Sáng 18/2, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì cuộc họp.
Sau gần 7 năm có hiệu lực thi hành, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành hàng không.
Tuy nhiên, qua triển khai, Luật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập liên quan tới an ninh hàng không, hoạt động thanh tra chuyên ngành, quản lý dịch vụ hàng không, cũng như quản lý, cấp phép bay cho tàu bay không người lái và phương tiện siêu nhẹ…
Dự thảo luật tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều cho phù hợp với luật pháp quốc tế, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và phù hợp với Hiến pháp mới, xung quanh các nội dung gồm vị trí, chức năng, nhiệm vụ của nhà chức trách hàng không; hoạt động thanh tra chuyên ngành hàng không; thẩm quyền quản lý giá, phí các dịch vụ hàng không; quản lý, cấp phép bay cho phương tiện bay siêu nhẹ; sử dụng thương hiệu, nhượng quyền thương mại trong kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung; an ninh hàng không; quản lý cảng hàng không, sân bay; quản lý bề mặt giới hạn chướng ngại vật tại cảng hàng không sân bay; vấn đề quản lý hoạt động bay.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, việc sửa đổi Luật lần này phải đảm bảo thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc phát triển ngành hàng không, đặc biệt là nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực hàng không dân dụng.
Dự thảo phải đảm bảo vấn đề an ninh hàng không trong công tác quản lý của Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải; đồng thời phù hợp với các Điều ước quốc tế về hàng không mà Việt Nam tham gia.
Góp ý vào dự án luật, đa số ý kiến đề nghị dự thảo cần làm rõ một số khái niệm “nhà chức trách hàng không” để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của ngành hàng không và phù hợp với quốc tế.
Có ý kiến đề xuất chỉ nên xác định rõ Cục hàng không là nhà chức trách hàng không, còn nhiệm vụ, quyền hạn giao cho Chính phủ quy định.
Các đại biểu đề nghị, bên cạnh yêu cầu về công tác quản lý Nhà nước, cần đưa vào dự thảo Luật những quy định nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của khách hàng, người sử dụng dịch vụ hàng không. Dự thảo cũng cần quy định rõ thẩm quyền của các cơ quan làm công tác đảm bảo an ninh hàng không, tránh chồng chéo, gây phiền hà cho khách hàng.
Về thanh tra hàng không, dự thảo sửa đổi “thanh tra hàng không thuộc cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không, thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về hàng không dân dụng.” Một số ý kiến tán thành và cho rằng việc sửa đổi này là cần thiết, cho phù hợp yêu cầu thanh tra chuyên ngành.
Vấn đề đảm bảo an ninh hàng không được nhiều đại biểu góp ý. Các đại biểu đều thống nhất an toàn hàng không là ưu tiên hàng đầu, dự thảo luật cần quy định chặt chẽ các điều khoản, xác định rõ lực lượng tham gia đảm bảo an ninh hàng không.
Về nội dung trang bị vũ khí, có ý kiến đề nghị quyền sử dụng vũ khí phải được quy định rõ trong dự luật này, còn việc trang bị loại vũ khí nào, công cụ hỗ trợ nào thì theo quy định của pháp luật về sử dụng vũ khí. Về quyền lợi của công dân, có ý kiến cho rằng dự thảo luật cần quan tâm tới quyền và lợi ích của người dân.
Một số nội dung khác của dự thảo luật sửa đổi, bổ sung lần này như thẩm quyền quy định giá dịch vụ chuyên ngành hàng không; quản lý đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; thẩm quyền đóng, mở sân bay chuyên dụng; thẩm quyền quản lý chướng ngại vật, quản lý độ cao công trình; bảo đảm hoạt động bay; vấn đề vận chuyển vũ khí, dụng cụ chiến tranh, vật liệu phóng xạ; lực lượng kiểm soát an ninh hàng không./.