Thái mở phiên xét xử về cáo buộc với đảng Dân chủ

Tòa án Thái Lan đã mở phiên xét xử đầu tiên về cáo buộc Đảng Dân chủ cầm quyền sử dụng sai mục đích tiền trợ cấp của chính phủ.
Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm nay (9/8) đã mở phiên xét xử đầu tiên về cáo buộc Đảng Dân chủ cầm quyền sử dụng sai mục đích tiền trợ cấp của chính phủ. Dự kiến phiên tòa có thể kéo dài hai tháng.

Hồi tháng Tư, Ủy ban bầu cử Thái Lan đã chính thức trình kiến nghị Tòa án Hiến pháp giải tán Đảng Dân chủ, với cáo buộc rằng đảng của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva sử dụng sai mục đích số tiền trợ cấp 29 triệu bath (tương đương 900.000 USD) của chính phủ và gây quỹ chính trị trái phép.

Hiến pháp Thái Lan nghiêm cấm một chính đảng nhận khoản đóng góp vượt quá 10 triệu bath/năm từ bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào. Cơ quan Điều tra đặc biệt Thái Lan và các ủy viên công tố quốc gia cùng tiến hành tập hợp các bằng chứng về hai cáo buộc trên. Nếu bị kết tội, Đảng Dân chủ có thể bị giải tán và ban lãnh đạo Đảng Dân chủ (gồm cả thủ tướng) có nguy cơ bị đình chỉ mọi hoạt động chính trị trong thời gian năm năm.

Liên quan đến quan hệ Thái Lan-Campuchia, chính phủ nước này sẽ gửi thư tới Liên hợp quốc giải thích về lập trường của mình trong vấn đề chủ quyền khu vực đền Preah Vihear. Theo phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Panithan Wattanayakorn, Bộ Ngoại giao Thái Lan đang phối hợp với các chuyên gia pháp lý soạn thảo bức thư này.

Thái Lan có động thái trên một ngày sau khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen gửi thư tới Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Ali Abdussalam và Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc Vitaly Churkin, trong đó nêu rõ quan điểm của nước này về vấn đề đền Preah Vihear. Campuchia cho rằng việc binh sĩ Thái Lan chiếm giữ chùa Keo Sikkhakiri Svara nằm trong lãnh thổ Campuchia là xâm phạm chủ quyền nước này.

Kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy đa số người dân Thái Lan tỏ ra lo ngại về chiến dịch của chính phủ đòi chủ quyền khu vực đền Preah Vihear. Cuộc thăm dò vừa được Viện Dusit Poll tiến hành với 1.059 người trong hai ngày 7 và 8/8, cho thấy 46,7% số người được hỏi tỏ rõ quan điểm không đồng tình với chiến dịch mà các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc gọi là "cuộc chiến nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Thái Lan."

Họ cho rằng vấn đề này sẽ làm xã hội Thái Lan chia rẽ sâu sắc hơn nữa, làm tổn hại hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế và khiến chính phủ chệch hướng khỏi các ưu tiên cho những vấn đề cấp bách hiện nay ở trong nước.

Những người có quan điểm phản đối cũng bày tỏ lo ngại chiến dịch có thể đẩy cuộc tranh cãi về chủ quyền hiện nay với Campuchia lên mức nghiêm trọng hơn. Khoảng 25,8% người được hỏi không đưa ra quan điểm hoặc cho rằng chiến dịch có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Trong khi đó, chỉ có 27,4% số ý kiến ủng hộ chiến dịch và cho rằng đây là chiến dịch yêu nước, chính phủ cần phải thực sự quan tâm giải quyết vấn đề đền Preah Vihear.

Khoảng 37% số người được hỏi cho rằng chiến dịch đòi chủ quyền khu vực ngôi đền cổ này sẽ thổi bùng căng thẳng chính trị - xã hội và có thể dẫn tới một làn sóng bạo lực mới tại Thái Lan, trong khi chỉ 17,7% tin rằng chiến dịch đã tác động tốt tới tình hình trong nước, vì nó khiến tất cả các đảng phái chính trị phải quan tâm tới vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục