Tham nhũng khiến kinh tế Italy thiệt hại gần 300 tỷ euro

Theo báo cáo của nghiệp đoàn giới chủ Italy, nước này có thể đã tiết kiệm được 300 tỷ euro nếu hành động quyết đoán hơn trong việc chống tham nhũng từ sau vụ bê bối Tangentopoli đầu thập niên 1990.
Tham nhũng khiến kinh tế Italy thiệt hại gần 300 tỷ euro ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: thelocal.it)

Theo báo cáo của nghiệp đoàn giới chủ Confindustria của Italy, nước này có thể đã tiết kiệm được 300 tỷ euro nếu hành động quyết đoán hơn trong việc chống lại tham nhũng từ sau vụ bê bối Tangentopoli đầu thập niên 1990.

Theo Confindustria, việc không thực hiện được các biện pháp có hiệu quả để loại bỏ căn bệnh hối lộ và "lại quả" trong đời sống kinh doanh và lĩnh vực công của nhà nước là trở ngại chính đối với tăng trưởng kinh tế của nước này. Nếu loại bỏ được những căn bệnh này, nền kinh tế Italy có thể đã phát triển mạnh so với hiện nay.

Trung tâm Nghiên cứu kinh tế CSC thuộc Confindustria đã thực hiện khảo sát trong giới chủ Italy và đưa ra báo cáo với nhan đề “Tham nhũng: Cản trở đối với sự phát triển” nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc không có những biện pháp hiệu quả đối phó với hệ thống tham nhũng tràn lan của Italy bị bóc trần năm 1992 và được gọi là Tangentopoli.

Chiến dịch “bàn tay sạch” điều tra vụ Tangentopoli đã dẫn đến cáo trạng liên quan đến 50% số nhà lập pháp của Italy.

Theo các báo cáo quốc tế về phòng chống tham nhũng, tuy chiến dịch điều tra này đã dẫn tới việc buộc tội, bắt giữ nhiều người và một số doanh nhân và chính trị gia nổi tiếng đã phải tự tử, nhưng Italy vẫn xếp sau nhiều nước về thành công trong việc kiểm soát tham nhũng.

Giám đốc của CSC Luca Paolazzi cho rằng thất bại trong ngăn chặn tham nhũng đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của Italy vì nó tác động tiêu cực đến dòng đầu tư vào Italy.

Theo báo cáo của CSC, nếu các biện pháp chống tham nhũng thực hiện sau chiến dịch “bàn tay sạch” được triển khai có hiệu quả và đưa vị trí của Italy trong bảng xếp hạng về chỉ số kiểm soát tham nhũng của Ngân hàng Thế giới (COC) ngang hàng với Pháp, thì điều này sẽ giúp GDP của tăng trưởng 0,8% mỗi năm.

Cũng theo tính toán của bản báo cáo trên, trong vòng 22 năm qua, ảnh hưởng lũy kế của tham nhũng đã làm nền kinh tế thiệt hại hơn 19% so với hiện nay, tương đương với việc tạo thêm được gần 300 tỷ euro hay khoảng 5.000 euro trên mỗi người dân.

Theo bảng xếp hạng COC của Ngân hàng Thế giới đối với 210 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số kiểm soát tham nhũng, được sắp xếp từ nước ít tham nhũng nhất đến nước tham nhũng nhiều nhất, Pháp xếp hạng 26 còn Italy đứng thứ 90.

Trong một báo cáo khác về triển vọng kinh tế của Italy, CSC cho rằng năm 2014 kết thúc với những biến động trong thị trường tài chính được bù đắp bằng những tín hiệu đáng khích lệ của nền kinh tế toàn cầu.

Theo báo cáo này, giá dầu hạ, đồng euro giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong 15 năm, sự gia tăng của thương mại toàn cầu và tỷ lệ lãi suất thấp sẽ giúp kinh tế Italy tăng trưởng trong năm 2015 ở mức 0,5% và 1,1% vào năm 2016.

Tuy nhiên, CSC cũng cảnh báo sự hồi phục nhẹ này sau ba lần suy thoái liên tiếp không đủ để đảm bảo giảm tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp vẫn có thể ở mức trên 12% vào năm 2016.

CSC cũng lưu ý rằng tỷ lệ thất nghiệp cao và tính không chắc chắn của triển vọng kinh tế sẽ tiếp tục là gánh nặng đối với tâm lý của người tiêu dùng với tỷ lệ tiết kiệm nội địa cao sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục