểu; sắp xếp nghỉ phép hoặc cho ứng phép của năm 2023 để nghỉ; nghỉ luân phiên…
Theo khảo sát của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Tây Ninh, hiện tại, thu nhập của người lao động đã giảm từ 20-30% so với lúc công ty hoạt động bình thường.
Nỗ lực để có cái Tết đầm ấm, trọn vẹn
Đại diện lãnh đạo các Công ty Trách nhiệm hữu hạn: GAIN LUCKY; BROTEX, SAILUN; Cao su và nhựa WANTAI; HC RUBBER TECH hoạt động tại Khu Công nghiệp Phước Đông cho biết hiện đang cố gắng đảm bảo lương, phúc lợi cho công nhân đầy đủ; chỉ áp dụng cắt giảm luân phiên giờ làm, nhưng cố gắng duy trì không để công nhân phải nghỉ việc.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã tìm hướng đầu tư dự án mới để tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn này.
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Sài Gòn VRG, nhấn mạnh dù các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng đảm bảo đời sống, phúc lợi, tiền lương cho công nhân, đây là điều khác biệt của các doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Phước Đông so với các khu công nghiệp khác.
Hiện nay, tình hình công nhân, an ninh trật tự luôn ổn định và các doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Phước Đông đang nỗ lực tự hỗ trợ lẫn nhau để duy trì và có được cái Tết đầm ấm cho người lao động.
Ông Trần Mạnh Hùng đề nghị các Sở, ngành hỗ trợ các khu công nghiệp đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để công nhân hiểu được tình hình, thông cảm, tránh xung đột không đáng có và cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh Phan Văn Bua cho biết tới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổ chức Chương trình Tết sum vầy chăm lo cho công nhân mất việc làm, giãn việc phiên; Chợ Tết ở 21 tỉnh, thành phố (trong đó tại Tây Ninh, được tổ chức tại sân vận động thị xã Trảng Bàng, từ ngày 5 đến ngày 8/1/2023) …
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh Trần Quốc Bảo thông tin, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát, nắm bắt số lượng lao động mất việc làm và đề xuất các chính sách để hỗ trợ kịp thời cho người lao động, nhất là thời điểm người lao động mất việc làm trước Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc với những khó khăn của các doanh nghiệp và công nhân bị mất việc làm, Bí thư Thị ủy Trảng Bàng Võ Văn Dũng khẳng định khi công nhân ở lại thị xã ăn Tết, địa phương sẽ đồng hành cùng công nhân, không để ai bị thiếu ăn khi Tết đến, đặc biệt là những công nhân đã gắn bó với thị xã thời gian dài.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Phạm Hùng Thái chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, khi vừa vượt qua 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nay lại tiếp tục gặp khó khăn trước lạm phát kinh tế toàn cầu, những khó khăn do ảnh hưởng cục bộ của kinh tế thế giới tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, bị mất đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.
Đây là điều không mong muốn, nhất là lại diễn ra vào thời điểm sắp Tết Nguyên đán, ảnh hưởng đến tâm lý của công nhân, quyền lợi, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.
Bàn về đời sống công nhân thời điểm sắp Tết khi bị mất việc làm, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh khẳng định Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh rất quan tâm đến vấn đề này, đã trao đổi với Liên đoàn Lao động và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, ngoài việc quan tâm hỗ trợ cho các đối tượng như mọi năm. Tỉnh sẽ quan tâm thêm đến công nhân bị mất việc làm dịp cuối năm ở các khu công nghiệp để có hỗ trợ chia sẻ, động viên kịp thời.
Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu kinh tế nắm chắc danh sách số lượng công nhân nghỉ việc để có chính sách hỗ trợ phù hợp.
Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các địa phương, các khu công nghiệp có khu lưu trú công nhân không về quê ăn Tết, tổ chức các hoạt động thiết thực chăm lo cho công nhân có được cái Tết ấm cúng, không để ai bị thiếu đói, không được vui Xuân, đón Tết.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Phạm Hùng Thái mong muốn các doanh nghiệp sẽ sớm vượt qua những khó khăn, thách thức, duy trì phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian sắp tới./.