Tạp chí Borgen Magazine (Mỹ) vừa có bài viết ‘‘Giảm nhẹ tác động của đại dịch COVID-19 - Câu chuyện thành công của Việt Nam,’’ trong đó ca ngợi những nỗ lực của Việt Nam trong việc ngăn chặn dịch cũng như khôi phục hoạt động kinh tế sau đại dịch.
Theo Borgen Magazine, dịch bệnh COVID-19 dường như rất ‘‘mờ nhạt’’ và kết thúc rất nhanh tại Việt Nam, trái ngược với một số quốc gia khác như Italy hay Hoa Kỳ.
Borgen Magazine nhận xét rằng Việt Nam đã có một cách tiếp cận độc đáo để kiểm tra các ca bệnh trong nỗ lực ứng phó với đại dịch toàn cầu này. Quy trình xét nghiệm hàng loạt cho phép các bác sỹ truy vết các ca bệnh và từ đó kiểm soát hiệu quả sự lây lan của các ca bệnh.
Chiến lược này, kết hợp với quy trình phong tỏa toàn quốc và cách ly một cách nghiêm ngặt, đã giúp Việt Nam kiểm soát dịch bệnh ở con số vài trăm ca bệnh.
Thành công của Việt Nam
Bất chấp sự hoành hành của dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam vẫn lạc quan về nền kinh tế của đất nước. Viện nghiên cứu chính sách và kinh tế Việt Nam (VEPR) dự báo tăng trưởng GDP đạt ít nhất 5% vào cuối năm 2020 và người dân đã trở lại hoạt động kinh doanh bình thường.
[Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 3% năm 2020]
Giữa đại dịch toàn cầu, Việt Nam dường như vẫn an toàn, một phần nhờ vào sự nỗ lực của Chính phủ.
Trong vài thập kỷ gần đây, tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam đã giảm mạnh trong khi dịch vụ chăm sóc y tế đã được mở rộng đối với nhiều người dân. Năm 2019, 90% người dân Việt Nam hưởng bảo hiểm y tế, so với con số 59% vào năm 2011.
Kinh tế vẫn tăng trưởng giữa đại dịch
Cách thức quản lý của Việt Nam trong khi đối mặt với đại dịch COVID-19 cũng phản ánh các biện pháp đã được thực hiện để chống đói nghèo. Ngay khi dịch COVID-19 được kiềm chế ở Việt Nam, các dự án kinh tế vẫn tiếp tục được triển khai, nhằm tiếp tục theo đuổi con đường giảm nghèo đói và hướng tới sự phát triển của đất nước.
Mới đây, chính phủ đã ban hành Nghị quyết 84, đưa ra các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch như doanh nghiệp được giảm 15% giá thuê đất thuộc sở hữu của nhà nước.
Ngoài ra, Chính phủ còn giảm 2% lãi suất cho vay của nhà nước dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây chính là động lực tạo thêm việc làm và gia tăng số lượng doanh nghiệp.
Thêm vào đó, mới đây Việt Nam và EU đã ký thỏa thuận thương mại tự do. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) giúp loại bỏ 99% thuế quan hàng hóa giữa hai bên.
Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá rất tích cực về EVFTA. WB ước tính, GDP và xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng trưởng 12% vào năm 2030.
Những dự án triển vọng này cũng sẽ mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam, trong đó có những người nông dân, và nhà sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.
Tiếp tục nỗ lực xóa đói giảm nghèo
Ngoài việc cải cách kinh tế, Chính phủ Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm xóa đói giảm nghèo. Các chương trình như Chương trình Xóa đói giảm nghèo được thực hiện với sự phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), nhằm mục tiêu giảm nghèo ở nông thôn thông qua việc cải thiện nguồn lực giáo dục và mạng lưới an sinh xã hội.
Năm 1998, chỉ 75% công dân Việt Nam từ 18-24 tuổi tốt nghiệp tiểu học, nhưng đến năm 2010, con số này đã là 96%.
Một ví dụ khác là dự án Giảm nghèo miền núi phía Bắc lần thứ hai đã hỗ trợ 192.000 hộ gia đình tăng thu nhập của họ thêm 16% trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2018.
Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, dù gần như đã xử lý được COVID-19, Việt Nam vẫn phải tiếp tục chống đói nghèo trên mọi mặt trận.
COVID-19 không phải là vấn đề lớn ở Việt Nam, nên có lẽ Việt Nam sẽ vươn lên trong cuộc chiến chống đói nghèo trong những năm tới, Borgen Magazine nhấn mạnh./.