Ngày 2/3, lãnh đạo Đảng Xã hội (PSOE) của Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại phiên họp quốc hội cùng ngày để trở thành Thủ tướng mới của quốc gia Tây Nam Âu này.
Kết quả kiểm phiếu cuối cùng, trong khi cần một đa số tuyệt đối trên tổng số 350 phiếu thì ông Sanchez chỉ giành được 130 phiếu ủng hộ, mà có tới 219 phiếu phản đối và 1 phiếu trắng.
Như vậy, ông Sanchez chỉ nhận được sự ủng hộ từ 90 nghị sỹ quốc hội thuộc PSOE và 40 nghị sỹ khác thuộc Ciudadanos ("Công dân"), đảng mới ký thỏa thuận hợp tác với PSOE để thành lập "chính phủ cải cách và tiến bộ" ngày 24/2 vừa qua.
Chính trị gia 44 tuổi này sẽ còn một cơ hội nữa để giành được sự ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần hai sẽ diễn ra ngày 4/3, 48 giờ sau cuộc bỏ phiếu thứ nhất.
Trong lần bỏ phiếu thứ 2, ông Sanchez chỉ cần giành đa số tối thiểu. Nếu ông Sanchez tiếp tục thất bại, Tây Ban Nha có thể buộc phải tổ chức tổng tuyển cử lại vào mùa Hè tới.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định trong bối cảnh Tây Ban Nha đang dần thoát khỏi một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, một cuộc bầu cử sớm sẽ là một thảm họa đối với đất nước, đặt biệt khi các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy kết quả nhìn chung cũng sẽ giống như cuộc bầu cử tổ chức hồi tháng 12 năm ngoái.
Kể từ sau bầu cử diễn ra ngày 20/12/2015, Tây Ban Nha vẫn chưa có chính phủ do không có đảng nào chiếm đa số ghế.
Ngày 22/1, quyền Thủ tướng Mariano Rajoy đã từ bỏ nỗ lực thành lập chính phủ mới sau khi không có đủ sự ủng hộ tại quốc hội. Đảng Nhân dân (PP) của ông Rajoy chỉ giành được 123 ghế trong quốc hội, cách xa đa số tuyệt đối 176 ghế.
Ông Sanchez, thủ lĩnh PSOE, sau đó đã được Nhà vua Tây Ban Nha chỉ định làm ứng viên chức thủ tướng và tổ chức đàm phán với các đảng khác nhằm vận động sự ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội./.